Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ bầu Kiên: Kiến nghị "chưa từng có" trong lịch sử tố tụng

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trong phiên toà xét xử vụ bầu Kiên, luật sư Hoàng Đôn Hùng, bào chữa cho bầu Kiên, đã đưa ra kiến nghị "chưa từng có" trong lịch sử tố tụng.

(ĐSPL) - Luật sư Hoàng Đôn Hùng đề nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại ngân hàng Nhà nước, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng để làm rõ hành vi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của từng cá nhân có liên quan.
Clip bầu Kiên xin nói lời cuối cùng trước tòa:
Bên lề phiên tòa, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với luật sư (LS) Hoàng Đôn Hùng - Văn phòng LS Hà Phát (đoàn Luật sư TP.HCM), người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên xung quanh kiến nghị của LS này trước công đường hôm 28/5.
Tại phiên toà xét xử vụ bầu Kiên, LS Hoàng Đôn Hùng đã đưa ra đề nghị "chưa từng có" trong lịch sử tố tụng.
- Căn cứ vào đâu mà ông lại đề nghị HĐXX khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng Nhà nước?
Qua hồ sơ tài liệu cho thấy, thực hiện theo đúng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước nêu trong công văn 350, thì các doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động trong khoảng thời gian hai năm, trước khi Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy làm như vậy sẽ gây hậu quả xã hội rất lớn. Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thiếu trách nhiệm khi biết rõ luật có hiệu lực nhưng chậm ban hành văn bản hướng dẫn, khi không cảnh báo, nhắc nhở, không phát hiện ngay lập tức, không ngăn chặn xử lý các sai phạm về ủy thác của các ngân hàng trước đó, dẫn đến hậu quả nhiều cá nhân trong vụ án này bị truy cứu tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, tôi đã mạnh dạn kiến nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án thiếu tinh thần trách nhiệm tại ngân hàng Nhà nước, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng để làm rõ và xử lý hành vi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của từng cá nhân có liên quan.
- Cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, việc ủy thác cá nhân gửi tiền của ACB tại Vietinbank vi phạm Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và truy tố Nguyễn Đức Kiên phạm tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng với mức án từ 14 - 15 năm tù. Là LS bào chữa, ông có nhận xét gì về cáo buộc này?
Trong phiên tòa, tôi đã kiến nghị HĐXX xác định và tuyên ông Nguyễn Đức Kiên không phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi chứng minh việc ủy thác gửi tiền của ACB tại Vietinbank không vi phạm Điều 106 Luật. Các tổ chức tín dụng năm 2010. Cụm từ "theo quy định của Ngân hàng Nhà nước" tại Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không đồng nghĩa với cụm từ "chỉ được thực hiện sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước". Thực tế, chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa cụm từ "theo quy định của Ngân hàng Nhà nước" được hiểu là "chỉ được thực hiện sau khi có hướng dẫn của ngân hàng Nhà nước".
Theo tôi, công văn số 350 ngày 17/5/2012 của Ngân hàng Nhà nước (Phó Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước ký) trả lời cơ quan cảnh sát điều tra đã giải thích cụm từ "theo quy định của Ngân hàng Nhà nước" tại Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng được hiểu là "chỉ được thực hiện sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước" là không có căn cứ pháp lý. Bởi lẽ, công văn này thực chất là công văn giải thích luật. Trong khi, Điều 85 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải thích luật. Chính các luật sư chúng tôi đã có văn bản đề nghị ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước không có bất kỳ văn bản nào yêu cầu các ngân hàng thương mại không được thực hiện hoạt động ủy thác khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và cũng không yêu cầu các tổ chức tín dụng đang có hoạt động ủy thác khác (trong đó có ủy thác gửi tiền), ngoài hoạt động ủy thác cho vay phải dừng hoạt động ủy thác cho đến khi có hướng dẫn của Nhà nước. Về cả lý luận và thực tiễn, đều không thể đánh đồng cụm từ "theo quy định" với cụm từ "chờ hướng dẫn mới được thực hiện".
- Qua vụ án này, có ý kiến cho rằng liên quan đến "siêu lừa" Huyền Như vẫn bỏ lọt tội phạm. Quan điểm của ông thế nào?
Trong vụ việc Huyền Như chiếm đoạt tiền tại ngân hàng Công thương (Vietinbank), có nhiều đơn vị, ngân hàng gửi tiền vào ngân hàng Công thương bị kết luận là trái pháp luật. Sau khi Huyền Như bị bắt, chỉ có ngân hàng Á Châu khởi kiện vụ án dân sự đòi tiền ngân hàng Công thương. Cho đến nay, cũng chỉ có các cá nhân tại ngân hàng Á Châu bị xử lý hình sự về việc gửi tiền.
Trong vụ án này, kết luận điều tra nêu có 26 ngân hàng nhận tiền gửi chi trả lãi suất vượt trần, nhưng cho đến nay cũng không xử lý bất cứ ai về các sai phạm này.
Trong vụ án Huyền Như, kết luận điều tra (trang 12) nêu rõ việc thỏa thuận lãi suất vượt trần Huyền Như có báo cáo lãnh đạo ngân hàng Công thương, nhưng việc này đã không được làm rõ và xử lý. Ngoại trừ một số cá nhân tại ngân hàng Công thương liên quan đến việc lập hồ sơ, chứng từ giả rút 50 tỉ đồng của ngân hàng Á Châu bị xử lý. Các cá nhân tại ngân hàng Công thương liên quan đến toàn bộ quá trình tiếp nhận, thực hiện, kiểm soát các chứng từ giả do Huyền Như lập để chiếm đoạt số tiền xấp xỉ 4.400 tỉ đồng còn lại đã không được làm rõ, xử lý.
Các cá nhân cố ý đứng tên vay giả, ký hồ sơ thế chấp giả dù tài sản thế chấp không phải của mình, lập hồ sơ giả vay tiền tại ngân hàng Công thương đã giúp Huyền Như chiếm đoạt hơn 500 tỉ đồng nhưng lại không bị xử lý hình sự. Như vậy là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Xin cảm ơn ông!

Tin nổi bật