Tối 19/3, các chuyên gia hồi sức, chống độc của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang làm nhiệm vụ hỗ trợ điều trị ngộ độc botulinum tại Quảng Nam đã cập nhật thông tin về tình hình sức khỏe của các bệnh nhân. Trong đó, có 3 trường hợp đã được truyền thuốc giải độc BAT (có giá nhập khẩu 8.000 USD/lọ).
Tối 18/3, bệnh nhân H.V.Đ. (57 tuổi, ngụ Phước Kim, Phước Sơn, Quảng Nam) vẫn còn lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, phải thở máy và không có nhịp tự thở. Bệnh nhân được truyền BAT lúc 20h cùng ngày, kéo dài trong một giờ đồng hồ.
Đến hơn 10h ngày 19/3, bệnh nhân đã trong trạng thái nghe được lời bác sĩ nói, thực hiện được y lệnh chậm, sức cơ tứ chi 2/5. Bệnh nhân đã có nhịp tự thở yếu.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân H.V.Đ. (26 tuổi, ngụ Phước Kim, Phước Sơn, Quảng Nam). Trước đó, bệnh nhân tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, sức cơ 2/5, suy hô hấp phải thở máy, có nhịp tự thở rất yếu. Bệnh nhân cũng được truyền BAT khoảng 20-21h ngày 18/3.
Đến nay bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh, sức cơ tứ chi hồi phục 4/5, có nhịp tự thở khá hơn. Bác sĩ đánh giá, đây là trường hợp cải thiện tốt và có khả năng khởi động cai máy thở.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia điều trị cho các bệnh nhân vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua. Ảnh: Thanh niên.
Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân H.T.T. (37 tuổi, ngụ Phước Tánh, Phước Sơn, Quảng Nam), đến tối 18/3 vẫn tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, sức cơ chỉ 1-2/5, suy hô hấp, thở máy và có nhịp tự thở rất yếu. Bệnh nhân này còn bị rối loạn nhịp tim chậm, được đặt máy tạo nhịp.
Sau truyền BAT, sáng nay bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh. Sức cơ tứ chi bệnh nhân phục hồi 4/5, có nhịp tự thở khá hơn và đã giảm ngưỡng kích máy tạo nhịp.
"Đây là bệnh nhân bị ngộ độc nặng thứ hai, có cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc và có khả năng khởi động cai máy thở trong 1-2 ngày tới. Tiên lượng bệnh nhân khá", bác sĩ điều trị thông tin với Dân trí.
Hai trường hợp còn lại đang điều trị là bệnh nhân H.T.M. (24 tuổi) và H.T.C. (12 tuổi, cùng ngụ Phước Kim, Phước Sơn, Quảng Nam), ngộ độc botulinum mức độ nhẹ, không có chỉ định truyền BAT. Qua thời gian điều trị tích cực, cả hai bệnh nhân hiện tỉnh, sinh hiệu ổn, sức cơ tứ chi gần như hồi phục hoàn toàn. 2 bệnh nhân này được đề nghị rút sonde tiểu, tập vận động tại giường.
Trước đó, ngày 18/3, nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn cho các ca bệnh ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ngay lập tức tổ chức buổi hội chẩn online cùng bệnh viện.
Thông qua kết quả hội chẩn, các bác sĩ đánh giá khả năng các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum rất cao. Ban lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức gồm TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới; BSCKII Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu; dược sĩ Nguyễn Trọng Lộc (khoa Dược) mang theo 5 lọ thuốc giải độc của Bệnh viện Chợ Rẫy để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Chiều cùng ngày nhóm chuyên gia đã lên đường đến Quảng Nam.
Tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam, ê kíp của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành điều tra dịch tễ và đánh giá có 3 chùm ca bệnh tổng cộng 10 người có khả năng bị ngộ độc Botulinum cao. Trong đó, 1 bệnh nhân tử vong, 4 bệnh nhân nhẹ hơn đang hồi phục, 5 bệnh nhân nặng với tình trạng sức khỏe như trên, theo Thanh niên.
Linh Chi (T/h)