(ĐSPL) - Liên quan đến dự án Hà Nội chặt cây xanh, 21 câu hỏi mà PV đặt ra tại cuộc họp thông tin báo chí vẫn chưa được trả lời là gì? Tại sao UBND TP Hà Nội lại chưa thể trả lời những câu hỏi đang được dư luận quan tâm?
21 câu hỏi của báo chí là gì?
Tại cuộc họp thông tin báo chí về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố ngày 20/3, UBND TP Hà Nội, 21 câu hỏi từ nhiều PV báo, đài đã đặt ra với ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi PV đặt câu hỏi và đợi ông Hùng trả lời thì Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lại phát biểu như một “bài văn tả cảnh”. Trong khi PV đợi ông Hùng tiếp tục trả lời câu hỏi PV, thì chủ tọa buổi họp báo bất ngờ tuyên bố kết thúc buổi thông tin báo chí, trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm PV.
Tại sao UBND TP Hà Nội lại chưa thể trả lời 21 câu hỏi mà PV đặt ra tại cuộc họp thông tin báo chí đang được dư luận quan tâm?
Chúng tôi xin trích lược nội dung chính trong tổng số 21 câu hỏi mà các báo đã đặt ra mà chưa được UBND TP Hà Nội trả lời.
Nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Việc chặt hạ, thay thế đã đánh giá được tác động môi trường chưa?
Việc chặt hạ một loạt cây như vậy sẽ làm mất đi những nét đặc trưng của Hà Nội. UBND TP Hà Nội đã đánh ảnh hưởng về cảnh quan đô thị chưa?
Đã có đánh giá đến tác động của dư luận khi thực hiện đề án chưa?
Báo Người Hà Nội: Cho đến thời điểm này đã chặt bao nhiêu cây, kinh phí tốnbao nhiêu, ai sẽ bị kỷ luật chính sau khi chặt cây này. Chỉnh trang đô thị là một chủ trương đúng đắn nhưng cần làm từ từ và có nghiên cứu. Hạ 6.700 cây xanh mà xã hội hóa thì hơi phản cảm? ông bình luận thế nào về việc này?
Báo Tiền Phong: Những cây xanh đã chặt thì đưa về đâu, đã bán chưa, bán bao nhiêu tiền, những cây trồng mới thì mua ở đâu, giá bao nhiêu một cây?
Báo Người Đưa Tin: Nhiều chuyên gia nói cây vàng tâm được chọn để thay thế những cây bị chặt hạ có vòng đời sinh trưởng lâu, tán cây không rộng, lại là cây lâu năm. Liệu chọn loại cây này để thay thế có hợp lí hay không?
Báo Người tiêu dùng: Dư luận cho rằng các DN đứng sau việc chặt cây, TP khẳng định có phải thế không hay là chủ trương TP, DN chỉ hỗ trợ. Số lượng cây chặt lớn, gỗ lớn lên hàng trăm tỉ thì sau khi bán gỗ đi thì mục đích sử dụng là gì?
Báo Đất Việt: Hà Nội đã chặt bao nhiêu cây và đã bán chưa, bán đấu giá bao nhiêu tiền, nếu chưa bán thì để ở đâu?
Báo Một thế giới: Đánh giá tác động môi trường như thế nào khi chặt hạ cây? Việc chặt này đích thân ông Hùng cho phép, cá nhân ông có nhận khuyết điểm gì trong việc này? Sở Xây dựng có mặt ở đây tôi từng hỏi nhưng các anh hứa mà chưa trả lời, đó là việc hạch toán, thống kê kiểm kê việc chặt cây trên tuyến phố...?
Báo Pháp luật TP.HCM: TP cho biết việc chặt cây có thể minh bạch thông tin về giá cây, gỗ trong vòng 5 năm thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời báo chí trong cuộc họp ngày 20/3. |
|
Báo Thanh Niên: Bình quân cây xanh đầu người ở Hà Nội là bao nhiêu? Việc chặt 6.700 cây có tính mật độ?
Báo VnMedia: Ông Hùng cảm thấy thế nào khi đi qua tuyến phố trước đây rợp bóng cây nay thay cây trơ trụi không tán lá? Ai là người thẩm định, quyết định những cây cần chặt. Tôi được biết việc thẩm định cây có sâu mọt không rất khó. Ngay TP.HCM quyết định đầu tư 2 tỷ khoan thăm dò thì cũng rất khó khăn. Vậy ai quyết định việc này? Những cây xanh chặt đi đưa về đâu, tập kết ở đâu? Cây trồng mới mua ở đâu, giá bao nhiêu một cây?
