Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ trạm trộn bê tông trên đất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường: Mức phạt nào cho Công ty TNHH Việt Anh?

(DS&PL) -

Công ty TNHH Việt Anh có thể bị xử phạt thế nào với hành vi chiếm hữu và sử dụng sai mục đích hàng nghìn m2 đất nông nghiệp để làm trạm trộn bê tông.

Công ty TNHH Việt Anh sẽ bị xử phạt với hành vi chiếm hữu và sử dụng sai mục đích hàng nghìn m2 đất nông nghiệp để làm trạm trộn bê tông.

Trạm trộn bê tông Việt Anh xây dựng lắp đặt không phép, mà cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý.


Liên quan đến việc khu đất bãi ven sông Đuống do UBND xã Dương Hà (huyện Gia Lâm) quản lý, xâm canh phường Giang Biên (quận Long Biên), thuộc hành lang thoát lũ sông Đuống đang bị công ty TNHH Việt Anh chiếm hữu và sử dụng sai mục đích vào việc xây dựng trạm trộn bê tông có quy mô lớn gây ô nhiễm môi trường, theo quan điểm của các luật sư, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý để trả lại hành lang thoát lũ, tránh ô nhiễm môi trường.

Theo tài liệu PV có được, ngày 4/4/2014, UBND xã Dương Hà cho công ty TNHH Việt Anh thuê 65.000m2 đất để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, công ty TNHH Việt Anh đã sử dụng đất sai mục đích, tự ý đổ trụ, xây dựng, lắp đặt trạm trộn bê tông thương phẩm trái phép khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trước đó, ngày 30/6/2016 UBND xã Dương Hà đã thanh lý hợp đồng về việc thuê đất đối với công ty TNHH Việt Anh, yêu cầu đơn vị này phải ngừng hoạt động và tự tháo dỡ công trình vi phạm và phải trả lại nguyên trạng như lúc ban đầu. Tuy nhiên, công ty này vẫn bỏ “ngoài tai” không thực hiện.

Tuy nhiên, đến ngày 17/11/2017, UBND huyện Gia Lâm lại ban hành văn bản số 2918/UBND - TN&MT về việc chấp thuận giao UBND xã Dương Hà kí hợp đồng tạm giao cho công ty TNHH Việt Anh sử dụng đất tại khu đất ngoài bãi Sông Đuống với thời hạn 1 năm và Công ty phải đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường và hoàn tất các thủ tục xin thỏa thuận đê điều và chỉ được phép hoạt động sau khi hoàn tất các thủ tục xin cấp phép theo quy định.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho biết: “Căn cứ vào Điều 12 Luật Đất Đai 2013 thì hành vi “sử dụng đất không đúng mục đích” là hành vi bị nghiêm cấm. Công ty TNHH Việt Anh đã vi phạm điều 12 nêu trên, khi thuê đất để sản xuất nông nghiệp mà lại làm trộn bê tông, tự ý đổ trụ.

Bên cạnh đó, hành vi xây dựng, lắp đặt trạm trộn bê tông thương phẩm trái phép khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Công ty Việt Anh vi phạm các quy định về cấp phép xây dựng trong Luật xây dựng 2014, Nghị định 59/2015/NĐ-CP quản lý dự án đầu tư xây dựng”.

Tuy nhiên, cần căn cứ vào đặc điểm đất nông nghiệp Công ty TNHH Việt Anh đã thuê lại là đất gì để áp dụng mức xử phạt hành chính phù hợp.

+ Nếu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì hình thức và mức xử phạt như sau: (theo Khoản Điều 6 Nghị định 102/2014/NĐ-CP)

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;

c) Phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

+ Nếu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì hình thức và mức xử phạt như sau:(theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP)

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;

c) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh nhận định, xây dựng trạm trộn bê tông trái phép trên đất bãi sông Đuống - là đất nông nghiệp mà chưa được thẩm định cấp phép tiêu chuẩn về quy hoạch dự án, vệ sinh môi trường theo Quyết định số 78/2001/QĐ-UB và các quy định pháp luật khác có liên quan, các thủ tục đê điều sẽ gây nguy cơ làm chết hoa màu, thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp lâu dài, ổn định của người dân, nguy cơ ô nhiễm, nguy hiểm sụt lún tăng cao trong mùa mưa bão. Đặc biệt, đất bãi là hành lang thoát lũ.

