Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước thông tin một người bị lừa mất hàng tỷ đồng khi đặt phòng khách sạn ở một cơ sở lưu trú tại Ninh Bình.
Chia sẻ trên báo VTC News, chị V.T.T (Hải Phòng) xác nhận mình là nạn nhân của vụ lừa đảo và kể lại thủ đoạn tinh vi của kẻ gian, khiến chị mất số tiền lớn chỉ trong vài giờ.
Khoản tiền cuối cùng 485,6 triệu đồng mà chị P.T.T. chuyển vào tài khoản mạo danh khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình. Ảnh: Người Lao Động
Theo chị T., ngày 24/1, chị tìm hiểu và liên hệ với fanpage của một cơ sở lưu trú sang trọng tại Ninh Bình sở hữu trang fanpage có tích xanh để đặt phòng nghỉ dưỡng. Nhận được sự tư vấn nhiệt tình, chị hoàn toàn tin tưởng. "Do đã có vài lần mình đặt phòng để đi du lịch qua hình thức này và đều thuận lợi nên mình không nghĩ ngợi gì khi liên hệ đặt phòng", chị T. cho biết.
Bẵng đi vài ngày, chị T. nhận được cuộc gọi từ ứng dụng Messenger (ứng dụng nhắn tin của Facebook) của fanpage này thông báo sắp hết phòng và giục chị phải đặt tiền cọc giữ phòng nếu không sẽ không có phòng để thuê.
"Do tin tưởng vào những lần trước đó và những ngày cận Tết nhiều việc nên tôi đã hỏi phương thức chuyển tiền. Sau đó, tôi đã chuyển cọc số tiền 6,5 triệu đồng để giữ chỗ thuê 2 phòng khách sạn", chị T. kể.
Lúc này, nhóm lừa đảo bắt đầu thực hiện chiêu trò bằng cách thông báo rằng giao dịch của chị T. không được công nhận do sai nội dung chuyển khoản. Chúng yêu cầu chị sao chép mã do phía "khu nghỉ dưỡng" cung cấp và nhập vào nội dung chuyển khoản để phòng kế toán xác nhận.
Những kẻ lừa đảo khẳng định rằng, chỉ cần làm đúng theo hướng dẫn, phòng kế toán sẽ hoàn trả số tiền đặt cọc ban đầu do lỗi chuyển nhầm. Tiếp đó, chúng tiếp tục yêu cầu chị T. kích hoạt ví điện tử VNPay để có thể nhận lại số tiền này.
"Họ không nói gì đến việc chuyển tiền, chỉ hướng dẫn mình cập nhật tài khoản VNpay khiến mình rất chủ quan, không nghĩ đến việc bị lừa. Để tạo thêm niềm tin, những đối tượng đó còn gọi điện video để hướng dẫn mình thực hiện các thao tác. Họ cũng cài thêm các tạp âm như tiếng gõ bàn phím máy tính, tiếng nhân viên tư vấn cho khách khác để chứng minh rằng có rất nhiều người bị như mình. Vì thế họ khiến mình cảm thấy an toàn và chủ quan nghe theo lời họ", chị T. nhớ lại.
Video hướng dẫn do nhóm lừa đảo cung cấp có chất lượng mờ, nội dung khó hiểu. Dù xem đi xem lại nhiều lần, chị T. vẫn không biết cách thao tác chính xác. Lợi dụng sự bối rối này, các đối tượng tiếp tục dụ dỗ chị vào phần chuyển tiền, yêu cầu nhập mã vào ô số tiền với lý do kích hoạt VNPay.
Sau đó, chúng gửi cho chị T. một hình ảnh hiển thị thông báo "Giao dịch không thành công" và yêu cầu nhập mã xác thực VNPay để nhận lại tiền từ doanh nghiệp. Trong tình trạng căng thẳng, mong muốn lấy lại số tiền đã mất và bị liên tục thúc giục, chị T. truy cập ứng dụng ngân hàng, nhập mã VNPay theo hướng dẫn từ nhóm lừa đảo.
Kết quả, chị T. đã lần lượt chuyển các khoản tiền 9,5 triệu đồng, 125,6 triệu đồng và 379,6 triệu đồng. Đến khi thực hiện giao dịch cuối cùng với số tiền 485,6 triệu đồng, chị bắt đầu hoang mang và yêu cầu đối phương cung cấp số liên hệ của quản lý khu nghỉ dưỡng để nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay lập tức, đối tượng lừa đảo cắt liên lạc.
"Khi chuyển tiền, tôi thấy địa chỉ nhận đều là địa chỉ của công ty nên không đề phòng mà làm theo hướng dẫn. Đến khi chuyển tiền cuối cùng và thấy tôi thắc mắc, các đối tượng lừa đảo liền chặn liên lạc và thậm chí còn đánh sập cả tài khoản Facebook của tôi. Lúc này nhận thấy mình đã bị lừa, tôi tra cứu số hotline (đường dây nóng) của khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, khu du lịch này khẳng định fanpage tôi giao dịch là giả mạo, đơn vị này cũng không sở hữu công ty nào có tên như chủ sở hữu tài khoản ngân hàng làm việc với tôi", chị T. nhớ lại.
Ngay sau đó, chị T. đã tìm tới cơ quan công an để trình báo về sự việc và đồng thời nhờ bạn mình đăng thông tin lên mạng xã hội cảnh báo tới những người khác.
"Sự việc đã trải qua khoảng 10 ngày, tâm lý của mình cũng ổn định hơn, nhưng về phần lo lắng, sợ và hoang mang thì vẫn còn. Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, mình mất hơn 1 tỷ đồng dù thường xuyên nghe cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo. Các đối tượng này có kế hoạch thao túng tâm ký thật sự rất tinh vi", chị T. cảnh báo.
Liên quan đến vụ việc trên, báo Người Lao Động đưa tin, ngày 6/2, đại diện Công an TP Hải Phòng cho biết Công an TP Hải Phòng đã nhận được đơn của chị P.T.T. trình báo về việc bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng nghỉ tại một khu du lịch ở tỉnh Ninh Bình và đang khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.
Cũng trong ngày 6/2, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết đã nắm được thông tin du khách đặt phòng trên fanpage giả mạo một cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh và bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng và sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, xử lý.
Theo ông Mạnh, sau khi có thông tin khách bị lừa khi đặt phòng qua mạng, Sở Du lịch đã giao phòng chức năng đến làm việc với khu nghỉ dưỡng để hướng dẫn xử lý và tuyên truyền cho du khách biết. "Trước Tết Nguyên đán 2025, khu nghỉ dưỡng này đã bị các đối tượng xấu giả mạo trang web, fanpage Facebook… có giao diện gần giống trang chính của đơn vị để thực hiện hành vi lừa đảo", ông Mạnh thông tin.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, đơn vị thường xuyên có khuyến cáo đối với các khu, điểm du lịch, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay trên địa bàn để cảnh báo với du khách không bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo mất tiền.
Cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo cho người dân về các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Ảnh minh họa
Ngay trước Tết Ất Tỵ 2025, Sở Du lịch cũng đã có văn bản gửi tất cả các đơn vị, điểm lưu trú để tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu điểm du lịch. Sở này đề nghị các đơn vị khi phát hiện các trang web, fanpage giả mạo… cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý, tránh bị ảnh hưởng, thiệt hại cho du khách cũng như hình ảnh du lịch Ninh Bình.