Những ngày qua, gia đình bé S.T.N.N. (4 tuổi, ở thôn Ma Y, xã Phước Tân, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) và người thân, xóm giềng đã làm lễ an táng cho bé trong xót xa, thương tiếc.
Bé N. tử vong sau nhiều ngày được điều trị tích cực do bị rắn cạp nia cắn.
Chia sẻ với PV báo Tuổi Trẻ, chị So Thị Tú (mẹ cháu N.) nức nở nói: "Tôi đã biết con bị rắn độc cắn, cấp tốc đưa con đi cấp cứu ngay trong đêm, đã đến bệnh viện lớn của tỉnh rồi mà cuối cùng vẫn bất lực không cứu được con".
Trong khi đó, ông So Minh Chiến, Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết, vợ chồng chị Tú mới ra dựng nhà sàn ở riêng, xung quanh thoáng đãng nhưng không hiểu sao rắn độc cạp nia lại lên được nhà lúc đêm tối và cắn bé N. đang ngủ. Cụ thể, khoảng hơn 0h ngày 16/5, chị Tú dậy đi vệ sinh thì thấy bé N. ói mửa, lơ mơ. Khi kéo chiếc màn thì thấy con rắn cạp nia đang ở ngay dưới chân con gái nên anh chị đánh chết rắn, đồng thời chụp lại ảnh con rắn để đưa cho bệnh viện biết.
"Biết đây là loại rắn độc, vợ chồng Oát thuê ôtô ở gần nhà chở ngay đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa cấp cứu. Ngay trong đêm, cháu N. được chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên để cấp cứu và điều trị. Nhưng cuối cùng cháu không qua khỏi" - ông Chiến xót xa.
Ảnh minh họa
Cũng theo nguồn tin trên, các bác sĩ ở Bệnh viện Sản- nhi Phú Yên cho biết, bé N. được chuyển đến bệnh viện này lúc 2h30 ngày 16/5 trong tình trạng lơ mơ, khó thở, chừng 10 phút sau đó thì ngưng thở nên bệnh viện phải đặt nội khí quản ngay cho bé. Do không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên chuyển bé N. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, tuy nhiên bệnh viện này cũng không có huyết thanh nên trưa 16/5 bé được chuyển lại Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện Sản- nhi Phú Yên cho biết, đơn vị đã liên hệ với Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 để chuyển tuyến cho bé, nhưng hai bệnh viện trên cũng cho biết là không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.
Đến tối 21/5, sau 5 ngày nằm viện, tình trạng của bé N. rất xấu khi suy gan, thận, sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Thấy con khó qua khỏi, gia đình xin bệnh viện được đưa bé về nhà. Đến trưa 22/5, bé N. qua đời.
Theo báo Dân Trí, gia đình cháu N. là đồng bào dân tộc thiểu số nên thường ngủ, sinh hoạt trên các nhà sàn cách mặt đất khá cao.
"Nhà cháu là nhà sàn, mái tôn, sàn gỗ cũng được lắp rất kỹ càng. Nhưng không hiểu vì sao rắn cạp nia có thể chui vào chỗ ngủ và cắn cháu" - người thân cháu N. nói.
Rắn cạp nia (tên khoa học Bungarus candidus) là loài cực độc, tỷ lệ tử vong do rắn cắn có thể lên đến 75% nếu không được cấp cứu kịp. Nọc rắn cạp nia có chứa các độc tố hậu synape và đặc biệt độc tố tiền synape, gây liệt mềm kéo dài. Nọc rắn cạp nia tại Việt Nam có thể chứa độc tố kiểu natriuretic peptide tăng thải natri qua thận dẫn tới hạ natri máu.
Hầu hết các trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ bị liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không kịp thời đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu tích cực bằng các biện pháp hồi sức, thở máy và tiêm huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.
Hoàng Yên (T/h)