Liên quan đến vụ việc, UBND huyện Gia Lâm có văn bản gửi UBND xã Dương Hà chấp thuận tạm giao 10.000m2 đất bãi sông Đuống cho Công ty TNHH Việt Anh sử dụng trong thời hạn 1 năm theo giá nhà nước, kèm theo các điều kiện:

Công ty TNHH Việt Anh phải đảm bảo thỏa thuận về đê điều, vệ sinh môi trường khu vực và phải xin cấp phép hoạt động trạm bê tông đầy đủ theo quy định của pháp luật. Trong thời gian xin cấp phép, Công ty bị buộc yêu cầu đình chỉ tuyệt đối mọi hoạt động của trạm bê tông và giữ nguyên hiện trạng các công trình đang có, không được phát sinh công trình mới.

Đường xá lầy lội mỗi khi xe của công ty TNHH bê tông Việt Anh đi lại gây khói bụi mịt mù.

Liệu UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Dương Hà có làm hết trách nhiệm khi đã xử phạt rất nhiều lần mà Công ty TNHH Việt Anh vẫn ngang nhiên hoạt động?

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, với mục đích tăng hiệu quả sử dụng đất, chống thất thu ngân sách. Đồng thời, làm giảm thiệt hại chi phí doanh nghiệp đã đầu tư xây trạm bê tông, UBND huyện Gia Lâm chấp thuận tạm giao 10.000m2 đất bãi sông Đuống cho Công ty TNHH Việt Anh sử dụng đất trong thời hạn 1 năm. Quyết định này có hợp lý hay không cần dựa trên những điều kiện sau:

Diện tích 10.000 m2 đất nằm trong tổng số 60.500m2 đất ngoài bãi sông Đuống đang thuộc loại đất nông nghiệp. Để hoạt động trạm bê tông phải được phép của cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp (theo Điều 57 Luật Đất Đai 2013).  Hiện tại thủ tục này đã được thực hiện hay chưa? Nếu chưa chuyển mục đích sử dụng đất mà Công ty TNHH Việt Anh vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động trạm bê tông trên đó thì sẽ vi phạm quy định của pháp luật.

“Bãi sông là vùng đất có phạm vi từ biên ngoài hành lang bảo vệ đê điều trở ra đến bờ sông” (theo Khoản18 Điều 3 Luật Đê Điều 2006). Do vậy cần xác định xem diện tích đó có trong phạm vi đê điều hay không? Nếu thuộc phạm vi đê điều lại là hành lang thoát lũ thì việc xây dựng trạm bê tông thuộc trường hợp bị nghiêm cấm (Khoản 5 Điều 7 Luật đê điều 2006). 

Nước thải trong quá trình sản xuất bê tông không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường.

Ngoài ra, trong quá trình sản xuất bê tông, Công ty TNHH Việt Anh đã không thu gom, xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm. Trao đổi với PV, một đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, việc kiểm tra về ô nhiễm môi trường được chia làm nhiều cấp. Thứ nhất, phát hiện vi phạm về môi trường thì cấp có thẩm quyền là cấp cơ sở, trong quá trình các đơn vị hoạt động thì theo luật họ phải kiểm soát những đối tượng xả thải, các chất thải gây ô nhiễm môi trường.

"Dựa vào cơ sở báo cáo lên, căn cứ theo thẩm quyền, huyện phải kiểm tra và đánh giá tác động môi trường để xử phạt theo quy định. Đây là quỹ đất công của xã thì huyện phải có trách nhiệm yêu cầu xã hủy hợp đồng và cưỡng chế, tháo dỡ, đình chỉ mọi hoạt động của đối tượng vi phạm", đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội nói.

Các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc xử lý vi phạm, góp phần đảm bảo an toàn đê điều mùa mưa bão.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin...

Xuân Đoàn



Tin nổi bật