Trong những năm chiến tranh ác liệt, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) được biết đến là một vùng đất anh hùng của Đắk Lắk. Đây cũng là nơi các dân tộc thiểu số một lòng theo Đảng, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đấu tranh, đánh đuổi quân xâm lược cho đến ngày toàn thắng.
Nhấp ngụm trà nóng, già làng Y Đhun Hmôk (SN 1955), Bí thư Chi bộ buôn Dur 1 (xã Dur Kmăl) ngược dòng ký ức, kể về những năm tháng hào hùng của bà con vùng căn cứ Cách mạng.
Theo lời kể của già làng Y Đhun, người dân trên địa bàn các buôn Kmăl, Dur 1, Dur 2 (xã Dur Kmăl) tham gia Cách mạng từ năm 1945 và trở thành hạt nhân của vùng căn cứ. Bản thân ông Y Đhun cũng đi theo bố mẹ cùng bà con buôn làng tham gia nuôi giấu cán bộ từ khi mới chỉ 12 tuổi. Đến năm 14 tuổi, ông làm Bí thư Chi đoàn buôn Dur 1, rồi Bí thư Chi đoàn xã năm 16 tuổi và tích cực tham gia đấu tranh vũ trang cho đến ngày đất nước thống nhất.
Ông Y Đhun cho hay, khi thực dân Pháp kéo đến đã không ngừng theo dõi và tìm cách đàn áp tinh thần Cách mạng của người dân các buôn làng. Một số người trong buôn bị bắt, tù đày, tra tấn, trong đó có 4 người thân của ông. Thậm chí, có người dân còn bị địch bắn tại chỗ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng căn cứ Cách mạng xã Dur Kmăl được biết đến với mật danh H6. Đây là một trong những vùng bị địch đánh phá ác liệt nhằm chia cắt đường tiếp tế của quân ta. Âm mưu “bắt sạch, giết sạch” của quân xâm lược khiến người dân vùng căn cứ phải hứng chịu những trận mưa bom, bão đạn dữ dội.
Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn kiên cường, đoàn kết đi theo tiếng gọi của Đảng để bảo vệ quê hương, đất nước. Họ sẵn sàng dùng mọi phương tiện, từ súng ống cho đến các loại vũ khí thô sơ như sà gạt, cây tre... chiến đấu với quân thù, kiên quyết không chịu đầu hàng Ngụy, không chịu làm nô lệ cho đế quốc Mỹ.
Già làng Y Đhun Hmôk kể về những năm tháng hào hùng của bà con vùng căn cứ H6.
“Vào tháng 10/1961, toàn bộ người dân các buôn Kmăl, Dur 1, Dur 2 đã bỏ lại những cánh đồng lúa chín chưa kịp thu hoạch, cùng nhiều tài sản quý giá như trâu, bò, voi, chiêng, heo,... di chuyển đến vùng đất khác để tham gia Cách mạng. Chỉ với vài bộ quần áo, ít gạo, người dân đã lên đường mà không một chút đắn đo, suy nghĩ. Rất nhiều lần bà con buôn rời làng, theo bộ đội vào rừng sống và chiến đấu”, già làng Y Đhun nhớ lại.
“Người dân các buôn làng đã phải đương đầu với không ít gian khổ, hy sinh. Bản thân tôi cũng đã không ít lần đối diện với lằn ranh sinh tử. Thế nhưng, mọi người không những không nản chí, mà đặt niềm tin vào sự nghiệp Cách mạng, biến đau thương thành hành động và quyết tâm chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, già làng Y Đhun chia sẻ.
Sau khi hòa bình lập lại, đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Dur Kmăl tiếp tục phát huy truyền thống Cách mạng, chăm lo phát triển kinh tế, ổn định đời sống, thay đổi phương thức canh tác, đưa cơ giới vào sản xuất, tăng năng suất lao động. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân chuyển biến tích cực. Năm 2000, xã Dur Kmăl được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Ông Y An Ênuôl (SN 1946), già làng, người có uy tín buôn Kmăl cho hay: “Bây giờ, xã Dur Kmăl hoàn toàn đổi khác. Đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đường nhựa, bê tông đến từng buôn. Trường học cũng ngày càng khang trang, kiến cố. Buôn nào cũng có nhà văn hóa cộng đồng để người dân sinh hoạt...”.
Già làng Y An bảo rằng, xã Dur Kmăl được như bây giờ là nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, từ cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu đến hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, chuyển đổi cây trồng, đa dạng sinh kế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Già làng Y Đhun nhấn mạnh, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chủ trương, đường lối của Đảng luôn đi sát với thực tế cuộc sống của nhân dân. Do đó, người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cùng nhau đoàn kết, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương.
Đặc biệt, cán bộ, Đảng viên luôn gần dân và tìm mọi cách dìu dắt đồng bào dân tộc thiểu số tại các buôn làng ngày càng vươn lên rõ rệt. Những căn nhà xập xệ trước đây nay đã thay thế bằng những căn nhà xây kiên cố, khang trang. Trẻ em trong buôn làng có điều kiện được đến trường để theo đuổi ước mơ học tập. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn có nhiều mô hình làm kinh tế mang lại hiệu quả cao, bền vững, trong đó có mô hình trồng xen canh sầu riêng vào diện tích cà phê.
Với cương vị là Buôn trưởng buôn Dur 1, ông K’Nich (SN 1980) luôn phát huy tốt vai trò người đứng đầu để tuyên truyền, vận động nhân dân trong buôn tìm tòi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, tìm những mô hình sản xuất giỏi để áp dụng vào tình hình sản xuất của nhân dân trong buôn. Nhờ đó, đã có nhiều gia đình trong buôn sản xuất kinh tế giỏi, xây dựng kinh tế gia đình, địa phương ngày càng phát triển.
Nhờ ham học hỏi về các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, ông K’Nich đã mạnh dạn tái canh và thực hiện mô hình sản xuất cà phê sạch, chất lượng cao. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông K’Nich còn giúp nhiều bà con trong buôn học hỏi kinh nghiệm sản xuất cà phê sạch.
Ông K’Nich cho hay, được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, sự nỗ lực của các hộ dân tham gia mô hình tái canh, bà con trong buôn đã thay đổi cách làm, cách nghĩ và cách hành động. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số không những vươn lên thoát nghèo mà còn có kinh tế khá. Năm 2000, buôn Dur 1 có tới 124 hộ nghèo, cận nghèo, đến nay chỉ còn 34 hộ.
Không chỉ phát triển kinh tế, tất cả các mặt an sinh xã hội tại địa phương đã có nhiều bước chuyển mình tích cực. Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực vươn lên, đến nay Dur Kmăl đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 11,06%. Chính quyền và nhân dân xã đang nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2024.
Với mục tiêu tất cả người dân trên địa bàn đều phải có lợi, đều phải phát triển, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiến hành xây dựng làng nghề dệt tơ tằm, dệt tơ sen, qua đó phát triển thương mại dịch vụ, du lịch trên địa bàn.
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Số đặc biệt (gộp 3 số 211+212+213)