Sáng 19/7, tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Ba Vì đã tổ chức buổi gặp mặt và trao nhận hai cháu về với cha, mẹ đẻ của mình.
Theo đó, đúng 8h ngày 19/7, buổi lễ trao con giữa hai gia đình chính thức được diễn ra. Tuy nhiên, mãi đến gần 9h thì chị Vũ Thị Hương và cháu Đ.N.M. mới xuất hiện khiến gia đình anh Sơn rất nóng lòng được gặp mặt con đẻ của mình.
Chia sẻ với PV báo Nông Nghiệp Việt Nam, ông Phùng Văn Phượng (ông của cháu Đ.N.M) cho biết, tối qua (18/7), bác sĩ Trưởng khoa sản của Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã ngủ lại tại gia đình chị Hương để hỗ trợ công tác chuẩn bị.
Buổi Lễ trao con được tổ chức tại BVĐK Ba Vì và có sự chứng kiến của đại diện Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Nông Nghiệp Việt Nam |
Tại buổi lễ, cả hai nhà đã thống nhất sẽ trao con cho nhau. Tuy nhiên chị Hương sẽ hỏi ý kiến bé Minh có muốn về gia đình của bố mẹ đẻ sống không. Nếu cháu Minh trả lời “có muốn” thì bé Minh sẽ về nhà anh Sơn, ngược lại, trường hợp bé Minh không đồng ý, chị Hương sẽ tạm thời chăm sóc cháu. Vấn đề mấu chốt là tâm nguyện của hai cháu nhỏ như thế nào.
Anh Phùng Giang Sơn và chị Vũ Thị Hương tiến hành các thủ tục trao nhận con. Ảnh: Nông Nghiệp Việt Nam |
Còn anh Phùng Giang Sơn, anh đề nghị bệnh viện và cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ ổn định tâm lý cho hai cháu nhỏ, bởi thời gian vừa qua sự việc trao nhầm con mà bệnh viện gây ra đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của hai bé.
Ảnh: Nông Nghiệp Việt Nam |
Cũng trong buổi lễ, chị Hương, anh Sơn và đại diện BVĐK Ba Vì đã tiến hành các thủ tục để đưa hai bé trở về với gia đình. Ngoài ra, cả hai phía gia đình cùng khẳng định, không đòi hỏi bất cứ vấn đề gì về vật chất, mọi thứ đều do bệnh viện tự nguyện.
Được biết, vào hôm qua (18/7), hai gia đình đã thống nhất với BVĐK huyện Ba Vì về số tiền bồi thường sau sự cố trao nhầm con cách đây 6 năm. Tuy nhiên, họ từ chối cung cấp mức tiền cụ thể vì sợ ảnh hưởng tâm lý các con.
Trước đó, trả lời báo Tiền Phong, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, phía Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và hai bên gia đình anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi ở xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) và chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) đã tìm được sự đồng thuận để giải quyết vụ việc.
Cũng theo bà Hà, sau khi tiến hành buổi giao nhận con, 2 bé sẽ được làm lại giấy chứng sinh. Khi có giấy chứng sinh sẽ làm lại giấy khai sinh và thủ tục đổi họ, tên cho 2 bé.
Trước đó, anh Phùng Giang Sơn có đơn kiến nghị gửi Bộ Y tế về việc con trai bị trao nhầm tại bệnh viện cách đây 6 năm. Theo đó, vào ngày 1/11/2012, vợ anh Sơn hạ sinh một bé trai tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Sau khi nhận con, vợ chồng anh Sơn đã nghi ngờ tã lót của cháu bé bị nhầm nên có hỏi lại. Tuy nhiên, bác sĩ này khẳng định đây là tã lót của cháu bé chứ không nhầm. Mới đây, gia đình anh Sơn đi xét nghiệm ADN và phát hiện cháu bé được gia đình nuôi dưỡng 6 năm nay không cùng huyết thống với vợ chồng anh. Qua thời gian tìm hiểu, truy xuất lại hồ sơ, Bệnh viện đã xác định gia đình chị Vũ Thị Hương (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) là người có khả năng cao bị trao nhầm con. Bệnh viện đã gặp gỡ hai gia đình và thống nhất hai gia đình cùng hai cháu đi xét nghiệm AND tại Viện Khoa học Hình sự (Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an). Kết quả cho thấy, có sự sai sót trao nhầm con giữa hai gia đình. |
Nguyễn Phượng (T/h)