Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ gian lận điểm thi THPT ở Hà Giang: Nhóm thầy giáo đầu tiên phát hiện sự việc lên tiếng

(DS&PL) -

Nhóm giáo viên tại Hà Nội đã nhìn thấy sự bất thường trong điểm thi tại Hà Giang dựa trên những thống kê bảng điểm và các thông tin từ các em học sinh tại địa phương.

Nhóm giáo viên tại Hà Nội đã nhìn thấy sự bất thường trong điểm thi tại Hà Giang dựa trên những thống kê bảng điểm và các thông tin từ các em học sinh tại địa phương.

Được cho là những người đầu tiên đưa ra nghi vấn điểm thi cao bất thường của Hà Giang, thầy Vũ Khắc Ngọc, Đỗ Ngọc Hà và thầy Nguyễn Thanh Tùng- hiện đang công tác tại một trung tâm giáo dục online ở Hà Nội, đã dựa trên những thống kê bảng điểm và các thông tin có cơ sở từ những em học sinh tại địa phương, trong đó có cả Hà Giang để điều tra sự việc. Từ đó, nhóm giáo viên này nêu ra vấn đề trên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của dư luận.

[presscloud]3395[/presscloud]
Nguồn video: An Ninh Thủ Đô

Chia sẻ với báo An Ninh Thủ Đô về quá trình phát hiện sự bất thường trong điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang, thầy Vũ Khắc Ngọc cho biết, khi thấy báo chí đăng tải danh sách 11 em được điểm cao nhất cả nước, thầy Ngọc đã vui mừng chia sẻ thông tin này lên trang Facebook cá nhân. Tuy nhiên, lập tức thầy Ngọc đã nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực từ phía các em học sinh là bạn học của các thí sinh nằm trong danh sách thủ khoa (bao gồm cả học sinh tại Hà Giang) khiến cho thầy giáo trẻ cảm thấy băn khoăn và không thể không chú ý đến vấn đề này.

"Với giáo viên dạy online thường có mấy chục nghìn học sinh, như mình có đến 40.000 em. Khi mình viết trên Facebook hỏi về những học sinh đạt điểm cao nhất của kỳ thi năm nay, nhiều học sinh ở Hà Giang bày tỏ thái độ mỉa mai đối với các bạn ở tỉnh này nên thấy lạ.

3 thầy giáo tố giác vụ gian lận điểm ở Hà Giang. Từ trái qua: thầy Hà, thầy Tùng, thầy Ngọc. Ảnh: Dân Việt

Xem Facebook của học sinh điểm cao ở Hà Giang thấy bất thường lắm. Bạn thủ khoa ở Phú Thọ khi chia sẻ kết quả thì gia đình, thầy cô, bạn bè vào chúc mừng rất hồ hởi, phấn khởi, thể hiện sự công nhận kết quả đấy. Trong khi đó, những bạn đạt điểm cao nhất ở Hà Giang thì im lặng hết, nếu ai vào chúc mừng thì nhận được những biểu tượng phẫn nộ.

Sau đó, học sinh trường THPT chuyên Hà Giang gửi tin nhắn cho mình với thầy Hà, thầy Tùng chia sẻ về chuyện điểm thi đó là bất thường, phi lý, bất công. Bằng trực giác của người thầy, mình cảm nhận chia sẻ đó là đúng nhưng vấn đề là nó có xác thực hay không vì thi trắc nghiệm sẽ có yếu tố may mắn mà, với lại phải có bằng chứng nữa", thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ với báo An ninh thủ đô.

Bên cạnh đó, theo thầy Vũ Khắc Ngọc, từ khi biết điểm thi và vụ việc gian lận điểm tại Hà Giang đã có rất nhiều học sinh nhắn tin tâm sự với thầy: “Các bạn ấy cảm thấy bức xúc, nhiều học sinh học rất giỏi nói rằng bị sốc, tuyệt vọng vì điểm thi không như ý. Có bạn đóng cửa tự kỷ, khóc suốt 2 ngày liền".

Cũng liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV Dân Việt về kế hoạch đưa vụ việc tới dư luận, do mọi kết quả ở thời điểm đó chỉ là nghi vấn nên thầy Ngọc đã thống nhất với mọi người là không quy chụp, không kết luận mà chỉ dừng lại ở việc nêu ra sự bất thường.

"Đầu tiên, thầy Đỗ Ngọc Hà chia sẻ một vài tin nhắn của học sinh ẩn danh lên mạng xã hội. Nhưng lúc đầu nhận được những phản hồi tiêu cực nên cả nhóm suy nghĩ cần phải điều chỉnh lại ngay, tính toán đường đi nước bước. Tránh việc có thể học sinh, phụ huynh sẽ e ngại, không chia sẻ tiếp với nhóm.

Nhóm bàn bạc về chủ trương và phương thức chia sẻ thông tin theo lộ trình như nào để đảm bảo thông tin không bị chìm xuống. Quan điểm chung là không khẳng định có tiêu cực mà chỉ ra những bất thường về mặt thống kê, phân tích dữ liệu thôi. Nếu không rất dễ rơi vào trạng thái vu khống, bôi nhọ.

