UBND TP Cà Mau đã thành lập tổ công tác đến xác minh thông tin hơn 300 xác thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải tập kết về nhà máy xử lý rác thải.
Như Thanh Niên đã thông tin, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý có tờ trình UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất cho thai nhi, đồng thời kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc thai nhi theo xe rác vào nhà máy.
Theo nội dung tờ trình, từ khi đi vào hoạt động (năm 2012) đến nay, Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau phát hiện đã phát hiện hơn 300 xác thai nhi. Công ty TNHH Xây dựng - Thương mai - Du lịch Công Lý cho biết nhà máy đã phải thực hiện chôn cất các thai nhi trên trong khuôn viên nhà máy, đến nay quỹ đất đầy, không còn chỗ chôn cất mà hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.
Nơi được Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau thông tin là nơi chôn cất xác thai nhi khi đơn vị này phát hiện. Ảnh: Thanh niên |
Ngày 25/4, ông Phan Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND TP. Cà Mau, cho biết sau lễ 30/4 và 1/5, tổ công tác của TP. Cà Mau sẽ thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải tập kết về nhà máy.
Theo ông Vũ, tổ kiểm tra gồm đại diện Phòng TN-MT, Phòng LĐ-TB-XH, Phòng Y tế và Công an TP.Cà Mau.
"Tổ công tác sẽ đến nghe Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau báo cáo vụ việc cụ thể như thế nào. Cần thiết thì nhà máy phải chỉ nơi chôn cất xác thai nhi để tổ công tác kiểm tra, khai quật để kiểm tra... Khi tổ công tác làm việc xong, có kết luận, mới có bước xử lý tiếp", ông Vũ thông tin thêm.
Được biết, nguồn rác tập kết về nhà máy là từ các huyện (trừ huyện Ngọc Hiển) và TP.Cà Mau.
Theo phía nhà máy, họ chỉ chịu trách nhiệm xử lý rác, còn nguồn gốc các thai nhi lẫn trong rác từ đâu ra thì nhà máy này không nắm được.
Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau thông tin báo chí. Ảnh: Lao Động. |
Trong khi đó, chiều 25/4, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Võ Thành Lợi, Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Cà Mau, cho biết việc này là không thể. Ông Lợi khẳng định quy trình tiếp nhận và xử lý các trường hợp thai lưu đến chấm dứt thai kỳ hoặc những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện rất chặt chẽ và theo đúng quy định.
Cụ thể, nếu phát hiện trường hợp thai lưu, bệnh viện sẽ mời người nhà sản phụ để thông báo tình hình của mẹ và bé. Nếu thân nhân sản phụ có điều kiện đem về chôn cất, bệnh viện sẽ bàn giao thi thể bé, có biên bản xác nhận cụ thể. Trường hợp người nhà không đủ điều kiện chôn cất, bệnh viện sẽ phối hợp với các tổ chức thiện nguyện ở địa phương chôn cất theo đúng quy trình. "Thông thường phía bên các tổ chức sẽ mang về bảo quản và định thời gian cụ thể để chôn cất. Ngày đi chôn, các tổ chức này cũng có điện thoại cho người nhà cùng đi để biết vị trí an nghỉ của bé. Trước giờ quy trình chúng tôi làm rất chặt", ông Lợi nói.
Riêng đối với trường hợp các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có bệnh lý nặng dẫn đến tử vong, bệnh viện sẽ tiến hành mời công an phường đến để lập biên bản. Sau đó bệnh viện cũng tiến hành liên hệ để chôn cất thi thể các bé. "Ở bệnh viện, rác y tế đó dứt khoát là không có bỏ ra ngoài", ông Lợi khẳng định.
Minh Minh (T/h)