Nỗi đau của các nạn nhân chịu oan sai không chỉ trong 4 năm bị bắt giam, mà nó kéo dài, dai dẳng hơn 40 năm qua. Đó là nỗi đau về tinh thần, danh dự và nhân phẩm mà họ và gia đình phải gánh chịu.
Theo hồ sơ vụ án, tối 26/7/1979, nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh xảy ra vụ cướp 5 chỉ vàng. Từ tin báo của nạn nhân, công an vào cuộc điều tra, bắt giữ Nguyễn Văn Dũng (“Dũng lớn”, SN 1957, khi đó 22 tuổi) cùng 7 người khác trong gia đình, gồm: Ông Nguyễn Thành Nghị (SN 1918, đã mất), bà Võ Thị Thương (SN 1925), ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Lan và ông Nguyễn Văn Dũng (“Dũng nhỏ”, SN 1961).
Ngay sau đó, tất cả 8 anh em họ bị khởi tố, truy tố tội Cướp tài sản riêng công dân theo Điều 6, Sắc luật 03 ngày 15/3/1976 của Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam.
Đến năm 1983, sau hơn 45 tháng bị tạm giam, cả 8 người bị bắt giam lần lượt được thả. Ông Dũng thời điểm đó là chiến sĩ bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia nghỉ phép về thăm nhà cũng bị bắt.
Những người bị oan sai nhận quyết định đình chỉ điều tra tại VKS tỉnh Tây Ninh hồi tháng 4 |
Tháng 1/2018, sau gần 40 năm bị bắt, ông Dũng nhận được quyết định đình chỉ điều tra, 7 người còn lại vẫn mang “thân phận bị can”. Riêng ông Nguyễn Thành Nghị đã mất 6 năm trước.
Ông Dũng sau đó kiện đòi bồi thường oan sai. Tháng 11/2018, TAND Tây Ninh tuyên buộc VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường cho ông Dũng 615 triệu đồng.
Ông Dũng chia sẻ trong đắng cay: “Với tôi, số tiền trên chẳng thể bù đắp được những tổn thất, mất mát về tinh thần. Đặc biệt là tôi mất đi quyền công dân, luôn phải sống trong cảnh “cúi đầu”, lầm lũi không dám ngước mặt nhìn ai. Khi vụ án xảy ra, trong mắt mọi người tôi là một người đào ngũ, ăn cướp, nên cả gia đình trong đó cả vợ và con rất xấu hổ, tủi nhục, phải đi nhiều nơi làm thuê kiếm sống”.
“Ngoài tôi ra, còn 7 anh chị nữa vẫn đang mang thân phận “bị can”, trong đó có anh Nghị đã mất. Liệu họ có được minh oan và lấy gì để bù đắp được những tổn thất họ đã gánh chịu. Anh tôi dưới suối vàng có được thanh thản hay không”, ông Dũng ngậm ngùi nói.
Với 8 người bị oan, nỗi đau của họ không chỉ trong 4 năm bị bắt giam, mà nó kéo dài, dai dẳng hơn 40 năm qua. Đó là nỗi đau về tinh thần, danh dự và nhân phẩm của 8 con người, 8 công dân cùng gia đình phải gánh chịu.
Ngày 31/10/2019, VKSND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức buổi xin lỗi công khai 7 nạn nhân trong một gia đình bị oan sai suốt 40 năm.
Những người bị oan sai được xin lỗi, gồm: Ông Nguyễn Thành Nghị (đã mất), bà Võ Thị Thương, ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Lan và ông Nguyễn Văn Dũng (“Dũng nhỏ”). Tại buổi xin lỗi công khai, thay mặt cơ quan KKSND tỉnh, ông Nguyễn Văn Dựa, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh đã xin lỗi các nạn nhân bị oan.
Ông Dựa nói: “Vụ án xảy ra cách đây 40 năm, thời điểm vụ án xảy ra các quy định pháp luật còn chưa hoàn thiện nên để xảy ra sự việc đáng tiếc. Trong đó có những thiếu sót trong quá trình thực thi pháp luật, sai sót của cơ quan tố tụng. Cơ quan tố tụng đã dùng nhục hình để buộc nạn nhân phải nhận tội, lập hồ sơ vụ án không khách quan”.
“Thay mặt lãnh đạo VKSND tỉnh Tây Ninh và cơ quan tố tụng trước đây, tôi gửi lời xin lỗi chân thành của ngành kiểm sát Tây Ninh đến với nạn nhân và người dân”, lời xin lỗi của vị đại diện ngành Kiểm sát.
