Căn nhà nằm trong con hẻm thuộc ấp Tiền Lăng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Bên trên không gian của con hẻm chiều ngang chỉ 2 m mà lẽ ra chỉ dành cho bầu trời là căn nhà lơ lửng 3 m2 của vợ chồng anh Cống Văn Bửu và chị Nguyễn Thị Hiệp, mọi người quen gọi là anh Sáu và chị Cúc “móm”. Anh chị cũng chính là cha mẹ ruột của em Nguyễn Thị Hội - nạn nhân đã bị xe tải cán ba lần đến chết.
Vụ án chấn động sáu năm trước
Đó là vụ tai nạn thương tâm hi hữu xảy ra vào lúc 10 giờ tối cách đây sáu năm, trên tuyến đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú. Cô gái 16 tuổi Nguyễn Thị Hội khi ấy trên đường về nhà bằng xe máy thì bị va quẹt vào xe container. Hội ngã xuống đường. Phát hiện sự việc, tài xế cho xe dừng lại khiến bánh xe cán qua phần đùi của nạn nhân và mắc kẹt ở đó. Hội cố gắng vùng vẫy và kêu khóc thảm thiết trong cơn đau đớn và hoảng loạn.
Một trong số người đi đường chứng kiến tai nạn đã cố sức cứu Hội bằng cách yêu cầu tài xế cho xe lùi lại, thậm chí đem xe máy của mình chắn ngang xe container. Tuy nhiên, tài xế không những làm ngơ mà còn cho xe tiến lên phía trước húc đổ xe máy của người dân, kéo theo việc bánh xe cán ngang qua người Hội lần thứ hai khiến xương chậu em bị bể nát. Lúc này, mặc cho nhiều người đi đường bàng hoàng và phẫn nộ, tên tài xế máu lạnh vẫn nhẫn tâm cho xe lùi lại khiến bánh xe cán qua người cô gái lần thứ ba. Sau đó hắn bẻ tay lái, rồi rồ ga bỏ chạy. Tuy nhiên, sau đó người dân bám theo bắt giữ được. Còn Hội đã chết trên đường chuyển viện do đa chấn thương.
Tòa sơ thẩm tuyên phạt tài xế Đặng Hữu Anh Tuấn tám năm tù giam và bồi thường cho gia đình nạn nhân 75 triệu đồng. Nhưng trước áp lực căm phẫn của dư luận, cho rằng bản án quá nhẹ đối với tên tài xế sát nhân, bản án phúc thẩm tuyên tăng khung hình phạt dành cho bị cáo lên 18 năm tù giam.
Quá khứ trong căn nhà toilet
Cái chết của em Hội là một thảm kịch nhưng với gia đình em thì bi kịch bắt đầu từ căn nhà chật chội chỉ hơn 2 m2 trong một con hẻm ở quận Tân Phú. Đây vốn là nơi cư ngụ của cả gia đình cho đến lúc em mất. Căn nhà nguyên là cái… toilet nhà người ta, diện tích chỉ 1,5 m2 mà vợ chồng anh Sáu và chị Cúc đã dành dụm mua được vào năm 1997 với giá 4 chỉ vàng lúc đó. Sau đó nhà được cơi nới, rộng ra được 2,4 m2. Từ đây anh chị chấm dứt năm năm ở nhà thuê. Nhưng với tình cảnh hai vợ chồng cùng hai đứa con, một bốn tuổi, một mới lên hai, sinh hoạt chật vật mọi bề, quanh năm phải gửi con gái lớn (Hội khi còn sống) ngủ nhờ nhà người dì. Chị Cúc đau đáu ước mơ có một căn nhà rộng hơn một chút cho chồng con đỡ tủi. Đồng lương phụ hồ và lương công nhân xí nghiệp đông lạnh của anh chị giỏi lắm cũng chỉ đủ cho cả nhà sống lây lất qua ngày. Hai năm sau, với số nợ vay nóng 10 triệu đồng lãi 13\% để chạy chữa cho hai con cùng lúc phát bệnh ban khỉ mà anh chị không có cách gì trả nổi, cộng thêm nỗi khao khát một căn nhà rộng hơn, chị nhắm mắt làm liều, nghe bọn xấu rủ rê mua bán lẻ ma túy. Vừa trả xong số nợ cũng là lúc chị phải tra tay vào còng.
Trong khi chị Cúc thụ án 15 năm tù dằng dặc (sau được ân xá còn 11 năm) thì anh Sáu phải một mình gồng gánh nuôi hai đứa con nhỏ. Có lẽ Hội sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình mình nên rất hiếu thảo. 13 tuổi, em bắt đầu theo dì ra trại giam ở Hàm Tân, Bình Thuận thăm mẹ. 14 tuổi, em tự đi một mình, đều đặn 1-2 tháng thăm mẹ một lần. Khoản tiền lương phụ bán quán cà phê 1 triệu đồng mỗi tháng được em tằn tiện chia ra phụ giúp cha và gửi cho mẹ. Ngay sáng hôm bị tai nạn, Hội gọi điện thoại hẹn là một tuần sau sẽ ra thăm mẹ.
