Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ nổ do làm pháo ở Đắk Lắk, 4 trẻ thương vong: Sức khỏe các nạn nhân

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Một trong 4 trẻ em là nạn nhân của vụ nổ pháo tự chế tại Đắk Lắk được xác định đa chấn thương, bị bỏng mắt, phải phẫu thuật lấy dị vật khẩn.

Sáng 27/12, báo Dân Trí dẫn lời đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, nơi đây đang điều trị tích cực cho một nạn nhân trong vụ nổ pháo tự chế tại Đắk Lắk, khiến 4 trẻ em thương vong.

Theo đó, bệnh nhi đang nằm tại đây là một bé trai tên T., 12 tuổi, được chuyển từ Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đến ngày 26/12, chẩn đoán đa chấn thương do pháo nổ.

Thông tin từ gia đình, trước đó bé T. cùng 3 người bạn gần nhà tự đặt mua nguyên liệu rồi cùng chế tạo pháo theo các thông tin trên mạng. Hậu quả là vụ nổ xảy ra khiến hai em trong nhóm tử vong, một trường hợp khác đang điều trị ở cơ sở y tế tuyến dưới.

Một trong số 4 nạn nhân của vụ pháo tự chế phát nổ tại Đắk Lắk. Ảnh: Tiền Phong

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé trai được các bác sĩ tầm soát thương tổn, xác định bị tổn thương ở các vị trí như chân, ngực, mặt vì các mảnh bùi nhùi kim loại (dị vật dùng làm pháo tự chế) găm vào người sau vụ nổ. Ngoài ra, một vùng tóc trên đầu bé cũng bị cháy, mắt bị bỏng.

Ekip điều trị đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương, lấy dị vật, khâu vết thương và điều trị bỏng mắt. Hiện tại, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, tình trạng dần ổn định và đang nằm theo dõi tại khoa Bỏng - Chỉnh hình.

Theo báo Tiền Phong, thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng tiếp nhận nhiều nạn nhân do pháo nổ. Điển hình là trường hợp bé trai 15 tuổi ngụ tại Bình Thuận, khi tự chế pháo đã bị thương và mất đi 3 ngón bàn. Trường hợp khác là bé trai 14 tuổi ở Bình Phước khi bỏ lưu huỳnh dùng để chế pháo vào máy xay sinh tố khiến máy bị cháy, phát hỏa gây bỏng nặng.

BS Nguyễn Hiền, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo, các gia đình cần đặc biệt quan tâm để ngăn chặn kịp thời những hành động nguy hiểm ở trẻ do thiếu hiểu biết về pháo nổ. Nhà trường cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền giúp trẻ nhận thức được hành vi tự chế pháo là vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

Công an khám nghiệm hiện trường vụ việc. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM cho hay, ngày 26/12, VKSND huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã thông tin ban đầu về vụ nổ khiến bốn cháu nhỏ thương vong.

Theo thông tin ban đầu, xuất phát từ việc cháu B.G.T. (11 tuổi, ngụ thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) mua thuốc làm pháo.

Cụ thể, cháu này mua bột màu trắng và màu vàng (lưu huỳnh-PV) qua dịch vụ mua bán online trên mạng xã hội để làm pháo nổ.

Chiều 25/12, cháu B.G.T. cùng năm cháu nhỏ khác gồm: N.Đ.B. (12 tuổi), N.Đ.B.A. (9 tuổi), V.V.T. (12 tuổi), P.Đ.B.S. (11 tuổi, cùng trú tại thôn Quỳnh Tân 3) và cháu N.M.T. (SN 12 tuổi, trú tại thôn Quỳnh Tân 2, thị trấn Buôn Trấp) rủ nhau đến nhà bà V.T.H.H. (ngụ cùng địa chỉ) để làm pháo.

Khi đi, cháu B.G.T. mang theo cái hộp nhựa, đựng chất bột màu trắng và màu vàng (lưu huỳnh-PV), cháu N.Đ.B. mang theo một cái rây (dụng cụ lọc bột) và một cái bật lửa.

Đến nơi, do nhà bà H. không khóa cửa cổng, chỉ khóa cửa nhà nên các cháu nhỏ nói trên vào trong sân nhà bà H để làm pháo nổ.

Trong lúc các cháu nhỏ đang trộn thuốc để làm pháo thì có một ít thuốc đổ ra ngoài. Lúc này, cháu V.V.T. đi ra ngoài. Thấy thuốc nổ đổ ra ngoài thì có một cháu dùng bật lửa đốt cháy phần thuốc bị đổ ra ngoài, làm bốc cháy lan đến khu vực trộn thuốc nổ, gây ra tiếng nổ lớn.

Hậu quả của vụ nổ khiến cháu B.G.T. tử vong trên đường đi cấp cứu.

Nhiều mảnh vỡ tại hiện trường vụ nổ. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Khám nghiệm tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ được 141 cuộn giấy có dạng hình trụ, rỗng. Những vật liệu này đã được làm bằng giấy cuốn tròn thành nhiều lớp, có một đầu được dán kín bằng giấy, có nhiều kích thước khác nhau. Cơ quan điều tra còn thu giữ thêm vỏ hộp diêm, ống kim loại, pin tiểu…

Trong khi đó, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên chiều 25/12, bệnh viện tiếp nhận cháu N.Đ.B. trong tình trạng bị đa chấn thương phức tạp ở vùng mặt, bỏng mắt, dập phổi… và đã tử vong. Đến 20h cùng ngày, gia đình đã xin đưa cháu về nhà để lo hậu sự.

Ngoài cháu B., vào chiều 25/12 phía bệnh viện còn tiếp nhận hai cháu nhỏ khác liên quan đến vụ nổ gồm: N.M.T. (12 tuổi) và N.Đ.B.A. (9 tuổi, cùng ngụ thị trấn Buôn Trấp).

Trong đó, cháu T. bị đa chấn thương, các vết thương nham nhở ở vùng hàm mặt, vai, ngực, cẳng chân, bỏng mắt. Cháu T. đã được chuyển TP.HCM để cấp cứu.

Còn cháu A. hiện đã tỉnh táo, có thể nói chuyện và đang được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chăm sóc đặc biệt vì bỏng, bị thương nhiều vùng trên cơ thể.

Theo bà L.T.L. (bà nội cháu A.), bố mẹ cháu đều đi làm ăn xa. Thường ngày, cháu A., sống cùng ông bà nội và ngoại.

Thủy Tiên (T/h)

Tin nổi bật