Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Việt Nam yêu cầu không tái diễn các vi phạm trên Biển Đông

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Liên quan đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, các nước cần cam kết và có các biện pháp không để tái diễn những hành động vi phạm tương tự.

(ĐSPL) – Liên quan đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, các nước cần cam kết và có các biện pháp không để tái diễn những hành động vi phạm tương tự.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh như trên trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 47 và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đối tác.

Cũng trong ngày 10/8, tiếp tục diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với Australia và với New Zealand, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 4 (EAS FMM-4) và Hội Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF-21).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tham dự các Hội nghị nói trên.

Tại các Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao đã trao đổi và nhất trí về nhiều phương hướng, biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, thúc đẩy cấu trúc hợp tác khu vực trên cơ sở các tiến trình do ASEAN dẫn dắt nhằm bảo đảm hữu hiệu hơn hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực, cũng như trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Các Đối tác tiếp tục khẳng định cam kết tăng cường hợp tác với ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng vào 2015 và trong giai đoạn phát triển tiếp sau, thực hiện kết nối, phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó với các thách thức chung cũng như ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Các Bộ trưởng hoan nghênh Việt Nam đăng cai tổ chức và chủ trì Diễn đàn Biển ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng cuối tháng 8/2014, tạo cơ hội để các nước trao đổi sâu rộng về các sáng kiến, biện pháp đóng góp vào mục tiêu chung nêu trên. 

Về tình hình quốc tế và khu vực: Biển Đông tiếp tục là vấn đề được các nước quan tâm và dành nhiều thời gian trao đổi. Các nước tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng vừa qua ở Biển Đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; do đó, cần phải nỗ lực bảo đảm không để tái diễn các sự việc tương tự. Khẳng định hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của tất cả các nước, các Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển (1982); giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trước hết là quy định tại Điều 5 của DOC về thực hiện kiềm chế, không được có hành động gây bất ổn định và làm phức tạp tình hình, yêu cầu cần đẩy mạnh thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình và ổn định ở khu vực.

Vấn đề Biển Đông tiếp tục là vấn đề nóng trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 47.

Các Bộ trưởng cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm khác như Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông...

Trong dịp này, các Bộ trưởng cũng đã đề ra các phương hướng cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ của ASEAN với các đối tác liên quan.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN- Australia, các Bộ trưởng đã thông qua Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác toàn diện ASEAN - Australia giai đoạn 2015-2019 đề ra phương hướng và biện pháp nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai bên; đánh giá cao các hoạt động kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Australia trong năm 2014, và nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm thành công của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Australia dự kiến tổ chức vào cuối năm nay tại Mi-an-ma.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - New Zeland, các Bộ trưởng đánh giá cao những thành tựu đạt được trong triển khai Kế hoạch hành động ASEAN-New Zeland và 04 sáng kiến trọng tâm, gồm Chương trình học bổng, Chương trình trao đổi lãnh đạo doanh nhân trẻ, Sáng kiến về Chương trình quản lý rủi ro thiên tai, và Chương trình Ngoại giao Nông nghiệp. ASEAN hoan nghênh và đánh giá cao New Zeland tiếp tục hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ và hỗ trợ 100 triệu đôla NZL cho các nước Camphuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam triển khai các dự án thu hẹp khoảng cách phát triển giai đoạn 2011-2015.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS-4, các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục củng cố và phát huy vai trò và đóng góp quan trọng của EAS với tư cách là diễn đàn của các Lãnh đạo để đối thoại và hợp tác về các vấn đề có tầm chiến lược liên quan tới hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, gồm cả các vấn đề chính trị-an ninh và kinh tế, trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc và thể thức đã nêu trong Tuyên bố Kuala Lumpur (2005), Tuyên bố Hà Nội (2010) và Tuyên bố Bali về các Nguyên tắc quan hệ cùng có lợi (2011). Các Bộ trưởng khẳng định EAS là một bộ phận quan trọng trong cấu trúc khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm và trên cơ sở này, cần tiếp tục gắn kết EAS với các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn dắt khác như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ADMM+ và ARF. Đồng thời, các Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò hạt nhân của ASEAN trong thúc đẩy liên kết khu vực, đề nghị đẩy nhanh việc đàm phán và hoàn tất thỏa thuận về Đối tác kinh tế toàn diện ở Đông Á (RCEP). Các Bộ trưởng cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác EAS về tài chính, giáo dục, phòng chống dịch bệnh, năng lượng, quản lý thiên tai, kết nối và hợp tác biển.