Thông tin từng môn, từng khối với những điểm số biết nói được chia sẻ lần lượt. Dữ liệu nào phải đưa ra trước, thông tin nào phải để dành để giữ “lửa” cho sự kiện, cho đến khi báo chí vào cuộc. Khi báo chí lên tiếng, nhóm mình lại dẫn lại những phân tích của bài báo kèm theo đường link bài viết cụ thể để rộng đường dư luận", thầy Ngọc kể lại.

Thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ về quá trình phát hiện ra sự bất thường trong điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang. Ảnh: ANTĐ.

Trước đó, VOV có dẫn lại lời thầy Ngọc từng chia sẻ trên báo chí, thầy Vũ Khắc Ngọc đã chỉ ra trường hợp của thí sinh T.T ở THPT chuyên Hà Giang, em có cả 3 môn trong bài thi tổ hợp KHTN cùng trên 9,5 là điều phi lý.

“Sự phi lý nằm ở những trường hợp như T.T bởi với đề như năm nay, để đạt trên 9 điểm của mỗi môn là rất khó, rất xuất sắc. Chẳng hạn năm nay, Hà Nội có 78.000 thí sinh nhưng cả thành phố này chỉ có 27 thí sinh trên 9 điểm Toán. Trong khi đó, T.T đạt tới 4 môn trên 9,5 điểm là quá phi thường”, thầy Ngọc nói.

Đặc biệt, với 3 môn KHTN diễn ra liên tiếp, chỉ cách nhau 10phút/môn, đề thi lại cực khó. Chưa kể, việc cả 3 môn KHTN cùng điểm cao vốn là điều không cần thiết. Thông thường, ít thí sinh nào phải làm thế vì chỉ cần 2 trong 3 môn đó là đủ để tạo thành khối thi. Do vậy, dư luận đang đặt ra vấn đề có khuất tất gì ở đây không?

Độ chênh lệch về điểm thi tại Hà Giang thể hiện sự bất thường rõ nét. Ảnh: VTV.

Phân tích thêm về điều này, thầy Ngọc cho hay, với kinh nghiệm học và dạy học nhiều năm, thầy có thể khẳng định điểm thi thử thường thấp hơn điểm thi thật nếu trường tổ chức thi thử quá sớm, cách quá xa kỳ thi thật, đề thi thử của trường quá khó so với đề thi thật.

Đối chiếu với trường hợp của Hà Giang, cả 2 điều này đều không xảy ra bởi theo lịch thi thử của đơn vị này, lần 1 diễn ra vào tháng 2, thi thử lần 2 vào tháng 4 và theo dữ liệu có được, đề thi của THPT Chuyên Hà Giang không khó hơn đề thi thật của Bộ GD-ĐT.

Thứ hai, mặc dù điểm thi thử có thể thấp hơn điểm thi thật nhưng tương quan xếp hạng giữa các học sinh với nhau thì không khác biệt nhiều, nghĩa là có thể điểm thi thử của cả trường có thể cùng thấp hơn điểm thi thật nhưng nếu khi thi thử bạn A cao hơn bạn B đáng kể thì đi thi thật cũng thế.

"Những học sinh giỏi thực sự luôn có ý thức nội tại để đảm bảo kết quả của mình và so sánh xếp hạng với các bạn khác luôn ở mức tốt nhất có thể và rất ổn định. Những bạn mà điểm thi thử đã nằm trong Top đầu của trường thì khi thi thật cũng sẽ thường như vậy", thầy Ngọc chia sẻ.

Trước đó, trong buổi họp báo chiều 17/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã công bố chính thức kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường trong công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang.

Cụ thể, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Theo ông Mai Văn Trinh, hành vi nâng điểm thi cho thí sinh trong khi chấm thi đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi. Bộ GD-ĐT kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm, theo quy định của pháp luật để đảm bảo kỷ cương, nghiêm túc của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và cả cho những năm tiếp theo.

Qua xác minh ban đầu cho thấy, ông Vũ Trọng Lương - Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ củng cố hồ sơ để xử lý các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Được biết, ông Vũ Trọng Lương được Sở GD-ĐT Hà Giang phân công sử dụng máy tính. "Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án, có nhiều tin nhắn đến số điện thoại của ông Lương. Cán bộ này đã nhập số báo danh vào máy sau đó thực hiện hành vi sửa điểm. Quy trình bảo mật liên quan giám sát chưa chặt chẽ nên đã để ông Lương xử lý toàn bộ quá trình"- Đại điện PA83, công an tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi họp báo.

Tại cuộc họp ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang cũng đã nhận trách nhiệm của mình về sự việc này.

Kết quả điểm thi tại Hà Giang sau khi đã thẩm định:

- Có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

- Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm);

- Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm);

- Có 08 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

- Có 09 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm);

- Có 03 bài thi Địa lí đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

- Có 52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Qua chấm thẩm định cũng cho thấy một số bài thi có điểm tăng hơn so với điểm đã công bố từ 0,2 đến 1,0 điểm. Cá biệt có 3 bài thi môn GDCD có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với điểm đã công bố.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật