Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhiều người ngộ độc sau ăn cá chép ủ chua, Sở Y tế Quảng Nam cảnh báo "nóng"

(DS&PL) -

Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương, đặc biệt là vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo Sài Gòn giải phóng, ngày 19/3, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã có công văn về việc tăng cường biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm trước nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc khi người dân có thói quen sử dụng thức ăn truyền thống như thực phẩm lên men.

Theo đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương, đặc biệt là vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sở Y tế Quảng Nam cũng đề nghị người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua, thay vào đó nên tiêu hủy cá ủ chua nếu còn tại gia đình. Người dân cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép ủ chua. Đặc biệt, người dân cần tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

Sở yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến các vụ ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trường hợp có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên. Đồng thời phối hợp với Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh và các đơn vị chức năng xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc để công khai kết quả kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, thuốc men, phối hợp hội chẩn từ xa, tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến để điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối thiểu trường hợp diễn biến nặng, tử vong xảy ra.

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế trên toàn tỉnh nhanh chóng báo cáo về Sở Y tế khi các bệnh nhân đến khám, điều trị do nghi ngờ liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm để cơ quan chức năng tổ chức điều tra. Thực hiện lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm (nếu có) gửi Viện Pasteur Nha Trang hoặc các Viện chuyên ngành để xác định nguyên nhân, chỉ đạo xử lý và điều trị kịp thời.

Các bệnh nhân bị ngộ độc được điều trị tích cực. Ảnh: Thanh niên

Theo tờ Thanh Niên, trước đó, khoảng 12h ngày 16/3, nhóm 5 người ăn trưa tại rẫy keo của gia đình anh H.V.Đ (29 tuổi, ở thôn 2, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Các món ăn gồm cá chép ủ chua, chim nướng, cơm.

Đến 19h cùng ngày, người đầu tiên trong 5 người ăn có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Sau đó, 3 người khác cũng mắc triệu chứng tương tự. Trong 5 người cùng ăn trưa, 1 người không ăn món cá làm chua thì không bị ngộ độc.

Các bệnh nhân được Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam cấp cứu. Sau khi chẩn đoán và làm các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ nhận định các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.

Sau khi xảy ra các vụ ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm an toàn viện sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.

Theo tờ Tuổi Trẻ, Đến nay sau khi điều tra dịch tễ, chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam xác định cả 3 chùm ca bệnh (10 người) đều cùng ăn một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua, một món ăn quen thuộc với người dân ở khu vực này.

Trong quá trình chế biến, loại thức ăn này còn bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2 - 3 tuần mới lấy ra ăn (tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển).

Kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện cũng xác định trong món ăn này có chứa clostridium type E (+). Từ đó, có thể khẳng định các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum.

Hiện Việt Nam chỉ còn 5 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc tố Clostridium botulinum ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Cả 5 lọ thuốc này cũng vừa được chuyển ra Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam giải độc cho bệnh nhân.

Hoa Vũ (T/h)

Tin nổi bật