Mạnh Hoằng Vĩ từng là “tay chân đắc lực” của Chu Vĩnh Khang, là tàn dư mà Trung Quốc quyết tâm xóa sạch, thể hiện rõ quyết tâm “đả hổ, diệt ruồi” đến cùng của Bắc Kinh.
Chủ tịch Interpol Mạnh Hoằng Vĩ. Ảnh: AFP/Getty Images. |
Theo thông báo của trang web Ủy ban giám sát quốc gia Trung ương Trung Quốc vào lúc 23h52 ngày 7/10, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Hoằng Vĩ hiện đang bị Ủy ban giám sát quốc gia tiến hành giám sát, điều tra do “vi phạm pháp luật”.
Như vậy, Mạnh Hoằng Vĩ trở thành quan chức cấp cao thứ ba "ngã ngựa" kể từ Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, sau Phó trưởng ban tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lỗ Vĩ và Cục trưởng Cục năng lượng quốc gia Trung Quốc Nỗ Nhĩ - Bạch Khắc Lực.
Thông tin Mạnh Hoằng Vĩ bị bắt đã gây xôn xao dư luận quốc tế, bởi vì ông này hiện đang giữ chức Chủ tịch Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), vốn được bầu từ năm 2016 và có nhiệm kỳ kéo dài đến năm 2020.
Báo chí chính thống Trung Quốc hiện không đề cập đến những ảnh hưởng sau vụ việc này, mà chỉ cho rằng Thứ trưởng Công an Mạnh Hoằng Vĩ bị điều tra như thông báo của Ủy ban giám sát quốc gia Trung Quốc; đồng thời cho hay, ông Mạnh là người làm việc lâu dài trong hệ thống ngành công an Trung Quốc.
Báo chí nhà nước Trung Quốc ngày 8/10 đồng loạt đăng tải, sáng sớm hôm 7/10, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc ông Triệu Khắc Chí đã chủ trì hội nghị Đảng ủy Bộ Công an và đưa ra thông báo rằng ông Mạnh Hoằng Vĩ đã nhận hối lộ, tình nghi vi phạm pháp luật, nên bị Ủy ban giám sát quốc gia Trung Quốc điều tra.
Đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc cho rằng, Mạnh Hoằng Vĩ hoàn toàn đã tự làm theo ý mình; đồng thời đảng ủy bộ này hoàn toàn ủng hộ tiến hành giám sát, điều tra đối với Mạnh Hoằng Vĩ.
Đảng ủy Bộ Công an nước này cũng nói thêm, việc điều tra này hoàn toàn đúng đắn, rất sáng suốt, đã thể hiện đầy đủ thái độ rõ ràng và quyết tâm kiên định tiến hành đến cùng việc “làm trong sạch Đảng” toàn diện và nghiêm minh cùng với đấu tranh chống tham nhũng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Tập Cận Bình lãnh đạo; đồng thời cho thấy không ai có đặc quyền và không ai có ngoại lệ trước pháp luật; chỉ cần vi phạm pháp luật thì đều phải bị truy cứu nghiêm túc và trừng trị nghiêm khắc.
Ông Triệu Khắc Chí, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Ảnh: People. |
Ngoài ra, hội nghị Đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc còn đưa ra nhiều tuyên bố hết sức cứng rắn với tham nhũng và thể hiện vai trò “trung tâm” của bộ này trong hệ thống quyền lực của Trung Quốc hiện nay.
Tuyên bố của hội nghị cho rằng, Công an Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ quyền uy và sự tôn nghiêm của pháp luật, kiên quyết không để (bất cứ ai) đụng chạm hay vượt qua “ranh giới đỏ” của luật pháp, tuyệt đối không cho phép lấy lời nói thay cho luật pháp, lấy quyền lực để đè lên luật pháp, trục lợi, tư lợi và vi phạm pháp luật.
Trung Quốc sẽ kiên quyết làm cho chế độ pháp luật trở thành “đường dây điện cao thế”, dùng pháp luật để quy phạm và kiểm soát quyền lực, kiên trì sử dụng công bằng quyền lực, tuyệt đối không cho phép lấy quyền lực để mưu lợi riêng.
Hội nghị này cũng kết luận rằng, Công an Trung Quốc sẽ luôn giữ vững phẩm chất chính trị “tuyệt đối trung thành”, tiếp tục tăng cường “bốn ý thức” (ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức hạt nhân, ý thức làm gương), nâng tầm chính trị, kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với công tác công an, không ngừng tăng cường tính tự giác về tư tưởng, chính trị và hành động với tư cách là “nòng cốt trung thành, nòng cốt bảo vệ”, thiết thực thực hiện “một đi đầu, ba làm gương”, kiên quyết bảo vệ sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương với hạt nhân là ông Tập Cận Bình, luôn duy trì thống nhất cao với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về lập trường, phương hướng, nguyên tắc và đường lối chính trị.
