Trả lời phỏng vấn với tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha, Giám đốc WHO khu vực Châu Âu Hans Kluge cho biết, WHO "không thể tuyên bố chấm dứt đại dịch" trong khi vẫn có các hệ thống y tế không thể đối phó với số ca bệnh tăng đột biến.
“Chúng ta phải học cách sống chung với virus (SARS-CoV-2). Ngay khi hệ thống y tế của chúng ta không bị quá tải bởi các ca nhập viện và tử vong do COVID-19, tức là nó có thể cung cấp các dịch vụ như đã từng cung cấp trước đây, thì đại dịch có thể sẽ trở thành bệnh đặc hữu”, ông Kluge cho hay.
WHO: Các nước cần học cách sống chung với COVID-19. Ảnh minh họa
Bình luận của Giám đốc WHO khu vực châu Âu được đưa trong lúc có nhiều lo ngại về tình hình tại khu vực này khi mùa đông đang đến gần.
Trước câu hỏi việc liệu "châu Âu một lần nữa có phải là tâm dịch hay không", ông Kluge nói rằng WHO dự đoán châu Âu sẽ có khoảng "nửa triệu ca tử vong" vì COVID-19 trước tháng 2 năm sau.
Ông Kluge cho rằng, các thông tin sai lệch cùng với với việc nới lỏng các biện pháp phòng chồng dịch đã khiến số ca nhiễm và tử vong tăng vọt tại châu Âu như hiện nay. Theo ông Kluge, các quốc gia châu Âu cần bác bỏ quan điểm phản đối vaccine ngừa COVID-19 và các biện pháp chống dịch an toàn.
Quan chức WHO nhấn mạnh tình hình sẽ rất “khó khăn” nếu không có việc triển khai vaccine hiệu quả cho đến nay ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, để việc tiêm chủng có hiệu quả đầy đủ, ông Kluge cho rằng các quốc gia phải “không bỏ sót ai” và tập trung vào các mũi tiêm nhắc lại, cũng như "tiêm chủng cho trẻ em" để tối đa hóa độ bao phủ vaccine nhằm giảm sự lây lan của virus.
Ông Hans Kluge cũng cảnh báo Mỹ cần chú ý tới tình hình dịch COVID-19 tại châu Âu hiện nay và "rút ra bài học". Trước đó, WHO cho biết tình hình tại châu Âu là "phát súng cảnh báo" về nguy cơ dịch bùng phát trở lại, đặc biệt tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Theo trang thống kê worldometers, tính đến sáng 11/11, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 252 triệu ca nhiễm và hơn 5,08 triệu trường hợp tử vong do đại dịch COVID-19.
Hoa Vũ (T/h)