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 21, các Bộ trưởng tiếp tục đề cao vai trò của ARF là diễn đàn hàng đầu về đối thoại và hợp tác về chính trị, an ninh, xây dựng lòng tin và xử lý các thách thức an ninh ở khu vực. Trước những diễn biến phức tạp gần đây ở khu vực, các nước nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các chuẩn mực ứng xử chung ở khu vực trên cơ sở phát huy các công cụ chính trị-an ninh hiện có như TAC, DOC, SEANWFZ, Tuyên bố Bali về các Nguyên tắc quan hệ cùng có lợi. Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin kết hợp với ngoại giao phòng ngừa, kiểm điểm và bảo đảm thực thi hiệu quả Kế hoạch hành động Hà Nội về Tầm nhìn ARF 2020. Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng đã thông qua cũng như các kế hoạch công tác về những lĩnh vực ưu tiên như an ninh biển, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao những tiến triển đạt được thời gian qua trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các Đối tác. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò đóng góp của EAS và ARF đối với hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực; đồng thời đề nghị các Đối tác tiếp tục gia tăng hỗ trợ cho ASEAN thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng, liên kết và kết nối, phát triển tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển; ủng hộ ASEAN phát huy vai trò chủ đạo ở khu vực, nhất là trong các vấn đề thiết thân liên quan tới hòa bình và an ninh. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ các đề xuất, biện pháp nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa vai trò của EAS và ARF để có thể đóng góp hữu hiệu hơn vào hòa bình, an ninh và hợp tác xây dựng lòng tin ở khu vực, trong đó ASEAN cần tiếp tục tăng cường vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác và an ninh khu vực, cùng các nước đối tác tích cực đóng góp xây dựng vào hợp tác, vì hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở Đông Á.

Về vấn đề Biển Đông, chia sẻ quan ngại sâu sắc về các vụ việc căng thẳng gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là việc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh các nước cần cam kết và có các biện pháp không để tái diễn những hành động vi phạm tương tự. Phó Thủ tướng tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, và các nguyên tắc của ASEAN như đã được nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm và Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014, trong đó nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982, Tuyên bố DOC; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là quy định tại Điều 5 về không được có các hành động làm phức tạp tình hình, đồng thời cần thúc đẩy thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC.

Liên quan đến các vụ việc căng thẳng gần đây ở Biển Đông, Việt Nam yêu cầu các nước không tái diễn những hành động vi phạm tương tự.

Chiều tối cùng ngày đã diễn ra Lễ Bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các Đối tác.

Chiều ngày 10/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (HNBT) ASEAN 47 tại Nay Pyi Taw, Myanmar, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 7 đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. 

Hội nghị đã thảo luận tình hình triển khai Kế hoạch hành động Mê Công – Nhật Bản nhằm hiện thực hóa Chiến lược Tokyo 2012 và phương hướng thúc đẩy hợp tác trên cả ba trụ cột về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, đồng hành phát triển bền vững, và bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Các Bộ trưởng đánh giá cao sự trợ giúp hiệu quả của Nhật Bản đối với khu vực Mê Công trong phát triển hạ tầng cơ sở, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bảo vệ môi trường và đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời khẳng định thúc đẩy triển khai các biện pháp cụ thể trong Chiến lược Tokyo 2012 và Kế hoạch Hành động Thập kỷ Mê Công xanh về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Công. Tuyên bố chung của Hội nghị ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Lào trong việc sớm triển khai mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen-sa-vẳn trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC).

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam tiếp tục cùng với Nhật Bản và các nước Mê Công nỗ lực triển khai thành công Chiến lược Tokyo 2012, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường các đề xuất dự án liên quốc gia, mang dấu ấn hợp tác Mê Công - Nhật Bản. Nhấn mạnh tầm quan trọng của tiểu vùng Mê Công trong liên kết và hội nhập kinh tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề xuất nghiên cứu việc mở rộng kết nối các hành lang kinh tế hiện có của tiểu vùng với các vùng miền và khu vực khác tại châu Á thông qua mô hình vận tải đa phương thức. Hội nghị đánh giá cao và ghi nhận vào Tuyên bố Chủ tịch đề xuất của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh về việc thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh doanh giữa địa phương và doanh nghiệp của các nước Mê Công với Nhật Bản  trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, trong đó có hợp tác giữa Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam với các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản.

Các Bộ trưởng nhất trí sẽ tổ chức HNBT Mê Công - Nhật Bản lần thứ tám tại Malaysia bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Malaysia trong năm 2015.

Ngày 10/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN- Australia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Australia bà Julie Bishop. Hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao; tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương hiện có, trong đó có việc tiến hành Đối thoại Chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng cấp Thứ trưởng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam ủng hộ "Kế hoạch Colombo mới" của Australia và thông báo Việt Nam sẵn sàng tham gia chương trình này. Bà Bộ trưởng bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam đối với sáng kiến và nỗ lực của Australia nhằm tăng cường hợp tác với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Tin nổi bật