Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đi qua sinh tử, người cựu binh "gùi cát, cõng đá" dựng bia tri ân đồng đội

  • Anh Ngọc
(DS&PL) -

Trở về sau chiến tranh, những ký ức về đồng đội đã ngã xuống luôn là niềm đau đáu trong tâm tưởng ông Hải. Ông luôn dành tâm huyết cho các hoạt động tri ân đồng đội.

Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình

Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên chưa tròn 20 tuổi Lê Mạnh Hải (phường Lê Lợi, Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An) hăng hái tòng quân nhập ngũ. Vào quân đội, ông được biên chế vào Sư đoàn 320 (Đại Đoàn Đồng Bằng) là một trong những sư đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Vào cuối năm 1971, đầu năm 1972, ông cùng đồng đội Sư đoàn 320 tham gia chiến trường Kon Tum, mặt trận B3. Đây cũng là lúc chiến dịch Xuân Hè 1972 mở màn ở mặt trận Bắc Tây Nguyên. Và đây cũng là trận đánh đầu tiên ông tham gia cùng lữ đoàn ở điểm cao 1015 (Charlie) và điểm cao 1049 (Delta), góp phần cùng toàn mặt trận giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh, giải phóng được một vùng rộng lớn Tây Nguyên.

“Mặt trận B3 là nơi có vị trí hiểm trở, địa hình phức tạp, rừng thiêng nước độc. Các trận đánh diễn ra ở các điểm cao, càng thêm cam go ác liệt. Hai bên giành giật từng tấc đất, từng điểm cao, không chỉ đấu súng mà còn đấu trí. Bởi, tương quan lực lượng giữa hai bên đều sử dụng đội quân thiện chiến nhất”, ông Hải nhớ lại.

Ở mặt trận khốc liệt nhất nên chàng lính trẻ đã tận mắt chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống trước mưa bom, bão đạn. Vượt lên tất cả, điều đó đã tăng thêm sức mạnh, lòng quyết tâm đánh giặc trong ông Hải và đồng đội.

“Trong sự gian nan, ác liệt của khói lửa, súng đạn, ranh giới sinh tử, sống chết rất mong manh. Đây là cuộc chiến mà với cá nhân tôi nói riêng và tất cả chiến sĩ Sư đoàn 320 được tham gia trận này sẽ không bao giờ lãng quên”, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải xúc động chia sẻ khi nhắc đến trận chiến đầu tiên năm 1972.

Chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh là khúc ca hùng tráng về tinh thần chiến đấu dũng cảm và kiên cường, đoàn kết một lòng, hợp đồng chặt chẽ giữa các binh chủng, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi tại Hội nghị Pari buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định, chấp nhận thất bại rút quân về nước; tạo bước đà cho Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Năm 1975, người lính trẻ nay đã trở thành chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm, tham gia chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Mê Thuột. Tại đây, ông Hải tham gia các trận đánh: Cheo Reo, Phú Bổn, giải phóng Tx. Buôn Mê Thuột. Trong đội hình Sư Đoàn 320 truy kích địch trên đường 7, ông Hải và đồng đội thẳng tiến về giải phóng Tx. Tuy Hòa và một vùng rộng lớn từ Tuy An đến Đèo Cả.

Ông Lê Mạnh Hải hiện là Trưởng Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh.

Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được tham gia đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, theo mũi tấn công của Sư đoàn đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, ông Hải cùng đồng đội tham gia chiến dịch đánh trả lực lượng Pôn – Pốt lấn chiếm biên giới Tây Nam. Làm nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn giải phóng hoàn toàn Campuchia khỏi ách diệt chủng.

Năm 1982, sau 11 năm chinh chiến trên khắp các chiến trường, thân mình mang nhiều thương tích, cựu chiến binh, thương binh Lê Mạnh Hải được phục viên chuyển ngành về công tác tại Sở Công nghiệp Nghệ An.

