"Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến CDC Hà Nội đã lên đến 7 tỷ đồng", Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết.
Theo VnExpress, sáng 22/4, Đại tá Nguyễn Văn Long (Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết: "Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã lên đến 7 tỷ đồng".
Trước đó, CDC Hà Nội đề xuất mua thêm một hệ thống xét nghiệm này do số lượng mẫu nghi nhiễm Covid-19 gia tăng. Realtime PCR được giới thiệu là hệ thống mở cho phép chạy được nhiều loại hóa chất khác nhau có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, không riêng nCoV. Trên thị trường phần lớn máy này phải nhập từ Đức hoặc một số nước Châu Âu có giá từ 2,5 tỷ đồng tới 10 tỷ đồng, tùy công suất và cấu hình.
Bị can Nguyễn Nhật Cảm (trên cùng - bên trái) cùng các bị can bị khởi tố - Ảnh: Bộ Công an |
Trước đó, theo Tuổi Trẻ Online, ngày 22/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.
Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, trưởng phòng tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên phòng tài chính kế toán; Đào Thế Vinh, giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Kết quả điều tra ban đầu xác định với vai trò là giám đốc của CDC Hà Nội, ông Cảm có một số sai phạm trong quá trình mua sắm máy xét nghiệm Covid-19.
Cơ quan điều tra cũng đã triệu tập một số cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ vai trò liên quan trong vụ án.
Trao đổi trên Tri thức trực tuyến sau khi ông Cảm bị bắt, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định không thể chấp nhận những cán bộ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Việc lợi dụng điều kiện dịch bệnh để vi phạm phải là tình tiết tăng nặng, cần xử lý nghiêm.
Ông Chung cho biết hôm 17/4, ông Nguyễn Nhật Cảm vắng mặt tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của thành phố. Trong khi trước đó, Giám đốc CDC Hà Nội đều dự họp và phát biểu.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hôm đó, ông Cảm bị Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 của Bộ Công an) mời lên làm việc về những vi phạm trong mua sắm thiết bị y tế.
Khi kết luận cuộc họp, ông Chung đã chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về việc này. Trong đó, công khai việc mua sắm trang thiết bị y tế nhằm phục vụ mục đích chống dịch Covid-19 của CDC Hà Nội "có vấn đề".
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội gửi lãnh đạo thành phố liên quan đến việc CDC Hà Nội mua sắm máy xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng thể hiện có những sai phạm về quy trình, giá thiết bị.
Trước khi bị bắt, ông Cảm từng đề xuất mua thêm nhiều máy xét nghiệm nhưng không được thành phố chấp nhận.
Trước sai phạm trên, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định quan điểm của ông cũng như Thường trực Thành ủy, UBND thành phố là phải điều tra, xử lý nghiêm.
Nhấn mạnh việc không thể chấp nhận những cán bộ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, Chủ tịch Hà Nội cho rằng “trong điều kiện dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng”, không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào.
Cự Giải (T/h)