Với gần 2.500ha bị nhiễm bệnh, hơn 140ha bị nhổ bỏ, hiện người dân Lâm Đồng - vùng trồng cà chua lớn nhất nước - đang khốn đốn bởi cây trồng nhiễm bệnh.
Ngày 23/12, báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, cà chua là loại cây trồng hay gặp sâu bệnh, trong đó bệnh xoăn lá virus gây hại cây trồng nói chung và cây rau họ cà nói riêng đã xuất hiện tại Lâm Đồng từ lâu.
Từ tháng 7/2016, bệnh đột biến gia tăng trên cây rau họ cà. Ban đầu chỉ gây hại 30ha tại các xã Ka Đơn, Tu Tra (huyện Đơn Dương), xã Phú Hội (huyện Đức Trọng), sau đó lan rộng và trong năm 2017 đã có trên 2.500ha bị nhiễm, phải nhổ bỏ 140ha.
Lâm Đồng: Nhiễm virus lạ khiến cà chua chết hàng loạt, người dân điêu đứng |
Trong tổng số 2.480 ha diện tích gieo trồng cây cà chua trên địa bàn toàn tỉnh đã có đến 936ha cà chua của người nông dân bị bệnh xoăn lá virus gây hại.
Trong đó, có 366ha bị nhiễm nặng và buộc phải nhổ bỏ 128 ha. Điều này đang gây thiệt hại rất lớn, khiến cho người nông dân phải đối mặt với nguy cơ mất trắng.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Bệnh xoăn lá virus là dịch hại nguy hiểm, hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Thông thường, vào thời điểm cà chua sắp thu hoạch mới bị nhiễm bệnh, nhưng năm nay cây mới ra hoa đã bị nhiễm nên đánh giá mức độ gây thiệt hại là nặng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây".
Dịch bệnh gây thiệt hại trên diện rộng đã khiến mặt hàng cà chua trở nên khan hiếm trên thị trường và đẩy giá loại thực phẩm này lên cao. Cụ thể, báo Dân Trí ghi nhận, bệnh xoăn lá virus đã tàn phá hơn 70% diện tích cà chua của tỉnh Lâm Đồng khiến sản lượng loại nông sản này giảm mạnh.
Trao đổi với báo Tiền Phong, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng Nguyễn Duy Hải cho biết hiện đang tiến hành kiểm định giống cà chua 385 và nguồn nước ở những nơi sử dụng thuốc diệt cỏ Fasi để làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý đối với những hiện tượng bất thường nói trên. Còn về virus gây xoắn lá, trước mắt nông dân nên phòng trừ côn trùng trung gian gây bệnh vi rút, với những cây bị bệnh nặng nhất thiết phải nhổ bỏ cả gốc và tiêu hủy bằng cách đào hố chôn sâu.
Kiều Trang (T/h)