Đại diện VKSND cũng thẳng thắn nhìn nhận vấn đề: “Để xảy ra vụ oan sai này có lỗi của VKSND huyện Trảng Bàng và VKSND tỉnh Tây Ninh trong quá trình thu thập chứng cứ, điều tra. Các nạn nhân bị giam giữ gần 4 năm là quá dài khiến họ bị tổn thương. Điều đau lòng và đáng tiếc, trong các nạn nhân bị bắt giam oan có người không còn sống để kịp nghe lời xin lỗi từ cơ quan tố tụng”.
Những nạn nhân sau khi được nghe lời xin lỗi đều lặng đi, có người đã rơi nước mắt. Thay mặt những nạn nhân, ông Nguyễn Công Trung (người được nạn nhân ủy quyền) tỏ ra tiếc nuối vì việc xin lỗi công khai diễn ra muộn màng.
Trước đó, tháng 4/2019, các nạn nhân oan sai đã được trao quyết định “trả tự do công dân”. Cơ quan công an không chứng minh được hành vi phạm tội của các nạn nhân nên phải thả họ sau 4 năm tạm giam. Tuy nhiên, quyết định về việc đình chỉ vụ án, dù đã có, vẫn không được trao cho bà Thương và các thành viên khác trong gia đình, khiến họ phải sống trong kỳ thị của xã hội. Cầm tờ quyết định trên tay, tất cả nạn nhân bị oan sai cùng người thân đều bất ngờ và ngỡ ngàng khi quyết định đình chỉ điều tra do ông Trịnh Quốc Anh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh ký từ ngày 11/5/1983 nhưng đến nay họ mới được nhận. Trong quyết định đình chỉ điều tra ghi: “Xét đủ bằng chứng, chứng minh các bị can không phạm tội cướp tài sản riêng của công dân.
Như vậy, việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn bắt điều tra nhục hình bắt họ nhận, chớ họ không phạm tội này”. Quyết định 36 năm trước cũng thể hiện việc trả tự do và phục hồi quyền lợi hợp pháp cho những người bị oan sai.
Ông Trung đề xuất VKSND tỉnh Tây Ninh xúc tiến nhanh chóng việc tạm ứng bồi thường oan sai cho các nạn nhân để hỗ trợ đời sống đang gặp nhiều khó khăn. Được biết các nạn nhân yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường số tiền 60 tỷ đồng tổn thất tinh thất và tổn thất thực tế. Hiện, hai bên vẫn chưa thống nhất được số tiền bồi thường.
Trong vụ án oan sai này, các nạn nhân yêu cầu được bồi thường từ 5-12 tỷ đồng, nhưng theo dự tính của VKSND tỉnh Tây Ninh, mỗi người chỉ được nhận số tiền khoảng 800 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Phần lớn các yêu cầu mà các nạn nhân bị oan sai đưa ra đều bị VKSND tỉnh bác bỏ với lý do “không có căn cứ để bồi thường”.
Cụ thể, như trường hợp nạn nhân Nguyễn Văn Dũng, đề nghị số tiền bồi thường thu nhập thực tế trong “40 năm oan sai” bị mất là 7,2 tỷ đồng, nhưng chỉ được tính hơn 415 triệu đồng. Thiệt hại về vật chất do tổn thất sức khỏe là 967 triệu đồng nhưng không được tính, thiệt hại do tổn thất tinh thần hơn 2,2 tỷ đồng nhưng chỉ được tính hơn 543 triệu đồng. Chi phí bồi thường khác là 491 triệu đồng, nhưng chỉ được tính hơn 84 triệu đồng. Ông Dũng chỉ được bồi thường tổng cộng hơn 1 tỷ đồng so với yêu cầu gần 12 tỷ đồng.
Dự thảo của VKSND tỉnh Tây Ninh chỉ tính thiệt hại của nạn nhân trong thời gian nạn nhân bị bắt giam hơn 3 năm, chứ không tính thời gian 36 năm 10 tháng nạn nhân mang thân phận “bị can”.
VKSND tỉnh Tây Ninh viện dẫn việc không tính thời gian hơn 35 năm là làm theo quy định tại điểm b, d, khoản 1, Điều 8 Nghị định 68/2018 ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trong khi đó, 7 nạn nhân khẳng định khoảng thời gian hơn 36 năm họ mang “thân phận bị can” được tính từ ngày 11/5/1983 (thời điểm ra tù) đến ngày 4/4/2019, khi được trao quyết định đình chỉ vụ án. Khoảng thời gian này do chưa được trao quyết định đình chỉ vụ án nên họ vẫn mang “thân phận bị can”, danh dự, nhân phẩm, cuộc sống bị ảnh hưởng, do vậy, cần được bồi thường thỏa đáng.
Hoàng Việt
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 176