Theo tin tức trên cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Hà Tĩnh, phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an, Cục Cảnh sát hình sự, Cơ quan đại diện Bộ Công an tại Campuchia (AC5), lực lượng Cảnh sát các nước Philippines, Campuchia, Đồn biên phòng Cửa khẩu Mộc Bài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ 30 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia.
Đồng thời, phối hợp với Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Nội Bài, lực lượng chức năng đã bắt giữ thêm 26 đối tượng khi các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam.
Đây là đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin (BTC) trên ứng dụng UNISAT và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok, hoạt động tinh vi, xuyên quốc gia, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhiều nạn nhân.
Một số nghi phạm bị nhà chức trách bắt giữ. (Ảnh: Công an tỉnh Hà Tĩnh)
Theo tài liệu, chứng cứ điều tra, trong số các đối tượng cầm đầu, Nguyễn Thế Anh (SN 1996, trú tại Yên Bái) tham gia tổ chức lừa đảo tại Philippines từ tháng 4/2023. Nguyễn Thế Anh giữ vai trò quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động lừa đảo của hơn 80 người Việt Nam dưới sự chỉ đạo của chủ người Trung Quốc. Đối tượng trực tiếp quản lý các tổ trưởng, hướng dẫn nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo, cấp máy tính, điện thoại, tài khoản Facebook ảo cho các tổ lừa đảo sử dụng.
Nguyễn Thế Anh cũng chịu trách nhiệm giám sát giờ giấc làm việc, điểm danh nhân viên, kiểm tra hiệu suất và xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, khi có nhân viên mới, đối tượng này sẽ cung cấp các “kịch bản lừa đảo” chi tiết bằng văn bản để nhân viên học thuộc, thực hành lừa đảo người Việt Nam. Đồng thời, Nguyễn Thế Anh còn chịu trách nhiệm quản lý doanh số của nhóm dưới quyền, đảm bảo lợi nhuận từ hoạt động phạm pháp.
Nghi can Thế Anh tại cơ quan điều tra. (Ảnh: VnExpress)
Cơ quan công an cũng đã bóc gỡ một mắt xích quan trọng trong hệ thống này – bộ phận kỹ thuật viên, chuyên trách "nuôi Facebook" để phục vụ toàn bộ đường dây lừa đảo. Nguyễn Văn Đồng (SN 2000, trú tại thôn Nhân Lý, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) là đối tượng nằm trong mắt xích, tham gia tổ chức lừa đảo từ tháng 7/2023, được chủ người Trung Quốc giao nhiệm vụ quản lý và vận hành hàng trăm tài khoản Facebook ảo.
Nguyễn Văn Đồng chịu trách nhiệm tiếp quản các ID tài khoản Facebook mua lại, chiếm quyền đăng nhập và chuyển đổi thành tài khoản lừa đảo, giao cho nhân viên sử dụng. Khi các tài khoản bị khóa do chính sách của Facebook hoặc lỗi hệ thống, Đồng có nhiệm vụ phục hồi, sửa chữa giao diện và bài đăng để đảm bảo các tài khoản mới trông giống hệt tài khoản cũ, giúp quá trình lừa đảo không bị gián đoạn.
Đối với bộ phận nhân viên trực tiếp sử dụng các tài khoản ảo để tiếp cận nạn nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Quang Phương (SN 1995, trú tại Bắc Giang) trong vỏ bọc "doanh nhân thành đạt" trên nền tảng facebook. Theo lời khai, Phương gia nhập tổ chức lừa đảo từ đầu năm 2024, xuất cảnh từ sân bay Tân Sơn Nhất đến thủ đô Manila, Philippines. Tại đây, đối tượng Phương được chủ người Trung Quốc chỉ đạo cho quản lý người Việt Nam đào tạo, hướng dẫn các kịch bản lừa đảo chi tiết.
Phương sử dụng các tài khoản Facebook ảo, khoác lên mình vỏ bọc doanh nhân thành đạt để tiếp cận những người phụ nữ trung niên Việt Nam – thường là những người đơn thân, thiếu thốn tình cảm.
Theo kịch bản đã được đào tạo, Phương áp dụng kịch bản "7 ngày xây dựng lòng tin", từng bước thiết lập mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Khi đã chiếm được sự tin tưởng, đối tượng chia sẻ "bí quyết thành công" của bản thân, thuyết phục nạn nhân cùng đầu tư Bitcoin (BTC) trên sàn UNISAT với lời hứa hẹn về một tương lai tươi đẹp.
Với lời hứa hẹn "Cùng nhau hướng đến tương lai" được Nguyễn Quang Phương sử dụng như một mồi nhử, khiến nạn nhân tin rằng họ đang không chỉ đầu tư tài chính mà còn bước vào một mối quan hệ tình cảm nghiêm túc, bền vững.
Ban đầu, Phương dụ dỗ nạn nhân đầu tư số tiền nhỏ và cho phép rút lợi nhuận đến 30% để tạo sự tin tưởng. Khi nạn nhân tiếp tục rót tiền vào hệ thống, đường dây lừa đảo sẽ đưa họ vào danh sách theo dõi diễn biến tâm lý.
Nếu nạn nhân có dấu hiệu nghi ngờ hoặc không còn khả năng đầu tư, tổ chức lừa đảo này sẽ tiến hành "giết khách" – tức là chặn liên lạc, khóa tài khoản giao dịch, chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nạn nhân rồi biến mất.
Trong đường dây này, Bùi Quang Minh được xác định làm việc tại vị trí nhân viên ở khâu thứ 3 - "thầy giết khách".
Cơ quan công an làm việc với đối tượng Bùi Quang Minh - thành viên trong mắt xích lừa đảo làm nhiệm vụ Tiktok. (Ảnh: Công an tỉnh Hà Tĩnh)
Dân trí thông tin, đối tượng Minh khai, công việc của mình là tiếp tục mời gọi khách hàng đầu tư hàng chục triệu đồng vào sàn thương mại điện tử, thực tế là trang web ảo. Đến khi khách hết khả năng đầu tư, Minh sẽ báo cáo cho quản lý.
Quản lý sẽ đề nghị đội kỹ thuật của công ty làm lỗi hệ thống, lỗi tài khoản, sau đó cử Minh liên hệ với khách, hướng dẫn nạp thêm tiền để khắc phục. Khắc phục xong, Minh và đồng bọn lại bịa ra các lý do như cần nạp tiền để đóng thuế sản phẩm và mời gọi đầu tư thêm.
Nạn nhân vì muốn lấy lại tiền đã đầu tư từ những lần trước nên buộc phải làm theo. Đến khi khách hàng hết khả năng, Minh và đồng bọn sẽ báo cáo quản lý. Cấp trên sẽ chỉ đạo Minh "giết khách" bằng cách chặn liên lạc hoặc xóa tài khoản khách ra khỏi nhóm đầu tư.
Đối tượng Minh cũng khai rằng vào tháng 12/2023, anh ta nhận được lời mời qua Philipines làm việc. Sau đó, Minh liên hệ với người môi giới và được hướng dẫn làm thủ tục, đặt vé máy bay sang công ty.
Sau 2 tháng thử việc và tập huấn về kịch bản lừa đảo, anh ta làm việc cho tổ chức này. Với công việc như trên, Minh nhận lương 30 triệu đồng mỗi tháng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố 50 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến hình thức đầu tư tiền điện tử BTC và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok. Vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra.