Trước những ý kiến cho rằng việc nhà trường kỷ luật em Q. quá nặng, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền (TP.HCM) cho biết việc kỷ luật là để bảo vệ em.
Nam sinh Q. phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường. Ảnh cắt từ clip. |
Liên quan đến vụ việc em N.H.N.Q học sinh trường THCS Ngô Quyền (Tân Bình, TP.HCM) bị kỷ luật, chia sẻ với tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Hiệu trường nhà trường cho biết: "Việc kỷ luật em N.H.M.Q. không phải vì nhóm nhạc BTS nổi tiếng mà kỷ luật em để răn đe, giáo dục và bảo vệ em.
Nhà trường yêu cầu Q. đọc bản kiểm điểm trước toàn trường, sau đó tôi thông báo hình thức kỷ luật em nhằm mục đích răn đe những học sinh khác trong trường. Riêng về việc hạ bậc hạnh kiểm, nếu từ bây giờ Q. chịu khó phấn đấu, sửa sai thì cuối học kỳ 1 chúng tôi sẽ xem xét lại".
Cũng theo ông Thụ, những người tự xưng là fan của BTS đã đắn tin đe dọa cả phụ huynh của em Q. Không những thế, họ còn gây sức ép với người quản lý trang fanpage trường THCS Ngô Quyền, yêu cầu Q. phải xin lỗi.
Trước thông tin em Q. phải đọc bản kiểm điểm và bị quay lại và đưa lên mạng, chia sẻ với Zing.vn, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) cho rằng cần xử lý học sinh dùng ngôn từ, hình ảnh thóa mạ người khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên bắt học sinh đọc bản kiểm điểm công khai là hơi quá và chưa có tính giáo dục cao.
Bên cạnh đó, nam sinh này bị quay clip, đăng lên Facebook, cũng là bị bêu xấu trước cộng đồng mạng. Cách xử lý của trường đã biến Q. thành học sinh cá biệt trong mắt bạn bè.
Việc để lộ danh tính, gương mặt em cũng có thể dẫn tới nguy hiểm nếu người quá khích xem video.
Thầy Phú cũng cho rằng trong trường hợp em có hành vi ứng xử không đúng trên mạng, trường cần mời gia đình, học sinh lên nói chuyện, phân tích đúng sai để em hiểu, tự gỡ bài đăng. Việc vi phạm xảy ra trên mạng xã hội thì em đăng lời xin lỗi lên mạng, thay vì đứng đọc trước toàn thể học sinh.
Trong khi đó, cô Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tenlơman (TP.HCM), cũng không đồng tình với việc xử lý nam sinh trước toàn trường.
Theo đó, cô Thơm cho rằng nhà trường bắt học sinh xin lỗi công khai có hai mặt. Học sinh có thể sợ, không dám tái phạm. Nhưng phương pháp này cũng tác động xấu đến tâm lý. Cá nhân cô Thơm ưu tiên hình thức xử lý nhân văn hơn, đó là mời học sinh lên nói chuyện để em thay đổi.
Trước đó, ngày 5/11, trường THCS Ngô Quyền (Tân Bình, TP.HCM) quyết định hình thức kỷ luật với nam sinh N.H.M.Q. Theo đó, em bị đình chỉ học 4 ngày, xếp hạnh kiểm từ trung bình đến yếu cho học kỳ 1, phải lao động công ích và đọc kiểm điểm trước trường.
Nguyên nhân em Q. bị kỷ luật là do em này lập trang anti, đăng hình ảnh, bài viết có nội dung thô tục, xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS.
Việc Q. đọc kiểm điểm được quay clip, đăng lên fanpage của trường. Thông tin kỷ luật em được nhiều diễn đàn đăng lại gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng trường xử nghiêm để răn đe. Trong khi đó, số khác nhận xét hình thức xử lý này chưa hợp lý.
Thanh Tùng (T/h)