Ngày 13/12, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo trong vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "rửa tiền" tiếp tục làm việc với các bị hại.
Tòa xét hỏi các bị hại ở 10 dự án gồm: Alibaba Center Town, Alibaba Tóc Tiên Residence 3, Alibaba Tân Thành Center City, Alibaba Tân Thành Center City 6, Alibaba Tân Thành Homy City, Alibaba Tân Thành Center City 7, Ali Aqua Nhơn Trạch, Alibaba Phước Bình Central Park 3, Alibaba Tóc Tiên Residence, Alibaba Phước Bình Golf.
Lao động thông tin, là một trong những người cuối cùng được tòa gọi lên xét hỏi, ông V.V. Đ (74 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, con trai ông là anh V.V.D. (nạn nhân trong vụ án) đã mất cách đây 42 ngày, trước đó có đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng vào các dự án của Công ty Alibaba.
Ông V.V.Đ. tại tòa. (Ảnh: Lao động)
Theo ông Đ., từ tháng 3 đến tháng 6/2019, con trai ông đã kí 8 hợp đồng quyền chọn với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng với công ty Alibaba với cam kết lợi nhuận là 30% sau 12 tháng. Đây là tiền anh đã tiết kiệm trong hơn 20 năm làm công nhân lái máy xúc.
Tuy nhiên, chưa kịp hưởng đồng lãi nào, vào tháng 9/2019, vụ Alibaba bị khởi tố. 5 tháng kể từ khi Nguyễn Thái Luyện bị bắt, anh D. phát hiện bị suy thận với những biến chứng nguy hiểm, bệnh ngày càng trở nặng và qua đời sau đó.
"Để chữa bệnh cho anh D., gia đình dốc hết tiền bạc, đi vay mượn, số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng nhưng cũng không giữ được mạng sống cho con", ông V.V. Đ chia sẻ.
Ông Đ.cho biết, từ lúc vụ án bị khởi tố, con trai ông suy sụp, trở bệnh nặng và qua đời. Cũng chỉ vì ham lợi nhuận của việc mua đi bán lại và bị nhiều người rủ rê mà bây giờ con trai ông Đ. và gia đình phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện. (Ảnh: NLĐ)
Ông Đ. đề nghị: "Họ làm sai thì đã có luật pháp và pháp luật xử đến đâu, mình được hưởng đến đâu, còn lại bao nhiêu thì tôi nghĩ rằng, họ cũng không sung sướng gì trong suốt cuộc đời còn lại của họ. Khi họ làm cho bao nhiêu gia đình đau khổ. Nhà nước cố gắng thu hồi tài sản nếu còn của Công ty Alibaba được bao nhiêu thì đem ra để trả cho khách hàng là đúng nhất, dù số tiền bồi thường đó được bao nhiêu phần trăm".
VOV cập nhật diễn biến phiên xử cho hay, hầu hết các bị hại đều yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền đã ký hợp đồng mua đất của Công ty Alibaba. Một số khác mong lấy lại phần đất đã mua hoặc trả tiền mua cộng lãi suất theo ngân hàng. Nhiều bị hại cũng xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong vụ án.
Sau khi kết thúc phần trình bày của các bị hại có mặt tại phiên tòa, HĐXX thông báo phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi vào sáng 15/12.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM xác định, bị cáo Nguyễn Thái Luyện là người chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma”.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Toàn bộ dự án dân cư được tự vẽ trái phép mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng.
Do đó, đây không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa 4.500 người với số tiền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng.
Việt Hương (T/h)