Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin bệnh viện Đa khoa Nam Định bị phản ánh từ chối cấp cứu bệnh nhi vì chưa đóng đủ viện phí. Sự việc khiến nhiều người phẫn nộ, đặt dấu hỏi lớn về đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các bác sĩ đang công tác trực tiếp trong lĩnh vực này, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đúng – sai, mà còn chất chứa nhiều nỗi niềm, áp lực và khoảng trống trong chính sách.
Buồn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh
Chia sẻ với PV Đời sống và Pháp luật, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, bác sĩ Nhi khoa cho biết anh không đứng về phía ai trong sự việc, vì có thể đây là lỗi trong giao tiếp giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân, hoặc là sự truyền đạt chưa phù hợp khiến cảm xúc bị đẩy lên cao trào. Theo bác sĩ, chúng ta nên chờ kết luận điều tra chính thức, nhưng dù thế nào thì câu chuyện cũng để lại hệ lụy lâu dài.
“Điều khiến tôi buồn nhất là phản ứng dữ dội từ cộng đồng. Khi ba bác sĩ và hai điều dưỡng bị đình chỉ để xác minh, làm rõ. Đó là một tổn thương tinh thần rất lớn đối với đồng nghiệp của tôi, và nó có thể ám ảnh họ suốt đời. Đồng thời, gia đình bệnh nhi cũng sẽ mang theo một vết xước trong cảm nhận về những người làm nghề y”, bác sĩ Sang trải lòng.
Vụ bác sĩ bị “tố” yêu cầu đóng đủ tiền mới cấp cứu đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây
Bác sĩ Sang cho biết, là một người làm nghề, anh chỉ mong mỗi ngày được đến bệnh viện, khám bệnh, làm đúng chuyên môn rồi trở về sống cuộc sống bình thường. Nhưng thực tế, bác sĩ đang phải làm nhiều việc ngoài chuyên môn những điều họ không được đào tạo và điều đó tạo nên áp lực vô hình.
Anh cũng bày tỏ hy vọng rằng, từ vụ việc này, sẽ có những thay đổi trong chính sách, để đội ngũ y tế có thể tập trung vào công việc chuyên môn cao nhất, không còn phải lo lắng về những tình huống như bệnh nhân trốn viện, bạo hành y bác sĩ, hay quy trình hành chính máy móc.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang
Không nên đẩy vụ việc đi quá xa?
Đồng quan điểm, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ Quốc tế, Bệnh viện đa khoa Phương Đông cho rằng vụ việc đang bị đẩy đi quá xa và chia sẻ ba khía cạnh cần được nhìn nhận một cách tỉnh táo:
Thứ nhất, đoạn clip được lan truyền trên mạng chỉ kéo dài vài giây, không phản ánh đầy đủ toàn cảnh sự việc.
Thứ hai, dư luận đang tập trung quá trong việc chỉ trích nhân viên y tế, trong khi người gây tai nạn gần như đã bị lãng quên.
Thứ ba, quy trình tại nhiều bệnh viện hiện nay đang bất hợp lý. Việc nhắc người nhà đóng tiền là nhiệm vụ của kế toán hoặc hành chính, nhưng bác sĩ hiện nay đang đôi khi làm thay việc này.
Bác sĩ Mạnh nhấn mạnh: “Tôi không bênh vực những phát ngôn thiếu chuẩn mực vì chính điều đó là mồi lửa gây bức xúc. Nếu nhân viên y tế sai, kể cả về cách ứng xử, họ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, dư luận cũng cần tỉnh táo, không nên đẩy người trong cuộc vào đường cùng bằng những lời kêu gọi công khai danh tính, sa thải… như trên mạng xã hội”.
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ Quốc tế, Bệnh viện đa khoa Phương Đông
Bác sĩ Mạnh cho biết thêm, thực tế bệnh nhi vẫn được chụp chiếu trước khi chuyển viện, và gia đình bệnh nhi cũng không có phản ứng gì tại thời điểm đó. Điều quan trọng là tạo điều kiện để người làm sai nhận lỗi, sửa sai và tiếp tục công việc, thay vì dập tắt sự nghiệp của họ.
So sánh với hệ thống y tế tại Pháp nơi bác sĩ Mạnh từng học tập, anh chia sẻ rằng bác sĩ cấp cứu là người có thu nhập cao nhất ngành y, và các khoa cấp cứu thường do những giáo sư giàu kinh nghiệm đảm nhận.
Trái lại, ở Việt Nam, đâythường là nơi các bác sĩ trẻ mới ra trường được phân công đến để "rèn luyện", với mức lương và phụ cấp thấp do không làm dịch vụ.
“Ngành y cần thay đổi cách đối xử với bác sĩ cấp cứu, những người đang gánh vác phần việc nặng nề nhất trong hệ thống y tế”, bác sĩ Mạnh nêu quan điểm cá nhân.