Ra tù mới biết con gái chết thảm
Hội mất, cả gia đình giấu nhẹm tin buồn với chị. “Ngày ra tù, vừa bước vô nhà, thấy ảnh con gái trên bàn thờ, tôi rụng rời tay chân. Tôi đập đầu vô tường, tôi uống 20 viên thuốc ngủ mà vẫn không chết theo con được” - chị Cúc kể. 11 năm ở trại giam, chị từng có đến hai lần tự tử không thành, rồi sau ngẫm ra nợ đời mình vẫn chưa trả dứt, lại được con gái thăm nuôi, chị tỉnh người ra và quyết chí lao động cải tạo cho thật tốt để sớm được trở về với chồng con. Cuốc đất trồng rau hay lột hạt điều, chị đều không nề hà khổ cực.
“Lần cuối cùng đi thăm tôi, con bé Hội còn hẹn: “Má ráng chờ đến ngày được về, con sẽ mướn một mặt bằng nho nhỏ, hai mẹ con mình mở quán cà phê bán”. Lần nào đi thăm nó cũng nắm tay, vuốt tóc tôi. Đời tôi đã khổ, không ngờ con tôi còn khổ hơn tôi” - chị nhắc con gái mà hai dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má thâm sạm vì nắng gió và căn bệnh xơ gan. Nhìn nước mắt của vợ, anh Sáu ngồi bên lặng lẽ quay mặt ra cửa như muốn giấu đi sự thật đàn ông cũng biết khóc.
11 năm tù, đếm 4.000 đêm dài vô tận, tâm can chị bị dày vò bởi lỗi lầm và nỗi xót xa hai đứa con thơ thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ. Nay 47 tuổi mà trông chị Cúc như ngoài 50. Khuôn miệng móm mém với hàm răng trên hư rụng mất hết bốn cái. Có vẻ đối với chị bây giờ, chuyện đẹp xấu trở nên quá nhỏ nhoi so với nỗi khổ tâm trước cảnh bần cùng của gia đình và lòng xót thương dành cho đứa con gái vắn số của mình. Chị mở tủ, đem ra hai cuốn album chụp ảnh gia đình, trong đó còn giữ một số tấm ảnh chụp Hội từ lúc còn bé cho đến vài tháng trước khi mất. Và một album mà anh Sáu cố ý cho người chụp riêng cảnh đám tang con gái, chờ vợ mãn hạn tù về xem. Chị bảo cứ mỗi lúc nhớ con lại giở từng tấm ảnh ra xem.
Con gái muốn ngủ với mẹ một đêm cũng không có chỗ nằm
Không chịu được nỗi ám ảnh về đứa con gái chết thảm của mình, chị bàn với chồng rồi bán đi căn nhà 2,4 m2 ở quận Tân Phú, nơi gắn với quá nhiều kỷ niệm về Hội. “45 triệu đồng bán nhà cũng không còn. Vợ chồng tôi phải trả nợ tiền vay mượn lo đám tang cho con gái, tổng cộng 42 triệu đồng” - chị cho biết. Trước đó gia đình kẻ gây án cũng đã đưa lần hồi, cắc củm khi 5 triệu, lúc 10 triệu đồng cho đủ khoản tiền đền bù 75 triệu đồng như phán quyết của tòa. Nhưng thói thường, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Cầm vài triệu đồng còn lại, anh chị xin gia đình chồng cho cất căn nhà 3 m2 ở lưng chừng khoảng không của con hẻm này.
Từ hơn hai năm nay, cuộc sống mới của gia đình bé Hội trong căn nhà 3 m2 này cũng không sáng sủa hơn. Hằng ngày, bất kể nắng mưa, chị Cúc cọc cạch trên chiếc xe đạp rong ruổi đi mua bán ve chai. Còn anh Sáu được cô em gái cho chiếc xe Dream cũ chạy xe ôm. Vài chục ngàn đồng kiếm được mỗi ngày, anh chị còn để dành phụ các anh chị em phụng dưỡng người mẹ ruột hơn 80 tuổi. Hiếu - cô con gái thứ hai của anh chị đi bán quán cà phê và làm giúp việc nhà, thỉnh thoảng có về thăm. “Nó về ngồi chơi một lát rồi phải đi, muốn ở nhà ngủ với cha mẹ một đêm cũng không được vì nhà chật quá” - chị cười mà như mếu.
Đã đành mọi vật dụng và sinh hoạt trong căn nhà đều phải dè sẻn tối đa nhưng đến cả ước mơ dường như cũng dè sẻn: “Tôi chỉ có một ao ước mà chắc là cả đời này cũng không bao giờ thực hiện được, đó là có một căn nhà rộng hơn để đón mẹ và cháu tôi về ở chung, để tôi có một chỗ đàng hoàng đặt bàn thờ con gái, để cả nhà tôi có một đêm ngủ với nhau”.