Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vợ cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết "giúp chồng" làm điều gì trước phiên tòa phúc thẩm?

  • Khánh Ngân
(DS&PL) -

Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, gia đình bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đã nộp khắc phục, bồi thường thêm 353 tỷ đồng.

Liên quan đến phiên phúc thẩm xét xử ông Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) và 25 bị cáo sắp diễn ra vào ngày 26/12, cơ quan chức năng vừa ghi nhận thêm số tiền mà bị cáo Quyết nộp khắc phục.

Theo đó, ngày 13/12 vừa qua, vợ của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã nộp 203 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng. Đến ngày 19/12, người nhà nộp thêm 150 tỷ đồng.Tại giai đoạn sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết được ghi nhận bồi thường, khắc phục 237 tỷ đồng. Như vậy, đến nay tổng số tiền mà ông này đã bồi thường, khắc phục hậu quả là 590 tỷ đồng.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết trong phiên tòa sơ thẩm.

Theo đó, ngày 26/12 tới, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án thao túng chứng khoán và lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn FLC cùng các đơn vị liên quan. Phiên tòa được mở do có kháng cáo của nhiều bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, do ông Võ Hồng Sơn làm chủ tọa và dự kiến kéo dài nhiều ngày liên tục. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử phúc thẩm là 2 kiểm sát viên, thuộc VKSND Cấp cao tại Hà Nội.

Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự đối với bị cáo trong vụ án.  Hai em gái ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga cũng xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tổng cộng trong 50 bị cáo, có 23 người kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản hoặc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm… Hiện có khoảng 30 luât sư đăng ký tham gia phiên tòa để bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết có 7 luật sư bào chữa; bị cáo Trịnh Thị Minh Huế có 2 luật sư bào chữa…

Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm kết luận, giai đoạn 2017-2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Huế cùng nhiều nhân viên FLC mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty. Sau đó, họ mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu.  Hành vi thao túng các mã cổ phiếu tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Qua đó, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.

Trịnh Minh Huế (đeo kính, hàng trên) và các bị cáo liên quan tại phiên tòa sơ thẩm.

Với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho Công ty Xây dựng FLC Faros, từ 1,5 tỷ lên tới 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Theo bản án đã tuyên, ông Quyết bị buộc bồi thường cho các nhà đầu tư (người bị hại) tổng cộng hơn 1.300 tỷ, đồng thời bị truy nộp 500 tỷ đồng do hành vi thao túng chứng khoán. Trước đó, gia đình bị cáo đề nghị dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả cho Trịnh Văn Quyết.

Cũng ở giai đoạn sơ thẩm, tòa án triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros với tư cách bị hại. Ngoài ra, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, thực tế nhiều nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu đã bán, có người mua bán nhiều lần, cổ phiếu bị trộn lẫn trong các lần giao dịch sau đó. Có nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu nên không có yêu cầu bồi thường, nhiều nhà đầu tư khác không biết mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên không yêu cầu bồi thường.

Tin nổi bật