Tối 16/2, Trần Văn Viên (30 tuổi, ở huyện Núi Thành, Quảng Nam) sau khi nhậu về đã bế con gái là T.L.Y.V. (5 tuổi) ném xuống sông Trường Giang khiến nạn nhân tử vong. Sau khi gây án, nghi phạm đã về báo với gia đình và đến công an đầu thú.
Với hành vi này, nghi phạm có thể đối mặt các tội danh và tình tiết định khung, tăng nặng nào?
Trao đổi với PV ĐS&PL, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định, nếu vì ghen tuông, nóng giận mà ném con mình xuống sông thì đây là hành vi tàn nhẫn, mất tính người, không thể dung thứ.
Hành vi này trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của trẻ em, là hành vi giết người, bởi vậy cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.
Với thông tin từ cơ quan điều tra, có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người theo Điều 123, Bộ luật hình sự để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định.
Cơ quan điều tra có thể tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với cha của cháu bé, lấy lời khai làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hành vi của người đàn ông này và nhận thức của người đàn ông này khi thực hiện hành vi để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
"Trong trường hợp lời khai của người đàn ông này phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với kết quả khám nghiệm tử thi, dấu vết để lại trên hiện trường và trên cơ thể nạn nhân, cho thấy nạn nhân tử vong là do bị người đàn ông này ném xuống sông, thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can về tội giết người.
Cùng với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, đó là giết người dưới 16 tuổi; có tính chất côn đồ... nên khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình", luật sư Cường nói.
Trần Văn Viên thực hiện lại hành vi phạm tội trong buổi thực nghiệm hiện trường. (Ảnh: Zing)
Đồng quan điểm đó, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật chia sẻ, dư luận xã hội đang rúng động về những vụ việc trẻ em bị bạo hành bởi những người trong gia đình như cha kế, mẹ kế và ngay cả chính cha mẹ ruột của các cháu.
Từ vụ việc bé gái 8 tuổi ở Sài Gòn tử vong đến vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội nghi bị bạo hành với 9 chiếc đinh cắm vào đầu, cùng vụ án cha ruột ném con gái xuống sông, luật sư Bình cho rằng đây đều là những câu chuyện hết sức đau lòng. Điều này cho thấy tính chất nghiêm trọng và mức độ tàn nhẫn mà những người được cho là cha, là mẹ đối xử với con cái của mình.
Cũng theo luật sư Bình, vụ việc lần này cho thấy, sự độc ác, tàn nhẫn, ghen tuông bất chấp của những con người này là cùng cực. Không phải cứ có đầy đủ cha mẹ ruột sống chung với nhau thì con trẻ sẽ không bị bạo hành.
Giết người là một trong những hành vi xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng; sức khỏe của con người. Đây là hành vi rất đáng lên án trong xã hội hiện nay. Đặc biệt, một số đối tượng đã ra tay độc ác với những đứa trẻ ngây thơ vô tội và ngay với chính con đẻ của mình. Hùm dữ còn không ăn thịt con.
Do đó, dưới góc độ pháp luật, luật sư Diệp Năng Bình thông tin, căn cứ Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/ QH11 ngày 15/6/2004 của Quốc hội quy định: Trẻ em mà quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Căn cứ vào các quy định trên, thì hành vi sát hại trẻ em chính là giết người mà dưới 16 tuổi.
Căn cứ Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015 về tội giết người, trong đó có quy định cụ thể về khung hình phạt đối với tội giết trẻ em: "1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 2 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi".
Việt Hương (T/h)