Công an Trung Quốc sẽ kiên trì quán triệt tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, không ngừng kiên định niềm tin, lý tưởng, kiên định “bốn tự tin”, tập trung xây dựng một lực lượng công an “tuyệt đối trung thành với Trung ương Đảng do ông Tập Cận Bình làm hạt nhân”.
Hội nghị yêu cầu nhận thức sâu sắc về sự nguy hại nghiêm trọng đối với sự nghiệp của Đảng Cộng sản và ngành công an Trung Quốc do ông Mạnh Hoằng Vĩ nhận hối lộ, vi phạm kỷ luật gây ra, rút ra bài học sâu sắc, “suy một ra ba”, lấy đó làm gương đề phòng, tập trung nắm chắc những lĩnh vực quan trọng, những khâu then chốt, vị trí trọng điểm dễ xảy ra tham nhũng, kiên trì “có vụ việc là phải điều tra, có tham nhũng là phải trừng phạt”, không giảm mức độ, không lỏng lẻo về quy định, kiên trì giữ nghiêm tác phong và kỷ luật, kiên định chống tham nhũng, kiên quyết xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng tiêu cực từ vụ án Chu Vĩnh Khang, không ngừng thúc đẩy xây dựng tác phong liêm chính và đấu tranh chống tham nhũng trong cơ quan công an.
Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc bị kết án vào năm 2015, chịu tù chung thân. Ảnh: Epochtimes. |
Công an Trung Quốc sẽ thực hiện quản lý chặt chẽ theo hướng “không có vùng cấm, không để sơ hở”, chú trọng nắm bắt từ sớm và từ việc nhỏ, chú trọng phòng ngừa, thực hiện được “quản lý thực sự, làm nghiêm thực sự”, “mạnh dạn quản lý và làm nghiêm”, “giỏi quản lý và giỏi làm nghiêm”.
Coi trọng xây dựng “nếp nhà”, người lãnh đạo phải yêu cầu nghiêm khắc người nhà và cán bộ nhân viên thuộc quyền thực hiện nghiêm “liêm khiết, tự rèn”, “giữ nhà trong sạch”, thực sự vượt qua được “cửa ải gia đình”, “cửa ải thân tín”, không khoan nhượng với những hành vi tham nhũng ở xung quanh, tập trung xây dựng trận địa vững chắc dự phòng và ngăn chặn tham nhũng, đặc quyền.
Hội nghị nhấn mạnh, đặt xây dựng chính trị của Đảng lên hàng đầu, nhất là đối với “thiểu số then chốt” cán bộ lãnh đạo, kiên quyết xét xử những cán bộ tình nghi cùng nhận hối lộ với Mạnh Hoằng Vĩ. Thực hiện nghiêm kỷ luật tổ chức, kỷ luật công tác, các quy định về cán bộ quản lý, tuyệt đối không cho phép “đặt điều kiện”, “ra giá tiền” với tổ chức. Công an Trung Quốc sẽ đi đầu về coi trọng và tuân thủ pháp trị, dựa vào quyền hạn và trình tự luật định để thực thi quyền lực, bảo đảm cho mọi cán bộ đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo phải “biết sợ trong lòng”, “biết kiêng dè về lời nói”, “biết dừng về hành động”.
Hội nghị yêu cầu tăng cường xây dựng tác phong, đặt kỷ luật Đảng lên trước, yêu cầu đảng viên, cán bộ lãnh đạo kiên trì liêm khiết, tự ràng buộc mình, tuân thủ pháp luật, tự giác làm gương về liêm khiết và tuân thủ pháp luật. Nghiêm túc tuân thủ kỷ luật chính trị của Đảng, kiên quyết chống “kẻ hai mặt”, “phe hai mặt”, làm nghiêm việc “có lệnh phải thi hành”, “có cấm phải dừng”.
Hội nghị yêu cầu nghiêm túc thực hiện 8 quy định của Trung ương và các quy định của đảng bộ, tự giác tăng cường tu dưỡng tính Đảng, tự giác tiếp nhận giáo dục, quản lý và giám sát của Đảng, không cầu tư lợi, không cầu hưởng thụ, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Phát huy tinh thần cống hiến vô tư, luôn biết ơn đối với tổ chức và nhân dân, luôn luôn giữ gìn bản sắc chính trị “phấn đấu gian khổ”, luôn kiên trì tinh thần của người cộng sản.
