Như ĐS&PL đưa tin về vụ sạt lở xảy ra tối 12/5 trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội khiến 3 cháu nhỏ tử vong thương tâm, sáng 13/5, UBND xã Ba Trại (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) đã có báo cáo gửi cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, vào lúc 22h ngày 12/5, UBND xã nhận được tin báo trên địa bàn xã xảy ra vụ sạt lở tại gia đình ông T.V.A (thôn 6, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Hộ khẩu thường trú: Thôn 5,xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).
Tiếp nhận tin báo UBND xã đã cử cán bộ xuống tiếp cận hiện trường qua nắm bắt thông tin được biết có 3 cháu nhỏ đang chơi trong nhà bị đất đá, tường nhà đổ vùi lấp.
Hiện trường vụ sạt lở khiến 3 cháu nhỏ thiệt mạng.
Đến khoảng 22h45 phút, lực lượng cứu hộ đã đưa được 2 cháu ra khỏi hiện trường. Đến khoảng 23h20 phút nạn nhân còn lại được đưa ra. Tuy nhiên các cháu đều đã tử vong. Danh tính 3 cháu nhỏ được xác định là: L.K.N (sinh năm 2021), T.T.A.D (sinh năm 2019), L.T.T (sinh năm 2021, con chủ nhà).
Thông tin về vụ việc, ông Hoàng Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, khu vui chơi nơi xảy ra vụ sạt lở khiến 3 trẻ nhỏ thiệt mạng trên địa bàn là do một người dân tự mở trong nhà, ở khu dân cư và không có giấy phép kinh doanh. "Đây là khu vui chơi trong nhà, không phải ngoài trời, do người dân tự ý mở, thu phí trẻ em vào vui chơi và bán hàng tạp hóa", ông Chuyển cho biết.
Theo pháp luật hiện hành, để mở khu vui chơi cho trẻ em, phải có giấy phép kinh doanh và đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh đối với tất cả các dịch vụ liên quan như khu vui chơi giải trí hay bất cứ dịch vụ phục vụ khách hàng nào. Đồng thời, đảm bảo cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị thực sự phù hợp với các loại dịch vụ vui chơi giải trí.
Liên quan đến vấn đề pháp lý về vụ việc thương tâm này, Luật sư Bùi Thị Điệp – Công ty Luật Khải Hoàn Tâm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đã có một số chia sẻ với ĐS&PL. Theo Luật sư Điệp để xác định được cá nhân, tổ chức nào có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không hoặc phải chịu trách nhiệm về tội gì thì phải chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng làm rõ về nguyên nhân chính dẫn đến sự việc và đánh giá mức độ an toàn của công trình khu vui chơi. Tuy nhiên, qua các thông tin ban đầu luật sư Điệp đưa ra một số đánh giá như sau:
Để xác định có thể khởi tố hình sự trong sự việc này hay không cần đánh giá trên các yếu tố cấu thành tội phạm trong một vụ án hình sự, bao gồm: Khách thể của tội phạm (là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại), mặt khách quan của tội phạm (hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm (yếu tố lỗi vô ý hay cố ý), chủ thể của tội phạm (là người thực hiện hành vi phạm tội).
Nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự việc thương tâm xảy ra là do vào tối 12/5 trên địa bàn Hà Nội nói chung và xã Ba Trại nói riêng đã xảy ra mưa lớn, lượng nước dồn về phần tường nhà, không có rãnh thoát nước, dẫn đến việc sạt lở, tường nhà đổ vào phía trong gây tử vong cho các nạn nhân.
Thời điểm xảy ra sự việc là vào khoảng 22h ngày 12/5, địa điểm xảy ra là tại khu vui chơi tự phát trong khuôn viên hộ gia đình, các nạn nhân đã tử vong là con của chủ nhà và người thân đến chơi.
Luật sư Bùi Thị Điệp.
Như vậy, Luật sư Điệp nhận định, nếu chủ khu vui chơi kinh doanh trái phép, xây dựng công trình không đảm bảo an toàn, biết sẽ có nguy cơ sập đổ mà vẫn không khắc phục, gia cố dẫn đến chết người thì có thể bị khởi tố về Tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015:
“1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.
Vô ý phạm tội theo Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015 là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
- Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
- Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Một giả thiết khác được đặt ra, trường hợp cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến sập đổ tường là do thời tiết mưa lớn tác động, gây xói mòn, được xem như sự kiện bất khả kháng, kết quả điều tra thể hiện việc tai nạn là bất ngờ, không lường trước thì không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ khu vui chơi do chưa có đủ các căn cứ cấu thành tội phạm trên.
Mặt khác, xét về góc độ dân sự, căn cứ theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 584 BLDS năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và được hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP:
“Người gây thiệt hại, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác."
Theo quy định pháp luật dân sự, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Ví dụ 1: Nhà của A được xây dựng, đang sử dụng bình thường và không có dấu hiệu hư hỏng. Một cơn lốc xoáy bất chợt, không được dự báo trước đã cuốn mái nhà của A vào người đi đường gây thiệt hại. Trường hợp này là sự kiện bất khả kháng nên A không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Ví dụ 2: Có thông tin bão, A đã tiến hành các biện pháp phòng chống bão theo hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương. Tuy nhiên, cơn bão quá mạnh đã làm tốc mái nhà của A và gây thiệt hại cho người đi đường. Trường hợp này là sự kiện bất khả kháng nên A không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”.
Cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra vụ việc.
Bên cạnh đó, Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định: "Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác."
Từ đó, trường hợp chứng minh được lỗi thì người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Trong sự việc này không có lỗi của người bị thiệt hại và cần xem xét việc đổ tường do mưa gây thiệt hại có là sự kiện bất khả kháng hay không. Nếu nguyên nhân dẫn đến tử vong của nạn nhân là do sự kiện bất khả kháng xảy ra thì chủ khu vui chơi sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu chủ khu vui chơi biết tường có khả năng bị đổ do mưa hoặc sạt lở mà không khắc phục để dẫn đến thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, nếu có yếu tố lỗi từ bên thi công công trình như sai phạm trong xây dựng gây nền móng nhà bị yếu thì có thể yêu cầu trách nhiệm liên đới từ bên nhà thầu thi công.
Xét về góc độ hành chính, trong trường hợp chủ khu vui chơi kinh doanh khu vui chơi trẻ em mà chưa đăng ký kinh doanh theo quy định và chưa có các giấy phép liên quan khác như về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm c khoản 1 Điều 62 của Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, cụ thể: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Vụ việc là bài học cho người dân trong công tác quản lý các công trình nhà ở và kinh doanh, cần đảm bảo an toàn trước biến đổi khí hậu, thời tiết hoặc thiên tai.