Đóng

Vụ buôn bán hơn 7,1 tấn vảy tê tê, trị giá 35 tỷ đồng: Mẹ vợ và con rể "dắt nhau" vào tù

  • Hoàng Yên (T/h)
(DS&PL) -

Trong vụ án buôn bán hơn 7,1 tấn vảy tê tê, Hồ Văn Mạnh được xác định là người chủ mưu và bị tuyên phạt 7 năm tù, bà Trần Thị Ngọc (mẹ vợ của Mạnh) tích cực giúp con rể, lĩnh án 3 năm tù.

Vào cuối tháng 6/2025, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử bị cáo Hồ Văn Mạnh (SN 1988, trú tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An; nay là xã Đông Thành, tỉnh Nghệ An) và Trần Thị Ngọc (SN 1968, là mẹ vợ của Mạnh, trú cùng xã) về các tội Buôn bán hàng cấm và Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Liên quan đến vụ án này, các bị cáo Phạm Thị Lập (SN 1981), Hồ Mai Yên (SN 1980), Nguyễn Thị Long (SN 1984, vợ Yên), Cao Xuân Quý (SN 1988), cùng trú tại xã Xuân Tháp, huyện Diễn Châu, Nghệ An; nay là xã Quảng Châu, tỉnh Nghệ An bị truy tố về tội Buôn bán hàng cấm.

Vỏ bọc của "ông trùm"

Theo báo Nghệ An, Hồ Văn Mạnh được biết đến là người làm nghề kinh doanh. Nhưng đó chỉ là vỏ bọc để đối tượng này thực hiện hàng loạt vụ mua bán động vật hoang dã với khối lượng lớn. Mạnh đã kết nối với nhiều đối tượng làm việc ở nước ngoài trong việc tìm nguồn vảy tê tê. Sau vài khâu gia công đơn giản, Mạnh bán lại cho người khác để hưởng lợi số tiền lớn.

Một trong những đầu mối làm ăn lớn của Mạnh là Lê Quang Lợi. Lợi chủ yếu làm ăn bên Lào, thường đưa các sản phẩm động vật, trong đó có vảy tê tê từ Lào về Việt Nam bán. Cả hai quen biết nhau trong một lần đi chơi. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10/2023, Hồ Văn Mạnh đã 21 lần mua vảy tê tê của Lợi, với tổng khối lượng khoảng 4 đến 5 tấn.

Ở vài lần mua bán ban đầu, Mạnh trực tiếp lái xe ô tô đến nhà người thân của Lợi chở vảy tê tê rồi đưa về tập kết tại nhà mẹ vợ là Trần Thị Ngọc (57 tuổi). Tuy nhiên, khi đã trở thành bạn hàng thân thiết, Mạnh không phải đi lấy “hàng” mà có người lo việc đó. Sau mỗi lần giao dịch, Mạnh chuyển tiền qua tài khoản cho Lợi. Tổng số tiền mà 2 bên đã giao dịch với nhau là hơn 17 tỷ đồng.

Hồ Văn Mạnh còn mua vảy tê tê của vợ chồng Nguyễn Thị Long (SN 1984) và Hồ Mai Yên (SN 1980). Hai vợ chồng này là người cùng xóm với Mạnh, thường làm ăn bên Lào. Mạnh biết đôi vợ chồng này có nguồn vảy tê tê đưa từ Lào về bán nên làm quen, trao đổi số điện thoại. Trong thời gian từ tháng 2/2023 đến tháng 4/2023, Mạnh đã mua của vợ chồng này 4 lần, với tổng cộng hơn 937 kg vảy tê tê. Số tiền mà các đối tượng đã thanh toán cho nhau là hơn 4,2 tỷ đồng. Với mỗi kg vảy tê tê, vợ chồng Yên thu lợi khoảng 100 nghìn đồng.

Bên cạnh đó, Mạnh còn mua một khối lượng lớn vảy tê tê của các đối tượng gồm Phạm Thị Lập (SN 1981), Cao Xuân Quý (SN 1988), cùng trú xã Xuân Tháp, huyện Diễn Châu (nay là xã Quảng Châu, tỉnh Nghệ An).

Nguồn vảy tê tê mua được, Mạnh bán cho hai anh em ở TP. Móng Cái (Quảng Ninh) có tên Phạm Hồng Thái (36 tuổi) và Phạm Thanh Bình (34 tuổi). Hai người này thường ăn ở trong nhà Mạnh, tất cả khách hàng mua vảy tê tê của Mạnh đều phải qua đối tượng này. Khi có khách mua hàng thì Thái và Bình đưa hàng ra xe khách để gửi. Hồ Văn Mạnh đã bán cho 2 hai đối tượng này khoảng 6.000 đến 7.000 kg vảy tê tê.

Trong vụ án, bà Trần Thị Ngọc (mẹ vợ Mạnh) là người giúp sức tích cực cho ông trùm. Cứ mỗi lần thu mua vảy tê tê về, Mạnh sẽ tập kết các bao tải trong nhà mẹ vợ. Sau đó, Ngọc đảm nhận nhiệm vụ làm sạch vảy tê tê. Mỗi lô hàng con rể mang về,  Ngọc sẽ thuê một số phụ nữ trong làng đến sàng bụi bẩn, làm sạch, đóng vào bao tải với tiền công 300 nghìn đồng/ngày.

 Hồ Văn Mạnh và mẹ vợ tại phiên xét xử. Ảnh: Lao động

Mẹ vợ và con rể dắt nhau vào tù

Ngày 24/10/2023, Công an Nghệ An phát hiện, bắt quả tang tại nhà Ngọc cất giấu 110 bao tải đựng vảy tê tê, khối lượng 2.846kg, trị giá hơn 14 tỷ đồng. Ngọc khai số vảy tê tê nói trên của con rể là Hồ Văn Mạnh gửi. 

Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định, Hồ Văn Mạnh đã mua của các đối tượng là hơn 7.160 kg vảy tê tê, trị giá hơn 35 tỷ đồng. 

Mạnh khai không biết vảy tê tê là mặt hàng cấm mua bán, tuy nhiên, sau đó do hám lợi nên vẫn thực hiện hành vi phạm tội.

Trần Thị Ngọc khai không biết đây là vảy tê tê mà nghĩ là vảy con trút. Bị cáo giúp Hồ Văn Mạnh làm sạch bụi bẩn số vảy này rồi đóng bao theo hướng dẫn và có nhận tiền từ con rể.

Theo báo Dân Trí, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên phạt Hồ Văn Mạnh 6 năm tù về tội Buôn bán hàng cấm, 1 năm tù về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tổng hình phạt chung bị cáo Mạnh phải chấp hành là 7 năm tù.

Bị cáo Trần Thị Ngọc bị tuyên phạt 2 năm tù giam về tội Buôn bán hàng cấm, 1 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; tổng hình phạt chung là 3 năm tù giam.

Đối với các bị cáo phạm tội Buôn bán hàng cấm, Hội đồng xét xử tuyên phạt Phạm Thị Lập và Hồ Mai Yên mỗi bị cáo 3 năm tù giam; bị cáo Nguyễn Thị Long 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Cao Xuân Quý 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đối với Lê Quang Lợi, Phạm Hồng Thái và Phạm Thanh Bình, trong quá trình điều tra không có mặt tại địa phương. Cơ quan chức năng đã tách hành vi của những người này thành vụ án riêng, sẽ xử lý khi bắt được.

Tin nổi bật