Hội nghị còn yêu cầu luôn biết lo từ khi chưa nguy, tăng cường trách nhiệm, thực thi pháp luật công bằng, kỷ luật nghiêm minh, phòng ngừa chặt chẽ “các hoạt động gây rối, phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch”, mạnh mẽ tấn công các loại hoạt động phạm tội, hóa giải mọi mâu thuẫn xã hội, tiếp tục tăng cường và đổi mới quản lý xã hội, thúc đẩy xây dựng công an “trí tuệ” và cải cách cơ quan công an, trung thành với sứ mệnh trong thời đại mới, kiên quyết bảo vệ an ninh chính trị quốc gia và ổn định đại cục xã hội.
Theo nội dung hội nghị của Đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc sẽ thấy rõ Mạnh Hoằng Vĩ có liên quan đến Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc.
Ngoài ra, nhiều nguồn tin từ Hồng Kông và Mỹ cũng cho rằng, Mạnh Hoằng Vĩ có liên quan đến vụ án của Chu Vĩnh Khang cũng như nhiều chuyện “thâm cung bí sử” khác. Ít nhất là sau khi Chu Vĩnh Khang làm Bộ trưởng Công an vào tháng 3/2003 thì Mạnh Hoằng Vĩ được lên làm Thứ trưởng Công an vào tháng 4/2004, trở thành một trong những “tay chân” chủ chốt của Chu Vĩnh Khang.
Sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang ngã ngựa, kéo theo nhiều quan chức dưới quyền ông ta bị điều tra như Thứ trưởng Lý Đông Sinh, Thứ trưởng thường trực Dương Hoán Ninh, Chủ nhiệm chính trị Hạ Sùng Nguyên; các Thứ trưởng khác như Phó Chính Hoa, Hoàng Minh cũng bị điều chuyển.
Cuối năm 2017, Mạnh Hoằng Vĩ bất ngờ bị miễn chức Phó cục trưởng Cục hải dương quốc gia Trung Quốc và Cục trưởng Cục hải cảnh Trung Quốc. Đến tháng 4/2018, ông này lại bị miễn chức ủy viên Đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc.
Đồng thời, vài năm gần đây, ông Mạnh Hoằng Vĩ liên tục vắng mặt ở các hội nghị cấp cao của Bộ Công an Trung Quốc. Đã có nhiều tin đồn tiêu cực về “đường làm quan” của Mạnh Hoằng Vĩ đã rộ lên tại Trung Quốc.
Ông Kim Jong-yang trở thành quyền Chủ tịch Interpol. Ảnh: Sina. |
Hiện nay, do Mạnh Hoằng Vĩ đã từ chức Chủ tịch Interpol, Phó chủ tịch Interpol người Hàn Quốc là ông Kim Jong-yang sẽ làm quyền Chủ tịch tổ chức này. Từ ngày 18 - 21/11/2018, Đại hội Interpol sẽ được tổ chức ở Dubai, UAE, khi đó đại hội sẽ bầu ra Chủ tịch mới.
Interpol có trụ sở ở Lyon, Pháp. Căn cứ vào điều lệ của Interpol, cơ quan Interpol bao gồm đại hội toàn thể thành viên, ủy ban điều hành, ban thư ký, văn phòng các nước thành viên và cố vấn. Trong đó, đại hội toàn thể thành viên là cơ quan quyền lực cao nhất của tổ chức này, gồm đại biểu các nước thành viên, từ đó lựa chọn ra Chủ tịch và 3 Phó chủ tịch của Interpol.
Chủ tịch Interpol chủ yếu có 3 chức năng: Chủ trì đại hội và các hội nghị của ủy ban điều hành và chỉ đạo mọi người thảo luận; bảo đảm hoạt động của tổ chức này phù hợp với nghị quyết của đại hội toàn thể và ủy ban điều hành; nỗ lực duy trì liên hệ trực tiếp và thường xuyên với Tổng thư ký của tổ chức này.
Trong khi đó, cơ quan thực thi của Interpol là Ban thư ký, phụ trách thực hiện các nghị quyết của đại hội toàn thể và ủy ban điều hành, đảm nhận vai trò trung tâm quốc tế đấu tranh với tội phạm, trung tâm kỹ thuật và tình báo, đồng thời bảo đảm cho Interpol tiến hành công tác hành chính có hiệu quả. Ban thư ký chịu trách nhiệm với ủy ban điều hành và đại hội toàn thể, do ủy ban điều hành đề cử, được đại hội toàn thể phê chuẩn, nhiệm kỳ 5 năm, có thể tái cử, tái nhiệm.
Có thể nói, “đầu tàu” thực sự của Interpol là Tổng thư ký, chứ không phải Chủ tịch. Tổng thư ký Interpol hiện tại là Jurgen Stock, người Đức, từng giữ chức Phó giám đốc Cơ quan cảnh sát hình sự Liên bang Đức giai đoạn 2004 - 2014.
ĐÔNG PHONG (Theo Xinhuanet, Caixin, Sina, Epochtimes)