Ngoài con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, con cái của một số quan chức tỉnh khác cũng nằm trong số 114 thí sinh được nâng điểm.
Ngày 19/7, trao đổi với Báo Người lao động, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang, cho biết ngoài con gái thì trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, ông cũng có 2 người cháu ruột khác cùng dự thi trong đợt này.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh khẳng định "không biết, không chỉ đạo" việc con gái được nâng điểm. Ảnh: VnExpress |
Tuy nhiên, liên quan đến việc gian lận điểm thi, ông Vinh khẳng định không biết gì về việc con mình được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua.
“Việc có tên con gái tôi trong danh sách bài thi bị thay đổi điểm với việc đang chỉ đạo quyết liệt giải quyết vụ việc không ảnh hưởng gì đến nhau. Lãnh đạo tỉnh quyết tâm chỉ đạo giải quyết vụ việc theo nguyên tắc ai sai người đó chịu. Về trường hợp con tôi, tôi nói đúng tâm mình là cháu nó học giỏi, tội gì tôi phải đi xin điểm, còn việc bài bị sửa thì tôi không biết”, ông Vinh trao đổi với Báo Tuổi trẻ.
Vị Bí thư này lý giải trong 3 năm học phổ thông, con gái ông học trường chuyên, liên tục làm lớp trưởng, lực học luôn đứng trong top học giỏi của lớp nên “không có chuyện phải đi xin điểm”. “Về mặt logic, con gái tôi học giỏi liên tục 3 năm, học giỏi từ cấp II thì việc gì phải đi xin thêm. Trong tâm của tôi thì không bao giờ phải đi xin xỏ những việc ấy, không có việc như thế”.
Theo lời ông Vinh, con gái ông đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH ở Hà Nội. Tổng điểm 3 môn để xét tuyển trước khi thẩm định là 26 điểm, sau khi thẩm định bị giảm xuống còn hơn 24 điểm. “Số điểm sau chấm lại này vẫn đủ để đỗ vào ĐH. Từ trước đến giờ tôi không đi xin xỏ cái gì cả, trong việc này cũng thế”, ông Vinh nói.
Điểm thi của các thí sinh tại Hà Giang sau khi được kiểm định. Ảnh: Lao Động |
Tuy nhiên, Báo Việt nam net và Báo Người lao động cùng dẫn lời nguồn tin cho biết con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh là một trong số những thí sinh có điểm cao của Hà Giang nhưng đã bị hạ nhiều điểm hơn so với tuyên bố của ông Vinh. Cụ thể, điểm thi của thí sinh được công bố lần thứ nhất lần lượt là toán 9,4 điểm; văn 7,5 điểm; tiếng Anh là 10 điểm. Tổng điểm xét tuyển theo khối D1 là 26,9.
Sau khi chấm thẩm định, điểm thi của thí sinh này chỉ còn: toán 6 điểm; văn 7,5 điểm; và tiếng Anh 8 điểm. Tổng điểm xét tuyển theo khối D1 chỉ còn lại 21,5, giảm 5,4 điểm.
Một thí sinh khác là con của phó giám đốc một sở có điểm thi công bố môn toán là 9,4 nhưng sau chấm thẩm định chỉ còn 5,6, môn hóa công bố 9,25, chấm thẩm định còn 4,0, môn lý công bố 9,75 nhưng sau chấm thẩm định còn 5,0. Tổng điểm công bố lần đầu là 28,4, chấm lại còn 15,6 điểm; giảm 12,8 điểm.
Con của một lãnh đạo khác có điểm môn toán công bố 9,4, chấm thẩm định giảm xuống còn 6 điểm, môn ngoại ngữ công bố 10 điểm, chấm thẩm định còn 8,0 điểm.
Cũng theo Báo Người lao động, thí sinh T.T, là cháu ruột của vợ ông Vũ Trọng Lượng cũng lọt vào danh sách 10 thí sinh có điểm cao nhất cả nước với 28,6 điểm, sau khi chấm thẩm định chỉ còn 18,45 điểm. Cụ thể, toán 9,6; vật lý và hóa học đều 9,5; sinh học 9,75. Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định, T.T. bị giảm điểm toán xuống còn 6,2; vật lý 4,75 và hóa học 6,75. Điều này làm dấy lên nghi ngờ ông Lương nâng điểm cho cả cháu mình.
Trước đó, theo tìm thiểu của Báo Tiền Phong, con của nhiều lãnh đạo, cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang và con một số giáo viên, hiệu trưởng trong tỉnh cũng nằm trong số 114 em được nâng điểm bất thường.
Nguyễn Phượng (T/h)