Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ xe bồn bốc cháy làm 6 người chết ở Bình Phước: Tài xế gây tai nạn có phải chịu trách nhiệm hình sự?

(DS&PL) -

Theo ý kiến từ luật sư, tài xế điều khiển xe chở xăng dầu không những không tự lường trước nguy hiểm mà còn chạy quá tốc độ nên lỗi trước hết thuộc về tài xế xe bồn.

Theo ý kiến từ luật sư, bản thân tài xế điều khiển chiếc xe chở xăng dầu phải lường trước được mức độ nguy hiểm nếu không may gây tai nạn, nhưng trong trường hợp này, tài xế chạy quá tốc độ nên lỗi trước hết thuộc về tài xế xe bồn.

Liên quan đến vụ cháy xe bồn khiến 6 người tử vong tại huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), ngày 22/11, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị đang phối hợp với phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt, công an tỉnh điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Trước đó, khoảng 4-5h sáng cùng ngày, xe bồn chở xăng - dầu do tài xế Thạch Văn Phong (quê tỉnh Trà Vinh) điều khiển chạy trên Quốc lộ 13, hướng từ huyện Chơn Thành về thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Hiện trường vụ cháy xe bồn khiến 6 người tử vong tại Bình Phước. Ảnh: Infonet

Đến xã Minh Hưng (huyện Chơn Thành), xe bồn va chạm với xe ba gác chở nước đá do ông Bùi Văn Vĩnh (43 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành) lưu thông cùng chiều. Xe bồn tiếp tục lao qua dải phân cách, sang phần đường ngược lại tông trúng trụ điện.

Sau đó, xe bồn bị lật, xăng, dầu đổ ra ngoài và bốc cháy. Ngọn lửa bao trùm khu vực và cháy lan 19 căn nhà. Vụ cháy làm 6 người đang ngủ trong nhà thiệt mạng, 2 người bị thương là Thạch Văn Phong (tài xế xe bồn, quê tỉnh Trà Vinh) và Bùi Thanh Vĩnh (lái xe ba gác, 43 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành).

Trưa 22/11, bệnh nhân Thạch Văn Phong được đưa vào khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng tỉnh, vết bỏng trên người khoảng 37% ở vùng mặt, cổ, lưng, tứ chi.

Bệnh nhân Phong được điều trị tại phòng đặc biệt dành cho bệnh nhân về huyết áp, phỏng vùng mặt.

Tài xế xe bồn đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Infonet

Sau vụ tai nạn kinh hoàng, nhiều người đặt ra câu hỏi ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước những hậu quả nghiêm trọng về người và của đã xảy ra?

Trả lời về vấn đề này, trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Đặng Đức Trí – Giám đốc hãng luật Roma (đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, theo thông tin ban đầu từ cơ quan Công an tỉnh Bình Phước, chiếc xe bồn chở xăng, dầu do tài xế Thạch Văn Phong điều khiển chạy với tốc độ 96km/h là quá tốc độ cho phép. Bản thân tài xế điều khiển chiếc xe chở xăng dầu phải lường trước được mức độ nguy hiểm nếu không may gây tai nạn, nhưng trong trường hợp này, tài xế chạy quá tốc độ nên lỗi trước hết thuộc về tài xế xe bồn.

Trong vụ tai nạn này, xe bồn sau khi đâm, va vào xe ba gác đã lao sang phần đường ngược lại, bị lật và tràn xăng, dầu ra ngoài gây cháy. Chắc chắn đó là điều tài xế không mong muốn nhưng thực tế đã xảy ra. Vậy đây có phải là trường hợp bất khả kháng hay không?.

Luật sư Trí nói: “Trường hợp bất khả kháng là tài xế phải lưu thông đúng làn đường, tuân thủ đúng về tốc độ cho phép. Rồi nếu có một chướng ngại vật nào đó, một chiếc xe nào đó xuất hiện bất ngờ, đâm vào xe bồn khiến tài xế không kịp trở tay, tức là nguyên nhân vụ tai nạn do yếu tố khách quan thì mới gọi là trường hợp bất khả kháng.

"Còn trong trường hợp này, tài xế điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định (theo thông tin ban đầu từ Công an tỉnh Bình Phước) thì bản thân tài xế là người sai trước. Tai nạn xảy ra là lỗi của tài xế nên trong trường hợp này không thể gọi là bất khả kháng”, luật sư Trí cho biết thêm.

Luật sư Trí đưa ra ý kiến về vụ việc. Ảnh: Người Đưa Tin

Cũng theo luật sư Trí, vụ tai nạn khiến 19 căn nhà bị ảnh hưởng (cháy một phần hoặc hoàn toàn), làm 6 người thiệt mạng, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trong trường hợp Công an tỉnh Bình Phước xác định lỗi thuộc về tài xế xe bồn, nam tài xế này có thể bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Khoản 3, Điều 260 quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Nam tài xế gây tai nạn làm chết 6 người nên có thể mức hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 260 BLHS: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên”. Mức hình phạt của điều khoản này từ 7 – 15 năm tù giam.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, luật sư Trí cho biết: "Về trách nhiệm hình sự thì đã rõ. Nếu xác định tài xế xe bồn sai thì tài xế phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật định. Về trách nhiệm dân sự, trước hết chủ xe bồn phải có trách nhiệm bồi thường các tổn thất trong vụ tai nạn này. Sau đó, chủ xe có thể kiện tài xế để yêu cầu bồi thường cho mình".

Nguyễn Phượng  (T/h)

Tin nổi bật