Chiều 31/1, chia sẻ trên Báo Lao Động, ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Quảng Nam - cho biết, nhà trường đã thanh toán toàn bộ khoản nợ lương và BHXH từ tháng 7 - 12/2023 cho hơn 100 người lao động, tổng cộng hơn 6,2 tỷ đồng.
NLĐ Trường CĐYT Quảng Nam đã được chi trả nợ lương 6 tháng, hơn 6,2 tỷ đồng. Ảnh: Lao Động
Kinh phí chi trả được tỉnh cấp bổ sung, hỗ trợ 2 đợt - hơn 5,8 tỷ đồng, phần còn lại từ nguồn thu và nguồn tạm ứng của trường.
“Đến hiện tại, 100% cán bộ, giảng viên của nhà trường đã được trả lương 6 tháng cuối năm 2023. Nhìn chung, sau khi được chi trả lương, phần lớn cán bộ, giảng viên nhà trường đều phấn khởi làm việc, các hoạt động của nhà trường vẫn diễn ra bình thường”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, khoản phụ cấp, ưu đãi nghề của đội ngũ cán bộ, giảng viên 10 tháng qua (hơn 1,4 tỷ đồng) vẫn chưa có nguồn để chi trả. Theo hướng dẫn của tỉnh, nhà trường đã thông báo với cán bộ nhân viên và người lao động của trường để khoanh nợ và dự kiến năm 2024, sẽ tiếp tục chi trả bằng nguồn tiết kiệm chi, ông Tuấn cho biết thêm.
Sau nhiều tháng bị nợ lương kéo dài, nhiều giảng viên của Trường CĐYT Quảng Nam thậm chí đã phải cầm cố sổ đỏ, vay nóng để duy trì sinh hoạt. Đỉnh điểm là quyết định ngừng việc tập thể thời điểm cận Tết Dương lịch. Khi được chi trả nợ chế độ lương và BHXH, họ hết sức vui mừng nhưng không tránh khỏi chạnh lòng.
“Tôi cảm thấy rất vui khi nhận được khoản nợ lương 6 tháng qua để trang trải cuộc sống, trả nợ cho các khoản đã mượn các tháng trước và lo Tết. Nhận được số tiền xứng đáng với mồ hôi, công sức của mình khi Tết cận kề khiến tôi vừa mừng vừa tủi” - một giảng viên lâu năm của Trường CĐYT Quảng Nam chia sẻ.
Người lao động cũng gửi lời cảm ơn đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và bố trí kinh phí để giải quyết nợ lương cùng chế độ khác, đảm bảo đời sống để người lao động yên tâm công tác.
“Về tương lai của trường, chúng tôi còn nhiều băn khoăn khi tuyển sinh liên tục không đạt chỉ tiêu, nguồn thu không đảm bảo duy trì hoạt động, nhất là khi trường được giao cơ chế tự chủ. Chúng tôi mong mỏi UBND tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp để trường đảm bảo ổn định lâu dài” - một vị trưởng khoa của Trường CĐYT Quảng Nam kiến nghị.
“Phía nhà trường đã đề xuất lên các cấp có thẩm quyền cấp kinh phí hoạt động theo biên chế chứ không phải theo chỉ tiêu tuyển sinh như hiện nay, nhằm đảm bảo nguồn lương cho cán bộ, giảng viên của nhà trường” - Hiệu trưởng Trường CĐYT Quảng Nam nói.
Ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng Trường CĐYT Quảng Nam. Ảnh: VTC News
Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, ngày 14/12/2023, 18 cán bộ, giảng viên Trường CĐYT Quảng Nam gửi thông báo quyết định ngừng việc tập thể. Các cán bộ này thuộc Khoa Điều dưỡng và Khoa Y tế. Thông báo ngừng việc bắt đầu từ ngày 18/12.
Lý do được những cán bộ, giảng viên này đưa ra là nhà trường đã không thanh toán tiền lương và phụ cấp cho họ trong 6 tháng, tính từ tháng 7/2023 đến nay. Trong thời gian nợ lương này, vì không muốn ảnh hưởng đến việc học của sinh viên nên các cán bộ, giảng viên vẫn đến trường làm việc.
Đến chiều 18/12, hai giảng viên khoa Y đã ngừng dạy, hơn 30 sinh viên phải nghỉ học. Cùng với đó, 9 giảng viên khoa Y cũng đã thống nhất ngừng việc tập thể từ ngày 20/12, nâng tổng số người lao động ngừng việc lên 27.
Ngày 19/12, sau cuộc họp với ban lãnh đạo nhà trường, đại đa số giảng viên đồng ý tiếp tục giảng dạy đến hết ngày 31/12 để đợi tiền lương trường con nợ. Đến ngày 20/12, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định cấp 1,239 tỷ đồng để “giải cứu” tạm thời vấn đề của Trường CĐYT Quảng Nam.
Số tiền lương trường nợ giảng viên trong 6 tháng là 4,9 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội 1,4 tỷ đồng và chế độ phụ cấp 1,3 tỷ đồng. Tổng cộng 7,6 tỷ đồng.
Thục Hiền (T/h)