Ngoài các dịch vụ cho vay thông qua các công ty tài chính được xem là có lãi suất cao, tại TP.HCM còn nhiều hình thức cho vay “siết cổ” con nợ trên thị trường chợ đen.
“Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 1)
“Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 2)
Sở dĩ những vụ đâm chém tranh giành địa bàn bảo kê “thưa dần” bởi giới giang hồ Sài thành đang “tổng tấn công” sang lĩnh vực tín dụng đen. Hàng loạt các băng nhóm từ miền Bắc đã Nam tiến “lập nghiệp” với vô số chiêu trò cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê đẩy nhiều người vào cảnh cùng đường.
Trong quá trình tìm hiểu về muôn kiểu cho vay tín dụng đen, PV không khỏi “sốc” trước những lời quảng cáo mật ngọt nhưng đem lại “kết cục chết chóc” cho con nợ. Trong vai người vay tiền nóng để giải quyết công việc gia đình, chúng tôi tìm đến Phương (số điện thoại 01863185xxx), một tay cho vay lãi nặng để “cậy nhờ”. Theo lời quảng cáo của Phương, do thời buổi bây giờ đồng tiền mất giá, làm ăn khó khăn, khủng hoảng kinh tế và vật giá leo thang nên phần lớn người dân đều “thiếu trước hụt sau”. “Nay chúng tôi giúp đỡ và chia sẻ những khó khăn qua cách “cho vay nóng” để giúp mọi người vượt qua trong lúc khó khăn, với thủ tục rất đơn giản, chỉ 15 phút là có tiền liền”, Phương nói.
Về hạn mức và cách thức vay, Phương cho biết: “Cho vay từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng, ưu tiên những người cần vay nóng trong ngày. Lưu ý vay nóng là vay tư nhân ở ngoài không phải vay ngân hàng (nhu cầu cần vay kiểu này rất cao, xuống tiền liền trong ngày). Điều kiện vay tiền là phải là người có hộ khẩu gốc ở TP.HCM và CMND gốc (2 loại giấy tờ này sẽ bị người cho vay giữ). Chỉ cần 2 loại giấy tờ đó thôi nhưng bắt buộc phải có người trong nhà đứng ra ký tên”.
Và điều quan trọng nhất mà PV tìm hiểu được là khi vay theo hình thức này, người vay phải mất phí dịch vụ. “Phí dịch vụ là 10% (khách nhận được tiền mới lấy phí). Ví dụ, anh vay 10 triệu đồng thì nhận được 9 triệu đồng”, Phương cho biết.
Thực tế, nhiều người đã phải chịu cảnh này. Anh Nguyễn Ngọc An, ngụ quận 2, TP.HCM cho biết: “Ký nhận vay là 10 triệu đồng nhưng trên thực tế, tôi chỉ được nhận 9 triệu đồng tiền mặt, 1 triệu đồng bị “cắt” lại cho chủ nợ. Mỗi ngày sau đó, đều như vắt chanh, tôi phải trả 200.000 đồng tiền lãi cho số tiền đã vay là 10 triệu đồng. Tính ra, với số tiền thực vay 9 triệu đồng, chúng tôi phải trả tiền lãi lên tới 2/3 số tiền gốc”.
Theo tìm hiểu của PV, thông thường 10% này chỉ là khoản nhỏ trong gói vay nhỏ. Với khoản vay khoảng vài ba chục triệu đồng trở lên, mức phí sẽ tăng lên tương ứng. Để lách luật, ở nhiều điểm cho vay, đặc biệt là các công ty cho vay tài chính, sẽ tính lãi dồn vào các khoản phí này. Điển hình như công ty Cho vay nhanh chỉ đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ từ 7 – 20%/năm để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, trong khi đó, tính chung lại, lãi suất lên tới gần 500%/năm.
Nhân viên tên Thái của công ty cho vay nhanh cho biết: “Nếu anh vay 100 triệu thì lãi suất đang áp dụng bên em là 20%/năm, chưa có phí quản lý khoản vay là 36%/tháng”. Thắc mắc vì sao lại có khoản vay này, Thái nói: “Cũng giống như bảo hiểm cho khoản vay ở các ngân hàng vậy đó, anh vay nhưng chưa rõ khả năng trả nợ của anh thì người ta phải quản lý khoản vay thôi”.
Như vậy, chỉ tính 36%/tháng cho phí quản lý thì khoản vay sẽ có mức lãi là 432%/năm. Chưa kể người vay còn phải trả thêm 20%/năm. Đây là những cái thòng lọng “siết cổ” người vay bất cứ lúc nào.
