Theo nhận định của luật sư, đối tượng chém 5 người trong gia đình em ruột thương vong có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất của tội giết người đó là tử hình.
Hiện trường xảy ra vụ việc 5 người bị truy sát ở Đan Phượng. |
Sáng 1/9, tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng khiến 5 người thương vong. Nghi phạm được xác định là ông Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú xã Hồng Hà, huyện Đan Phương, Hà Nội). Nghi Nguyễn Văn Đông đã bị công an bắt giữ để thực hiện công tác điều tra.
Trao đổi với báo Đời sống & Pháp luật dưới góc độ pháp lý, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi của đối tượng Nguyễn Văn Đông thể hiện sự tàn ác, dã man, thực hiện tội phạm đến cùng, gây hoang mang căm phẫn trong xã hội và gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại.
Hành vi của các đối tượng phạm tội thể hiện không còn tính người. Dư luận cả nước đã rất căm phẫn trước hành vi của các đối tượng đã gây ra và mong muốn phải trừng trị nghiêm khắc nhất đối tượng phạm tội.
Từ những tình tiết của vụ việc, luật sư Vinh cho biết, đối tượng Nguyễn Văn Đông có hành vi chém 5 người trong gia đình em ruột tại Hà Nội khiến 4 người tử vong có thể bị xử lý về tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết hoặc chấm dứt sự sống. Hành vi này được thể hiện bằng hành động hoặc có thể giới hạn dưới dạng không hành động. Đối tượng thực hiện hành vi tước đoạt mạng sống của người khác sẽ phải đối diện với những hình phạt do pháp luật quy định. Mức độ chịu trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào kết quả của cơ quan điều tra, luật sưNghiêm Quang Vinh phân tích.
Đối với án mạng nghiêm trọng này, cơ quan điều tra cần phải làm rõ những yếu tố cấu thành tội phạm như lỗi của những người liên quan đến vụ việc, hành vi được thực hiện với hình thức như thế nào và nhằm mục đích gì, hậu quả tội phạm gây ra.
Theo quan điểm của luật sư Vinh, hành vi của nghi can Nguyễn Văn Đông có thể bị xử lý theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Bởi, hành vi của Đông thể hiện sự dã man, hậu quả khiến 4 người trong gia đình tử vong.
Hơn nữa, nạn nhân mà nghi can Đông sát hại lại chính là những người thân trong gia đình, thể hiện tính hung hăng cao độ, coi thường tính mạng của người khác. Đây là một tình tiết tăng nặng tội phạm.
Như đã đưa tin trước đó, vụ án mạng nghiêm trọng khiến 5 người thương vong xảy ra tại huyện Đan Phượng. Nghi phạm được xác định là ông Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú xã Hồng Hà, huyện Đan Phương, Hà Nội). Ông Đông vác dao sang truy sát cả gia đình người em ruột ở cụm 2. Vụ việc khiến ông Nguyễn Văn Hải (SN 1968); chị Nguyễn Thị Bắc (SN 1988, con gái ông Hải) tử vong tại chỗ. Bà Doãn Thị Việt (SN 1970, vợ ông Hải), con dâu ông Hải là Đỗ Thị Nhung (SN 1995) và cháu gái ông Hải là Nguyễn Huyền M. (SN 2018) được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên vì vết thương nặng nên bà Việt cùng cháu M. đã tử vong.
Một nhân chứng chứng kiến vụ việc cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, 2 bên không có cãi nhau, Ông Đông cầm dao sang chém cả nhà ông Hải rồi bỏ về. Khi hàng xóm phát hiện vụ việc đã đưa các nạn nhân đi cấp cứu, lúc này ông Đông tiếp tục truy sát cho đến khi các nạn nhân nằm bất tỉnh.
Đến chiều cùng ngày, đã có thêm 2 nạn nhân tử vong. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 về Tội giết người: 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. |
Dạ Hoa