Ngày 18/11, ban tổ chức World Cup 2022 đã chính thức ban hành quy định cấm bán đồ uống có cồn tại khu vực xung quanh các sân vận động ở Qatar. Quyết định được công bố chỉ 48 giờ trước khi khai mạc giải đấu.
Theo đó, các loại đồ uống có cồn sẽ không được bán cho người hâm mộ ở khu vực xung quanh bất kỳ sân vận động nào trong số 8 sân vận động sẽ diễn ra các trận cầu của World Cup 2022. Tuy nhiên, người hâm mộ có thể sử dụng đồ uống có cồn ở các điểm được cấp phép.
World Cup 2022 chính thức khai mạc vào ngày 20/11. Ảnh: Reuters.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Doha ngày 19/11, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino cho rằng người hâm mộ tới Qatar để theo dõi các trận cầu tại World Cup 2022 "có thể sống sót" trong 3 giờ không uống bia mỗi ngày.
Ông Infantino nhấn mạnh "cá nhân tôi cho rằng không uống bia 3 giờ mỗi ngày vẫn sống được". Theo ông, quy định tương tự cũng áp dụng ở Pháp, Tây Ban Nha và Scotland.
Chính quyền nước chủ nhà và FIFA vẫn sẽ đảm bảo các sân vận động và khu vực xung quanh mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, tôn trọng và dễ chịu cho tất cả người hâm mộ.
Ban tổ chức giải đấu đánh giá cao sự hợp tác của AB InBev, công ty sản xuất bia Budweiser, đối với cam kết chung này, nhằm phục vụ mọi người trong suốt thời gian diễn ra giải đấu, theo thông cáo của FIFA.
Tuy nhiên, FIFA sẽ phải lo lệnh cấm này có thể vi phạm hợp đồng với hãng bia Budweiser hay không, khi công ty này đã tài trợ tới 75 triệu USD (khoảng 63 triệu bảng Anh).
Việc bán rượu được kiểm soát rất chặt chẽ ở một quốc gia Hồi giáo như Qatar nhưng các nhà tổ chức đã hứa rằng đồ uống sẽ có sẵn ở các địa điểm thi đấu và cả khu vực dành cho người hâm mộ, với giá hợp lý.
Tại Qatar, hành vi say xỉn nơi công cộng có thể bị phạt tù. Mức tù từ 6 tháng đến 3 năm, phạt tiền lên đến 10.000 riyal (hơn 2.600 USD). Do đó, việc ban tổ chức World Cup ở Qatar chính thức đưa đồ uống có cồn vào danh mục cấm là điều dễ hiểu. Nếu người hâm mộ vi phạm quy định sẽ bị cấm tham dự sự kiện bóng đá quốc tế lớn nhất hành tinh này.
Bích Thảo (T/h)