Năm 1998, ông Lê Mạnh Hải thành lập công ty riêng để tạo việc làm cho nhiều con em, thân nhân các cựu chiến binh cùng ông một thời “vào sinh ra tử”. Với bản lĩnh của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông Hải đã xây dựng công ty lớn mạnh hơn theo thời gian, giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây ổn định hơn trước.

Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 là một trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập tại Đình Mống Lá, xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình vào ngày 16/1/1951. Trải qua các cuộc chiến tranh, Sư đoàn 320 có gần 15.000 liệt sĩ, trong đó quê hương Nghệ An có hơn 1.200 liệt sĩ, hàng vạn đồng chí trở về là thương bệnh binh, ảnh hưởng chất độc da cam.

Nghĩa tình với những đồng đội nằm lại nơi chiến trường

Năm 1996, ông Lê Mạnh Hải và đồng đội đã cùng nhau tập trung lại, thành lập Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng, Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh. Trụ sở công ty ông là nơi hội họp của Ban liên lạc cựu chiến binh. Đây là nơi để các thành viên giao lưu, chia sẻ, ôn lại những kỷ niệm đã qua và giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tổ chức đi tìm và đón hài cốt liệt sĩ, đi thăm chiến trường xưa và xây dựng các công trình tri ân đồng đội.

“Hiện nay, Ban liên lạc quy tụ hơn 400 cựu chiến binh hoạt động tại 8 Chi hội trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An. Đây được xem là tổ ấm, nơi gắn bó của những người một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cùng đoàn kết, chia ngọt, sẻ bùi và tham gia các hoạt động xã hội vì sự phát triển của quê hương đất nước”, ông Hải nói.

Ông Lê Mạnh Hải mong rằng thế hệ sau luôn nhớ đến những người chiến sĩ dũng cảm đã hy sinh mình vì Tổ quốc.

Năm 2016, Ban liên lạc Sư đoàn 320 Hà Nội (do Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến làm Trưởng ban) chủ trương xây dựng nhà bia tri ân đồng đội. Nghe tin này, ông Lê Mạnh Hải, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh đã thông báo cho các thành viên, lập tức mọi người đều hưởng ứng.

“Chiến tranh kết thúc gần nửa thế kỷ, nhưng các anh em cựu chiến binh Sư đoàn 320 chúng tôi luôn đau đáu nhớ về đồng đội đã ngã xuống. Tất cả cùng một chí hướng đã họp bàn nhau và thống nhất ý tưởng quay lại chiến trường xưa, xây dựng nhà bia để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì tương lai tươi sáng của dân tộc”, ông Hải nói.

Sau khi được sự nhất trí của chính quyền địa phương, Ban liên lạc truyền thống quyết định triển khai xây dựng nhà bia Di tích lịch sử, tưởng niệm trên trận địa cũ nơi những người đồng đội Sư đoàn 320 đã yên nghỉ tại đây. Ngày 25/12/2017, ông Lê Mạnh Hải cùng 27 cựu chiến binh Nghệ An - Hà Tĩnh xuất phát vào chiến trường xưa để tham gia việc thi công.

Đầu năm 2018, ông Hải và đồng đội đã hoàn thành Nhà bia Chư Bồ - Đức Cơ (Gia Lai) trị giá 1,3 tỷ đồng. Tháng 5/2018, khánh thành 2 nhà bia ở điểm cao 1015 và 1049 (Kon Tum), trị giá 3,6 tỷ đồng. Tháng 4/2019, hoàn thành Nhà bia Đồng Dù - Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh) trị giá 3,2 tỷ đồng. Hiện, Nhà bia chiến thắng Đồng Dù - Củ Chi được Tổng cục Chính trị xếp hạng là Nhà bia lưu niệm sự kiện. Còn, 2 nhà bia ở điểm cao 1015 và 1049 tại Sa Thầy, Kon Tum đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận thành Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt cùng với quần thể Di tích chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh.

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Số đặc biệt (gộp 3 số 211+212+213)

Tin nổi bật