Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ nữ sinh ở Hưng Yên bị đánh hội đồng dã man: Nạn nhân có thể bị ám ảnh suốt đời

(DS&PL) -

Theo GS Đức, khi bị tấn công hội đồng, ngoài đau ở cơ thể, tổn thương lớn hơn là tinh thần. Ở mức độ cao, nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng chấn thương tâm thần.

Theo GS Đức, khi bị tấn công hội đồng, ngoài đau ở cơ thể, tổn thương lớn hơn là tinh thần. Ở mức độ cao, nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng chấn thương tâm thần nặng.

Nhóm nữ sinh lột quần áo, đánh dã man nạn nhân. Ảnh cắt từ clip/Zing.vn

Liên quan đến sự việc nhóm 5 nữ sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) lột đồ, đánh hội đồng bạn cùng lớp, trao đổi với Zing.vn, GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức (Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện 103) cho biết, xét về chuyên môn, có thể hiểu được việc nữ sinh bị tấn công phải nhập viện tâm thần.

“Sự việc quá đau lòng, nhất là khi nữ sinh này bị tấn công nhiều lần mà không ai can ngăn. Người lớn bị đánh như vậy cũng phải nhập viện, huống hồ một cô bé đang độ tuổi non nớt như thế”, GS Đức nói.

Theo GS Đức, khi bị tấn công hội đồng, ngoài đau ở cơ thể, tổn thương lớn hơn là tinh thần. Trước hết là sự sợ hãi, xấu hổ vì bị đánh, bị lột quần áo trước đám đông. Ở mức độ cao hơn và rất dễ xảy ra, nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng chấn thương tâm thần nặng.

GS Đức nhận định: “Chắc chắn bạn này bị rối loạn do stress, và hậu quả có thể còn kéo dài, cần có thời gian để hồi phục. Có thể, cháu còn bị tổn thương vì sợ hãi, trêu chọc”.

Người bị bạo hành dễ bị ám ảnh trong thời gian dài, thậm chí cả đời. Những di chứng tâm lý từ việc bị bạo hành làm các em mất niềm tin vào cuộc sống, tình yêu thương. Sau này, nạn nhân có thể trở thành người nóng nảy hoặc có những trở ngại về giao tiếp.

Với những trường hợp như nữ sinh bị bạn đánh, chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là sự động viên tinh thần của những người xung quanh. Điều trị bệnh lý cần tích cực bằng thuốc giải lo âu, chống trầm cảm, vitamin, nuôi dưỡng kết hợp điều trị tổn thương cơ thể.

Qua sự việc này, GS Đức cho rằng cần bảo vệ trẻ em, đồng thời cần có biện pháp xử lý đối tượng đánh người, tránh lặp lại tình trạng tương tự.

Má em H.Y vẫn còn sưng và bầm tím sau 1 tuần bị các bạn đánh. Ảnh: Thanh Niên

Chia sẻ trên báo Người Lao Động, bác sĩ Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Bệnh viện tâm thần kinh Hưng Yên, cho biết cháu Y. vào viện lúc 15h20 ngày 28/3, với chuẩn đoán ban đầu là phản ứng stress cấp, có sang chấn về mặt tâm lý tinh thần.

Theo bác sĩ Tình, một tuần sau khi bị đánh, gia đình mới cho cháu vào viện, trước đó cháu đã được gia đình cho đi khám tại bác sĩ tư ở huyện. Sau 3 ngày điều trị tại viện, qua việc thăm khám và công tác tư tưởng, đến nay cháu Y. về mặt tâm lí là tư duy tâm lí tốt, tuy nhiên vẫn còn hơi lo âu sợ hãi.

Em Y. tâm sự nếu như bây giờ em quay lại lớp học thì em không thể học được. Tha thứ cho các bạn thì em có thể tha thứ, nhưng để quay lại học với các bạn ấy thì em chưa đi học lại được vì sợ, báo Người Lao Động đưa tin.

Theo tìm hiểu, em Y. có hoàn cảnh gia đình vô cùng éo le khi ông nội và bố đều mắc bệnh tâm thần, mẹ phải thường xuyên bận rộn công việc để chăm lo gia đình. Em đi được đi học nhưng ở lớp em là người trầm mặc và kỹ năng giao tiếp không tốt.

Theo VTC News, anh Nguyễn Văn Doanh, chú ruột của Y. cho biết, sau khi biết cháu bị đánh anh đã liên hệ với nhà trường để làm rõ sự việc. Nhà trường trả lời rằng chỉ là đánh "sơ sơ". Tuy nhiên, sau khi xem được clip cháu mình bị đánh hội đồng, anh đã quyết định nộp đơn đến cơ quan chức năng để lấy lại công bằng cho cháu mình.

Liên quan đến vụ việc trên, 5 học sinh đã bị đình chỉ học tập. Hiệu trưởng cùng cô giáo chủ nhiệm cũng tạm đình chỉ giảng dạy và quản lý. Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra.

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật