EV71 là chủng virus đã gây dịch tay chân miệng lớn trên cả nước vào năm 2011, khiến 70.000 người mắc và hơn 150 ca tử vong.
Tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 200 trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng phải nhập viện. Trong đó có 10 trường hợp nhiễm chủng virus EV71.
PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng. Vì vậy, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cho trẻ ở trong không gian thoáng, sạch, các bề mặt trẻ tiếp xúc như sàn nhà, nhà vệ sinh, giường ngũ phải sạch sẽ.
Dịch tay chân miệng đang bùng phát mạnh ở TP.HCM - Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Theo ông, nhóm mắc virus EV không nhiều, đặc biệt là EV71. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho hay dịch bệnh chân tay miệng bùng phát vào thời gian từ tháng 9-11 hàng năm. Hiện, so với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 25,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%, tuy nhiên một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, chủ yếu trong miền Nam với 41.218 trường hợp (chiếm 77%).
Đặc biệt, mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus EV71 - chủng virus đã gây đại dịch tay chân miệng lớn trên cả nước trong năm 2011.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, cho hay so với cùng kỳ các năm trước, tình hình dịch bệnh tay chân miệng năm nay có sự gia tăng mạnh hơn.
Khi trẻ bị tay chân miệng, cần cách ly trẻ ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh - Ảnh minh họa |
“Chỉ riêng tại bệnh viện chúng tôi, đỉnh dịch được ghi nhận cách đây một tuần với khoảng 200 bệnh nhi cùng thời điểm. Hiện, dịch chưa vượt đỉnh, mà đi ngang, với số lượng bệnh nhân khoảng 160-170”, bác sĩ Khanh chia sẻ trên Tri thức trực tuyến.
Theo bác sĩ này, so với năm 2011 đến nay, số bệnh nhân ở mức trung bình. Song, khoảng 2 tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10, bệnh nhi mắc tay chân miệng đột ngột tăng mạnh. Nguyên nhân là virus EV71 quay lại, trong khi trẻ chưa có miễn dịch với virus đó.
"Sự quay lại của virus đó có tính chu kỳ, khó dự đoán. Việc chúng ta cần làm bây giờ là kiểm soát chúng”, bác sĩ Khanh thông tin
Tại TP.HCM, tổng số ca tay chân miệng nhập viện tính đến hết tuần 38 là 3.195, số ca khám ngoại trú đến hết tuần 38 là 15.499, trong đó số ca nhiễm virus EV71 chiếm khoảng 25%.
Còn tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay dịch tay chân miệng ở Hà Nội không ghi nhận sự bất thường, về bệnh nhân mắc chủng virus EV71 chỉ ghi nhận rải rác.
Thực tế, các chuyên gia dự báo dịch bệnh tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền. Đặc biệt trong mùa tựu trường, trẻ tập trung vào năm học mới, cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi, vệ sinh chưa đảm bảo là yếu tố khiến dịch bệnh lan rộng.
Quỳnh Chi (T/h)