Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ cháy rừng lịch sử ở Hà Tĩnh và góc khuất số phận vướng vòng lao lý vì bất cẩn

(DS&PL) -

Những ngày qua, trên địa bàn Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng

Những ngày qua, trên địa bàn Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng. Để làm rõ nguyên nhân, truy tìm đối tượng, cơ quan công an đã tiến hành khám nghiệm hiện trường tại một số khu vực xảy ra cháy. Qua đó cơ quan điều tra đã tạm giữ một số nghi phạm để điều tra làm rõ. Chỉ vì vô tình mà họ đã vướng vào vòng lao lý và khi nhận thức được thì đã quá muộn.

Hàng trăm ha rừng tự nhiên tại Hà Tĩnh bị thiêu rụi

Những đám cháy nối tiếp nhau

Thời gian gần đây, tại khu vực Hà Tĩnh đã liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ cháy rừng nghiêm trọng, khiến hàng trăm ha rừng tự nhiên bỗng chốc bị thiêu rụi. Một trong những địa phương chịu thiệt hại lớn về cháy rừng ở Hà Tĩnh là huyện Hương Sơn. Chỉ trong một thời gian ngắn từ 21/6 – 11/7 địa phương này đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng gây xôn xao và lo lắng cho người dân, dư luận.

Đặc biệt, vào ngày 21/6 vừa qua đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại khu rừng thuộc thôn 10, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn khiến hớn 50 ha rừng tự nhiên bị thiêu rụi. Phải mất hơn 3 ngày, các lực lượng chức năng cùng nhân dân mới dập tắt được đám cháy. Đây là khu vực rừng tự nhiên, được giao cho người dân và địa phương quản lí.

Để làm rõ nguyên nhân, truy tìm các nghi phạm liên quan đến cháy rừng, sáng ngày 11/7, Cơ quan Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường tại xã Sơn Hồng và nhiều điểm cháy khác trên địa bàn.

Theo thông tin từ cơ quan công an huyện Hương Sơn, hiện đã xác định được 3 nghi phạm có liên quan đến vụ cháy cháy rừng tại địa bàn xã Sơn Hồng vào ngày 21/6.

Theo lời khai của các nghi phạm, trong lúc nhóm người địa phương lên rừng lấy mật ong, họ đã đốt lửa để xua đuổi ong tại khu vực rừng thuộc thôn 10, xã Sơn Hồng. Do sơ ý khi đốt đuốc đã khiến ngọn lửa bùng phát, khiến đám cháy lan rộng. Dù nhóm người này đã cố gắng dập lửa nhưng vì lửa bén quá nhanh bùng phát thành đám cháy lớn nên các đối tượng hoảng sợ đã bỏ về.

Mới đây nhất, vào khoảng 11h30 ngày 8/7, một ngọn lửa bùng phát từ cánh rừng thông và keo ở núi Nầm nằm bên Quốc lộ 8A, đoạn giáp ranh giữa 2 xã Sơn Châu và Sơn Thủy, huyện Hương Sơn, sau đó lan rộng ra thiêu rụi nhiều cây cối, thực bì ở khu vực xung quanh. Hàng trăm người gồm các lực lượng công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ, cùng người dân 2 xã Sơn Châu và Sơn Thủy tiếp tục được huy động để tham gia dập lửa.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hà Hải Long, Phó trưởng Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đa số các vụ cháy rừng, bước đầu xác định do người dân lên rừng dùng lửa đuổi ong để lấy mật, hoặc do đốt cỏ ruộng. Tuy nhiên thời tiết nắng nóng, hanh khô đã khiến ngọn lửa bùng lên, dẫn đến hàng loạt các vụ cháy rừng trên diện rộng. Hiện nay chúng tôi đã khởi tố 1 bị can và tạm giữ thêm 3 nghi phạm khác liên quan đến cháy rừng trên địa bàn”.

Họa vô đơn chí và bài học về sự bất cẩn

Do thời gian nắng nóng kéo dài, nhiệt độ lên đến đỉnh điểm, có nơi trên 43OC. Thảm thực bì quá dày và khô, kèm theo gió Lào thổi mạnh cùng ý thức của kém một số người dân là nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy rừng tại Hà Tĩnh và các tỉnh khu vực miền Trung vừa qua.

