Vụ bắt 155 đối tượng ở Tam giác vàng: Hàng chục cuốn sổ ghi "kịch bản" lừa đảo
Công an "đột kích" sào huyệt tại đặc khu Tam giác vàng, bắt 155 đối tượng lừa đảo
Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết các đơn vị nghiệp vụ của đơn vị này vừa phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm mua bán người (Bộ Công an), Công an Lào và các đơn vị liên quan bắt giữ 155 nghi phạm người Việt Nam đang hoạt động tại khu Tam giác vàng (Lào) để điều tra các hành vi liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng.
Nhằm phục vụ công tác điều tra và bảo vệ quyền lợi của người bị hại, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh thông báo tìm nạn nhân của đường dây lừa đảo.
Theo đó, các đối tượng trong đường dây lừa đảo bằng phương thức, thủ đoạn là các đối tượng giới thiệu mình là người quen hoặc là cổ đông của tập đoàn OYO kinh doanh về lĩnh vực khách sạn, chuyên cho thuê phòng khách sạn (khách đặt phòng trên mạng), sau đó rủ bị hại đầu tư kinh doanh phòng khách sạn OYO để hưởng % hoa hồng cao, lợi nhuận theo ngày. Lúc đầu đối tượng sẽ cho bị hại rút tiền để cho bị hại tin tưởng, sau đó khi bị hại nộp vào số tiền lớn, đối tượng sẽ đưa ra nhiều lý do như sai số tài khoản nạp tiền, tài khoản bị khóa... để tiếp tục yêu cầu bị hại chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.
Vậy ai là nạn nhân hoặc có thông tin liên quan đến hoạt động của các đối tượng, vui lòng liên hệ ngay với Thượng úy Nguyễn Hữu Đại, cán bộ phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh, theo số điện thoại: 094 2823388.
Mọi thông tin của người báo sẽ được bảo mật tuyệt đối và được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Văn phòng làm việc, nơi các đối tượng thực hiện lừa đảo. (Ảnh: Công an tỉnh Hà Tĩnh)
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao, thực hiện trên mạng internet là vấn đề đang rất nhức nhối trong thời gian qua.
Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, trên không gian mạng có liên quan đến người Việt Nam, tài sản bị mất có nguồn gốc ở Việt Nam, nạn nhân là người Việt Nam thì đều thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam.
Dù các đối tượng ở nước ngoài, là người nước ngoài nhưng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nạn nhân là người Việt Nam, tiền của người bị hại chuyển đi từ Việt Nam thì sẽ áp dụng quy định của bộ luật hình sự Việt Nam để xử lý.
Theo đó hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng bỏ chạy theo hướng cầu thang bộ, ban công. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)
Luật sư Cường phân tích thêm, với các đối tượng chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực, có vai trò chỉ đạo sai khiến, ép buộc các đối tượng khác phạm tội, thu lợi bất chính lớn chỉ cần phải có hình phạt nghiêm khắc, có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Toàn bộ các tài sản do phạm tội mà có, có nguồn gốc từ tội phạm đều phải được tịch thu để xử lý theo quy định của pháp luật, trả lại tiền cho người bị hại.
Do vậy, những ai bị các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng, có liên quan đối với các đối tượng này cần trình báo sự việc với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin để được xác định là người bị hại trong vụ án này.
Người bị hại có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, có quyền đề nghị mức hình phạt đối với các đối tượng gây án, đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, các biện pháp ngăn chặn để tránh việc tẩu tán tài sản.