Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ MH17 và nhiều máy bay rơi: “Số 7 ma quỷ” hay tâm mình “ma quỷ?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Khi “giải mã” bí ẩn con số 7 liên quan đến máy bay rơi, nhà nghiên cứu nọ lại “tát nước theo mưa”, cổ súy tà thuyết tận thế đã được chứng minh là chiêu trò “tâm linh” hoang tưởng”.

(ĐSPL) - Một điều vô lý là khi “giải mã” bí ẩn con số 7, nhà nghiên cứu nọ lại “tát nước theo mưa”, nghĩa là nhân đó cổ súy tà thuyết tận thế mà bao lâu nay khoa học gia đã chứng minh đó là chiêu trò “tâm linh” hoang tưởng của những kẻ “tâm thần”.

LTS: Tòa soạn báo Đời sống và Pháp luật vừa nhận được bài viết của độc giả Nguyên Thành, bác bỏ lập luận trong bài viết “Lý giải khủng khiếp về "số 7 ma quỷ" đăng trên một tờ báo gần đây, sau hàng loạt máy bay gặp nạn. Để rộng đường dư luận, báo Đời sống và Pháp luật xin đăng tải nguyên văn ý kiến (thể hiện quan điểm riêng) của độc giả này.

Hiện trường vụ máy bay MH17 gặp nạn khiến 298 người chết.

Bói ra ma, quét nhà ra rác

Khi hỏi về sự trùng hợp con số 7 mà nhiều người cho rằng con số “ma quỷ”, nhà nghiên cứu nọ lý giải rằng: “Số 7 là số nguyên tố, đó là biểu tượng của Chúa. Thượng đế tạo ra thế giới trong 7 ngày, đến ngày thứ 7 ngài nghỉ ngơi vì vậy được gọi là ngày của thượng đế. Đó là nguyên nhân vì sao một tuần có 7 ngày. Ngoài ra trong học thuyết phương Đông nói rằng khi Đức Phật sinh ra Người đứng dậy và bước đi 7 bước. Trong Kinh thánh có chương cảnh báo loài người nếu đi theo con đường tranh giành, chiến tranh thì thượng đế sẽ trừng phạt và được báo bằng 7 điềm (ấn) của Chiên con, mỗi ấn mở ra là sự cảnh báo cho con người. Và đến ấn thứ 7 là ngày chết chóc. Như vậy tất cả các tôn giáo đều coi con số 7 là con số thiêng liêng” (trích nguyên văn).

Lý giải những điều khó hiểu, thần bí này, nhà nghiên cứu nói rằng bộ môn Cận tâm lý có nghiên cứu về điềm báo và tượng số học, đồng thời đưa ra vài con số để lý giải hiện tượng thảm họa hàng không, chẳng hạn như những máy bay nào có số 7 đều là “phạm thượng” nên sẽ bị tai nạn. Theo đó, nhiều người lập luận rằng những sự kiện này có mối liên quan, trùng hợp đến kỳ lạ, đáng sợ như: Máy bay số hiệu MH17 thuộc loại Boeing 777 bị bắn rơi ngày 17/7 năm 2014 vào 17 giờ 17 phút (giờ Ukcraine); chiếc máy bay AH5017 của hãng máy bay Air Algerie (hãng này được thành lập năm 1947),…đã xảy ra sự cố (!).

Bằng cách tính của mình về con số 17, nhà nghiên cứu nọ cho rằng đó là một “mã số ẩn của con số 7. Cụ thể, trong dãy số nguyên tố 2, 3, 5, 7, 11, 13, 17 thì 17 chính là tổng của 4 con số đầu tiên (2+3+5+7=17) và đó là lời cảnh báo sắp đến ngày phán xử cuối cùng”.

Thực tế có phải như sự lý giải đó không? Không! Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vì sao? Bởi sự lý giải của nhà nghiên cứu quá sức chủ quan bộc lộ sự võ đoán trong nhận xét vấn đề. Thực ra, những gì liên quan về số 7 đều do tự tín đồ Thiên chúa giáo suy niệm.

Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích bí ẩn.

Chẳng hạn, như họ cho rằng số 7 được sử dụng như một con số lý tưởng biểu thị sự hoàn thiện hay hoàn hảo về cả linh hồn lẫn thể xác. Chúa được khắc họa với 7 tia sáng ở giữa 6 tia sáng tạo. Đức chúa trời đã mất 7 ngày để sáng tạo nên vũ trụ. Eva cũng được tạo ra từ xương sườn thứ 7 của Adam trong khi đó Adam được “tạo ra” vào ngày 7/10 (ngày đầu tiên của Tishri - tháng 7 theo lịch Do Thái). Ý nghĩa đặc biệt của số 7 được tìm thấy thông qua sự xuất hiện dày đặc trong Kinh Thánh. Kinh Thánh ban đầu được chia thành 7 phần chính và tổng số lượng sách ban đầu là 49 - bội số của 7. Nó thể hiện sự hoàn hảo tuyệt đối cho những lời của Chúa. Số 7 được sử dụng 55 lần riêng trong sách Khải Huyền và cũng là con số của sự thay đổi sau một chu kì hay sự đổi mới tích cực. Những yếu tố của Kinh Thánh gắn liền với số 7 có thể kể ra như: bảy người trong Hội Thánh đầu tiên, bảy kèn, bảy đôi mắt, bảy đại tội, bảy bí tích, bảy lần Naaman tắm ở sông Jordan, 7 ngày sáng tạo của Chúa...

Máy bay chiến đấu Mig29 của Nga rơi ngày 27/7 làm 1 phi công thiệt mạng.

Trong kinh thánh không có một câu từ nào được nói ra từ Chúa trời rằng những thiết bị, phương tiện dân dụng hoặc quân sự được gắn con số này sẽ bị “phạm thượng”. Đây là suy diễn của cá nhân nhà nghiên cứu. Nếu cho rằng đây là những con số “linh thiêng” của Chúa trời thì tại sao con người bị gieo họa? Chẳng lẽ Chúa trời ác độc và kiêu ngạo thế sao? Còn “7 điềm” ấn của Chúa dự báo là cách đếm số ngẫu nhiên, chớ Chúa Giê su không khẳng định rõ như vậy.

Nhà nghiên cứu cho đây là bộ môn “Số tượng học”, một loại khoa học nào đó chưa được giới khoa học thậm chí biết đến, đừng nói gì đến công nhận! Có lẽ đây là một “mỹ từ” mà nhà nghiên cứu đặt ra như kiểu “điềm báo học”. Khi nhà nghiên cứu võ đoán như vậy, tự ông giới thiệu về thực chất trong  luận giải của mình là “bói ra ma quét nhà ra rác”.

Từ những võ đoán không giống ai, nhà nghiên cứu phán rằng loài người phạm thượng nên phải trút lấy hậu quả. Ông nói thì hay lắm, nhưng tại sao sau khi xảy ra rồi, ông mới đăng đàn “bình luận”, sao ông không đưa lên mạng, báo đài những “dự đoán” thần kỳ của mình để giúp cho thiên hạ? Nếu “bình luận”, “phân tích” sau kết quả còn gì là tính khả thi của khoa học? Kiểu nói như vậy chẳng khác gì thầy bói, chẳng qua là lập luận một cách “tương tự” khoa học để lòe người ta, đề cao bản ngã của mình. Điều này chẳng khác gì cổ súy cho mê tín dị đoan!

Thực tế hoàn toàn trái ngược

Thêm một điều vô lý nữa là khi “giải mã” bí ẩn con số 7, nhà nghiên cứu lại “tát nước theo mưa”, nghĩa là nhân đó cổ súy tà thuyết tận thế mà bao lâu nay khoa học gia đã chứng minh đó là chiêu trò “tâm linh” hoang tưởng của những kẻ “tâm thần”, hoặc những kẻ muốn “nổi danh” bằng sự cuồng ngôn loạn ngữ của mình.

Hiện trường vụ máy bay Đài Loan rơi làm 51 người chết.

Những dự đoán ấy đã từng bị “tổ trác” nhiều lần, cụ thể nhất là lời cảnh báo tận thế vào ngày 21/12/2012 từ kinh Maya, nếu là chính xác thì sao bây giờ tôi vẫn ngồi viết đối luận với nhà nghiên cứu?. Thử hỏi ông, dự báo như thế này làm sao đúng với tư cách nhà khoa học. Thế mà ông xưng danh: “Với tư cách là một nhà khoa học, tôi cho rằng đây là dấu hiệu cảnh báo cuối cùng của Chúa. Đó là thông điệp của Chúa trời nhắn đến nhân loại rằng nếu con người không tu tỉnh thì sẽ chịu sự phán xét ngày tận thế”(trích nguyên văn). 