Sự thiếu ý thức trách nhiệm của một số người dân trong việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã khiến hàng hàng trăm ha rừng tự nhiên bị thiêu rụi. Sự vô tình đó cũng đã đẩy không ít người dân vướng vào lao lý. Khi họ nhận ra được sự nguy hiểm của lửa rừng thì đã quá muộn.

Trước đó, vào ngày 1/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Phan Đình Thành (SN 1973), trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Trưa ngày 28/6, Thành đốt rác trong vườn nhà, giáp ranh với khu rừng thuộc tiểu khu 90, thuộc thôn 7, xã Xuân Hồng. Nắng nóng và gió lớn đã khiến đám cháy bùng phát và nhanh chóng lan rộng. Thành vừa dập lửa, vừa hô hoán mọi người đến giúp đỡ, nhưng sự việc vượt ngoài tầm kiểm soát của những người tham gia chữa cháy. Sau gần 3 ngày huy động hàng ngàn người cùng các phương tiện chữa cháy, đám cháy mới cơ bản được khống chế.

Hay một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Hảo (SN 1983), trú tại thôn Yên Sơn, huyện Hương Sơn. Người phụ nữ này đã dùng lửa đốt cỏ tại khu vực ruộng Nương Mua (thuộc thôn Yên Sơn, xã Sơn Trung). Sau khi đốt lửa xong, chị Hảo trở về nhà, ngọn lửa đã bén sang khu rừng cạnh đó dẫn đến cháy trên diện rộng.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, đội Phòng cháy chữa cháy Công an huyện Hương Sơn cùng xe chuyên dụng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã có mặt kịp thời, nhanh chóng triển khai phương án khống chế ngọn lửa. Dù lực lượng chức năng đã nỗ lực để khống chế nhưng 3ha rừng thông 30 năm tuổi đã bị thiêu rụi.

Ngày 10/7, Thượng tá Nguyễn Quang Tuệ, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cũng đã ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Hảo.

Chị Hảo tâm sự, gia đình chị có hoàn cảnh khó khăn, chồng đi làm thuê ở miền Nam, một mình chị phải gồng gánh nuôi 3 đứa con nhỏ. Chỉ vì sự cẩn trách của bản thân, chị đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. “Hôm đó tôi một mình đến khu ruộng gia đình, nằm cạnh núi Nương Mua để làm cỏ. Sau đó gom cỏ và rác để đốt. Tôi đợi đến khi lửa tắt thì mới trở về. Tuy nhiên do trời nắng, cùng với gió nam thổi mạnh nên tàn lửa đã bén cháy cả khu rừng. Sự vô tình của tôi đã gây hậu quả lớn. Giờ chỉ mong pháp luật xem xét giảm nhẹ hình phạt để tôi có cơ hội được sửa sai”, chị Nguyễn Thị Hảo cho biết.

Được biết, tính từ đầu năm 2019 đến này đã có tới hơn 20 điểm phát lửa, và có tới 4 vụ cháy lớn tại địa bàn Hà Tĩnh. Diện tích rừng bị cháy khoảng hơn 250ha, gây thiệt hại khoảng 150 ha. Trong đó cơ quan điều tra đang làm rõ 3 vụ cháy rừng nghiêm trọng do người dân địa phương gây cháy.

Nỗi đau ngoài bản án

Một trong những khó khăn của công tác chữa cháy rừng là phương tiện chữa cháy chủ yếu là dụng cụ thủ công kết hợp với máy cưa xăng, máy thổi gió, máy cắt thực bì, rừng trên cao phương tiện xe cứu hỏa không thể tiếp cận được và cũng không có nguồn nước để tiếp nước chữa cháy. Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm, nên rất khó khăn trong công tác cứu chữa.

Những người dân đốt rác, đốt cỏ gây cháy rừng tại Hà Tĩnh vừa qua đã bị khởi tố và sẽ phải chịu bản án thích đáng của pháp luật do hành vi đã gây ra, nhưng bản án nào đi nữa thì khó có thể bù đắp lại những cánh rừng, vốn được ví như lá phổi nuôi dưỡng sự sống.

Hơn bao giờ hết, việc tăng cường biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cần phải được quyết liệt thực hiện. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.

Thiện Quyền

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp Luật số chủ nhật 28

Tin nổi bật