Báo Lao Động: Hà Nội nên thơ bởi những hàng cây như bằng lăng, sấu ở Phan Đình Phùng... chúng ta thay nhiều loại cây hay chỉ một loại cây? Nguồn từ ngân sách bao nhiêu, xã hội hóa bao nhiêu phần trăm?
Báo VTC: Đơn vị cung ứng cây là đơn vị nào, có tin cậy không? Đây dự án lớn đến nay dừng lại thì trách nhiệm của đơn vị đầu tư, cung ứng này như thế nào?
Báo An ninh Thủ đô: Quy trình lập đề án này, căn cứ để chặt cây là gì? Tạisao chặt số lượng nhiều như vậy?
Báo VietNamNet: Quyết định sáng nay là do dư luận xã hội hay là lí do nào? Việc rà soát sẽ tiến hành trong bao lâu, giải trình khi nào có?
Phóng viên một tờ báo đặt câu hỏi: Mạng xã hội có rộ lên thông tin sẽ thay thế cây tầm bì, cây này có nằm trong diện cây thay thế không? Biện pháp gì để sàng lọc những cây có hại hoặc cây sinh trưởng không tốt? Vì sao một số nơi cây xà cừ thẳng, cây bàng cũng thẳng, đang sinh trưởng tốt nhưng vẫn bị chặt đi trong khi không có sâu bệnh gì?
Báo Tuổi Trẻ TP.HCM: Việc dừng này như thế nào, bao lâu, có tiếp tục chặt hạ, bao nhiêu cây? Trong văn bản, ông Chánh văn phòng nói hầu hết việc chặt cây được người dân đồng thuận thì điều này khảo sát như thế nào?
Xã hội hóa có bao nhiêu DN tham gia, gồm DN nào? Họ được gì, có quyền lợi gì?
Câu hỏi được giải đáp trước ngày 25/3
Liên quan đến vụ việc, ngày 20/3, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 1889/UBND-XDGT, giao Sở Xây dựng trả lời các câu hỏi liên quan đến việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.
Nội dung công văn nêu rõ, tại cuộc họp ngày 20/3/2015 của UBND thành phố với một số cơ quan thông tin, tuyên truyền về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, đã có 21 nhà báo nêu một số câu hỏi chi tiết về việc tổ chức thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian qua.
Nhằm giải đáp những vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm, UBND thành phố giao Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo tổng hợp, có văn bản trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 25/3/2015.
Như tin tức đã đưa, trả lời trong cuộc họp thông tin báo chí về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP Hà Nội luôn luôn lắng nghe tiếp thu cầu thị những sự đóng góp của người dân thủ đô và cả nước, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, cơ quan báo chí phản ánh những vấn đề trong quản lý của Hà Nội.
Lãnh đạo TP cũng luôn lắng nghe, cán bộ công chức thành phố luôn cầu thị. Hà Nội từng có những quyết định rất khó khăn nhưng sau đó đã mang lại đồng thuận. Vì vậy thành phố luôn lắng nghe những góp ý cũng để xây dựng thành phố xanh, đẹp, để chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao.
Nói về Dự án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết đây là chủ trương đúng đắn của UBND thành phố, tuy nhiên do việc thực hiện nôn nóng, công tác thông tin không kịp thời đầy đủ dẫn đến bức xúc trong dư luận.
Ông Hùng đã nhận thiếu sót trong việc chặt hàng loạt cây xanh và yêu cầu các cơ quan ban ngành liên quan thông tin đầy đủ với các cơ quan báo chí để người dân nắm được.
Về câu hỏi liệu có gì tiêu cực hay tham nhũng ở dự án này không, có lợi ích nhóm không, vị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định không có lợi ích nhóm, tiêu cực, khuất tất trong việc đánh chuyển, chặt hạ cây xanh trên địa bàn thành phố.
Cũng qua cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng thay mặt UBND thành phố Hà Nội hứa rằng về sau những chuyện liên quan tới cộng đồng xã hội sẽ tăng cường tiếp thu ý kiến của chuyên gia, ý kiến của người dân… để đi đến quyết định đúng đắn.
MINH SANG (Tổng hợp)