Thật buồn cười vì ngay cả đức Giáo hoàng hiện nay, đại diện cho Công giáo, người được cho là gần gũi và tương thông với đức Chúa trời vẫn không phát ngôn như vậy, trong khi đó nhà nghiên cứu khăng khăng khẳng định!? Ông tự xưng là nhà khoa học, vậy ông chuyên ngành gì nhỉ? Không nghe, không biết về lĩnh vực chuyên sâu nào mà ông nghiên cứu. Nếu không có trình độ tâm linh thì làm sao có thể luận bàn những góc cạnh tâm linh?

Phản bác lập luận của nhà nghiên cứu trên, tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA dẫn chứng trường hợp trái ngược suy luận của nhà nghiên cứu nọ, ông Khanh nói: “Ví dụ, xưa có hãng bút bi 777, biển số xe hơi sang vẫn yêu thích con số 7777, cầu thủ nổi tiếng Ronaldo cũng mang áo số 7… Theo tôi, chúng ta không thể căn cứ vào số hiệu máy bay có liên quan đến con số 7 mà quy rằng con số 7 không tốt. Không nên đổ tội cho con số 7 là mang lại điềm dữ, không may mắn ở đây”.

Hiện trường vụ máy bay Algieri rơi làm 116 người chết.

Mặt khác, theo tôi, nếu đưa những tin tức máy bay bị nạn trong một tuần liên tiếp mấy vụ mà dự báo cả tương lai toàn cục quả thật là “người mù sờ voi”, quan kiến phiếm diện. Trên thực tế của ngành hàng không thế giới, năm 2014 là năm độ an toàn của hàng không được nâng cao nhất. Tiến sĩ Lương Hoài Nam đưa ra số liệu cụ thể về nước Mỹ để chứng minh:

“Tỷ lệ số người bị chết vì tai nạn tính trên 100.000.000 khách mỗi dặm của các loại phương tiện giao thông Mỹ như sau: hàng không thường lệ: 0,003; xe buýt đô thị và đường dài: 0,05; đường sắt: 0,06; ôtô (trừ xe buýt): 0,61. Ở Mỹ, đi máy bay có tỷ lệ tai nạn còn thấp hơn so với đi bộ trên đường phố. Năm 2011, tổng số hành khách chết vì tai nạn hàng không thườnng lệ trên toàn thế giới là 373 người trên 2.840.000.000 lượt hành khách, với tỷ lệ 1/7.600.000. Cứ 7,6 triệu người đi máy bay thì một người chết vì tai nạn. Năm 2014, tỷ lệ này chắc cao hơn, nhưng vẫn còn rất thấp so với các phương tiện giao thông khác.

Một phân tích thống kê cho thấy một tai nạn hàng không là 1/45.000.000. Nếu ngày nào cũng bay, một người có thể bay an toàn trong suốt 123.000 năm mà không gặp tai nạn”.

Từ điểm tham chiếu này suy ra những dự báo của nhà nghiên cứu nọ mang tính áp đặt chủ quan, suy diễn thiếu lô gic trên bình diện toàn cục. Dựa vào một bộ phận để khẳng định toàn thể, cố tình đưa dự báo của mình liên quan đến tà thuyết tận thế, và đặc biệt là đề cập đến Chúa trời “trừng phạt”, e rằng đây là một cách nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang cho công chúng.

Một nhà khoa học nên “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” (Khổng Tử), chứ sao lại đi sau sự cố mà phán đoán chủ quan? Từ đây tôi kết luận rằng không có con số ma quỷ, chỉ có tâm mình ma quỷ.

Theo quan kiến đạo Phật, vạn pháp duy tâm cho nên suy ra rằng không có con số 7 ma quỷ mà chỉ có tâm ma quỷ mới suy nghĩ lệch lạc mà thôi! Tôi mong rằng ai đó muốn rao giảng thánh kinh, ngợi ca Chúa trời, đừng nên lấy ngày tận thế ra hù dọa người khác mà làm trò cười cho thiên hạ.

Tin nổi bật