Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ 47 giáo viên kêu cứu: Thanh tra vào cuộc, nhà trường sửa sai

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Liên tiếp "bắt" giáo viên ký hợp đồng ngắn hạn trong hàng chục năm, "né" đóng bảo hiểm xã hội, trả lương cho giáo viên không đúng quy định... trường Cao đẳng nghề Bắc Giang đã vị Thanh tra Sở LĐTBXH "sờ gáy".

(ĐSPL) – Liên tiếp "bắt" giáo viên ký hợp đồng ngắn hạn trong hàng chục năm, "né" đóng bảo hiểm xã hội, trả lương cho giáo viên không đúng quy định... trường Cao đẳng nghề Bắc Giang đã vị Thanh tra Sở LĐTBXH "sờ gáy".
Sau khi báo Đời sống và Pháp luật phản ánh về sự việc 47 giáo viên Trường Cao đẳng nghề Bắc Giang kêu cứu vì không được đóng bảo hiểm, không được trả phụ cấp đứng lớp, không được tăng lương và phải ký hàng loạt hợp đồng lao động liên tục trong hàng chục năm trời theo quy định riêng của trường... các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra và tổ chức làm việc trực tiếp với lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Bắc Giang.
Học viên lớp học may, trường Cao đẳng nghề Bắc Giang.
Ngày 16/4, Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Giang đã có thông báo số 53/TTr về kết quả kiểm tra, xác minh đơn của người lao động và các kiến nghị đối với nhà trường theo như báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin.
Kết quả kiểm tra xác minh của Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang (Thanh tra Sở LĐTBXH) cho thấy: Tại thời điểm kiểm tra, nhà trường có giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng (dưới 3 tháng, 3 tháng) với 19 người lao động (được giao kết liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 4/2014), trong đó có 7 lao động có thời gian làm việc tại trường trên 12 tháng, 12 lao động làm việc tại trường chưa hết thời gian 12 tháng.
Đến nay, số lao động này vẫn đang tiếp tục làm việc. Tại hợp đồng lao động, các mục phụ cấp, tiền thưởng, trang bị bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ đào tạo đều ghi là "không".
Cũng theo Thanh tra Sở LĐTBXH Bắc Giang, ngoài 19 người lao động thuộc diện giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng, trường Cao đẳng nghề Bắc Giang còn có sử dụng 27 người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng và được ký liên tục nhiều lần (từ 3 đến 10 lần).
Kết luận của Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang.
Xem xét các bản hợp đồng lao động của nhà trường ký với người lao động thuộc diện này cho thấy, các hợp đồng đều ghi mức lương bậc 1, hệ số lương theo trình độ đào tạo, thang bảng lương như đối với viên chức nhà nước. Một số hợp đồng lao động được giao kết từ năm 2013 không có mục về chế độ nâng bậc, nâng lương.
Từ kết quả kiểm tra, làm việc với lãnh đạo nhà trường, Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang xác định, trong việc giao kết hợp đồng, trả chế độ quyền lợi cho người lao động, nhà trường đã không thực hiện đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, Thanh tra Sở LĐTBXH Bắc Giang yêu cầu phía nhà trường rà soát, thống kê lại các vị trí công việc của 19 lao động đã giao kết hợp đồng lao động dưới 12 tháng, đối với các vị trí công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên không được giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.
Đối với các lao động đã giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng (dưới 3 tháng, 3 tháng) liên tục từ 2 lần trở lên phải chuyển sang loại hợp đồng lao động xác định thời hạn 24 tháng theo quy định tại khoản 2, điều 22 Bộ Luật lao động năm 2012. Yêu cầu nhà trường khi giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Đối với 27 người lao động có hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng đã được ký liên tục nhiều lần (từ 3 lần trở lên) phải chuyển sang loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại khoản 2, điều 22 Bộ Luật lao động năm 2012.
Quyết định xử phạt hành chính đối với Hiệu trưởng nhà trường của Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang.
Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang cũng đã yêu cầu nhà trường phải áp dụng mức lương thấp nhất đối với người lao động bằng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Tại khu vực TP. Bắc Giang, mức lương tối thiểu vùng là 2.100.000 đồng thay vì mức lương 1.250.000 đồng như trước đây.
Ngoài ra, Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang cũng đã có quyết định xử phạt hành chính số tiền 3.500.000 đồng đối với ông Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bắc Giang vì đã không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hiền, Phó chánh Thanh tra, Phụ trách Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang, nếu Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bắc Giang không chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt hành chính này, Thanh tra Sở sẽ đề nghị cưỡng chế thi hành.
Sự bàng quan của Tổng cục Dạy nghề?
Trước đó, với mong muốn tìm hiểu rõ hơn những thông tin liên quan đến sự việc xảy ra ở Trường Cao đẳng nghề Bắc Giang như ở trên (ngày 16/4), phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ đến Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cơ quan quản lý trường Cao đẳng nghề Bắc Giang.
Tại đây, ông Trần Quốc Huy - Chánh Văn phòng Tổng cục Dạy nghề đề nghị phóng để lại giấy giới thiệu công tác cùng các văn bản, đơn thư, bài viết liên quan đến vụ 47 cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng nghề Bắc Giang kêu cứu. Theo ông Huy: “Cơ quan sẽ xem xét các văn bản trên, sau đó sẽ trình lãnh đạo Cục, sau khi có kết quả sẽ giao cho phòng, cán bộ Cục phụ trách trả lời báo chí”.
Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay, Tổng cục Dạy nghề vẫn không có bất cứ phản hồi thông tin gì, mặc dù phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã nhiều lần liên hệ, trao đổi. Điều khiến phóng viên chúng tôi bất ngờ nhất là sự bàng quan của những người có trách nhiệm tại Tổng cục Dạy nghề trước sự kêu cứu khẩn thiết của gần 50 người lao động.
Với cách làm việc này, giả sử, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang thử hỏi số phận của những cán bộ, giáo viên và những sai phạm tại trường Cao đẳng nghề Bắc Giang (đơn vị Tổng cục Quản lý) liệu có được quan tâm, giải quyết?

Tin nổi bật