“Chỉ cần vài ngày không có tiền đóng là lãi mẹ đẻ lãi con, nợ ngập đầu không ngóc lên được. Lúc đó, giang hồ, côn đồ sẽ kéo đến đầy nhà ngay. Nhiều người chỉ bị tạt sơn, mắm tôm, riêng tôi thì bị dằn mặt và hù dọa. Thật là kinh khủng”, ông Nguyễn Huy Khang, ngụ quận 12, TP.HCM cho biết.
"Vòi bach tuộc" tín dụng đen "bức tử" người nghèo: Những vòng “kim cô” đẩy con nợ... đến đường cùng - Hình minh họa |
Lắt léo hình thức cho vay
Bên cạnh việc cho vay bằng hình thức “độc” trên thì dịch vụ cầm đồ có lẽ là phổ biến nhất từ trước tới nay trong các hình thức cho “vay nóng”. Càng ngày, dịch vụ này càng cho thấy sự lắt léo, tinh vi trong cách tính lãi suất để “siết” người vay.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay, tại TP.HCM có hàng ngàn điểm cầm đồ và với nhiều lời quảng cáo có cánh.
Với ý định cầm sổ đỏ để vay nóng 50 triệu đồng, PV tìm đến một tiệm cầm đồ trên đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình, TP.HCM. Nhân viên tiệm cầm đồ này cho biết nếu cầm sổ đỏ, tiệm chỉ cho vay từ 100 triệu đồng trở lên. PV hỏi: “Lãi suất bao nhiêu?”. Người tên Hải cho biết: “Lãi suất cầm sổ là 4%/tháng (tương đương gần 50%/năm), hàng tháng trả cả lãi và gốc”. PV hỏi tiếp: “Trả theo dư nợ giảm dần hay dư nợ ban đầu?”. Hải cho biết: “Theo dư nợ ban đầu, nghĩa là khách hàng cầm sổ thì vẫn phải trả lãi 100 triệu đồng trong suốt thời hạn vay”.
Nếu lãi suất 4% đã được xem là cao trong hoạt động tín dụng đen thì với dịch vụ cầm đồ, con số này vẫn được cho là “khiêm tốn”. Bởi có những nơi, cầm đồ với lãi suất lên tới trên 8%/tháng, tương đương 96%/năm. Nam thanh niên tên Long, ở quận Gò Vấp cho biết: “Nếu vay 1 tuần, lãi suất là 2%, 2 tuần là 5%, 3 tuần là 7% và 4 tuần là 8%”. Bên cạnh đó, cách tính lãi phổ biến hiện nay chính là tính lãi suất theo ngày và tính bằng ngàn đồng như các hình thức cho vay nóng khác.
“Hiện nay, nhiều tiệm cầm đồ chỉ nhận cầm trong vòng 1 tuần đến 10 ngày hoặc tối đa 2 tuần. Đây là cách để “giết” con nợ, vì trong 1 đến 2 tuần thì đa phần người cầm đồ không thể nào xoay được tiền để chuộc, đặc biệt là phải trả thêm phần lãi. Do đó, hoặc là người vay phải mất luôn tài sản hoặc phải bỏ thêm tiền để lấy lại tài sản”, Nam, một nhân viên của tiệm cầm đồ đã “rửa tay gác kiếm” cho biết.
Theo thống kê, trên địa bàn TP.HCM có hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Trong đó không ít tiệm cầm đồ nhận cầm cố các loại tài sản không rõ nguồn gốc, tài sản không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên có tài sản đem cầm cố, đồ trộm cắp... Những cơ sở này do phần lớn các anh chị có máu mặt đứng ra. Tuy nhiên, điều đáng nói chính là hiện nay, dịch vụ cầm đồ đang cho thấy nhiều biến tướng hết sức khó lường, người vay cứ tin rằng mình đã cầm được tài sản với lãi suất thấp nhưng thực chất là... phải chấp nhận cái giá “cắt cổ”. Nếu không tính toán cẩn trọng, người vay sẽ rơi vào “bẫy” lãi vay. Nếu có dấu hiệu chây ỳ thì sẽ có những tay xăm trổ đầy mình đứng ra uy hiếp. Thực tế, nhiều người đã trở thành nạn nhân của loại dịch vụ này và cơ quan chức năng cũng đã triệt phá nhiều vụ án xuất phát từ việc vay tiền nóng nói trên.
TP.HCM có trên 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM có trên 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Trong đó không ít tiệm cầm đồ nhận cầm cố các loại tài sản không rõ nguồn gốc, tài sản không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên có tài sản đem cầm cố, đồ trộm cắp... |
(Còn nữa...)
Nhóm PV điều tra
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 150