Sáng nay (ngày 26/10), tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công an nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tổ chức Hội nghị song phương cấp Bộ trưởng sơ kết một năm thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công an nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về hợp tác phòng, chống ma túy.
Đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam và đồng chí Trung tướng Khamking Phuilamanyvong, Thứ trưởng Bộ Công an Lào đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương của Việt Nam và Lào.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc thay mặt Bộ Công an Việt Nam xin lời chào nồng nhiệt nhất và lời chức sức khỏe, hạnh phúc tới đồng chí Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào anh em.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Thông tin từ Hội nghị thể hiện: Việt Nam và Lào, hai quốc gia láng giềng đều chịu áp lực lớn bởi nguồn ma túy từ khu vực “Tam giác vàng”, đây được xem là một trong những Trung tâm sản xuất, mua bán ma túy lớn trên thế giới. Hơn nữa, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, hoạt động phạm tội về ma túy ở các khu vực khác trên thế giới cũng có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam và Lào, làm cho tình hình tệ nạn ma túy và hoạt động phạm tội ma túy ở cả hai nước những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp; cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của hai nước ngày càng cam go, quyết liệt. Từ đó, đòi hỏi lực lượng thực thi pháp luật hai nước phải phối hợp chặt chẽ, xây dựng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm nguy hiểm này.
Trong phần phát biểu, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh việc hợp tác giữa hai nước vì mục tiêu “Tiến tới cộng đồng không ma túy”.
Tội phạm ma túy manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng
Thông tin từ Hội nghị cho thấy, nguyên nhân dẫn tới tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào tiếp tục diễn biến phức tạp do đặc điểm địa lý cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí tấn công lực lượng chức năng.
Hội nghị song phương cấp Bộ trưởng giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào về hợp tác phòng, chống ma túy diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
Chưa kể, để hình thành đường dây tội phạm, các đối tượng chủ mưu cầm đầu trong nước móc nối với các đối tượng ở nước ngoài, tập kết ma túy tại các địa bàn biên giới hai nước sau đó thuê người chuyển khoản tiền và vận chuyển ma túy từ các khu vực này vào nội địa để tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Quá trình vận chuyển ma túy qua biên giới, các đối tượng sẽ tổ chức hoạt động thành nhóm khép kín, có quy tắc, quy định riêng, phân công vai trò của từng thành viên và trang bị vũ khí nóng (AK, súng bắn tỉa, lựu đạn) sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.
Các đối tượng sau khi lấy được ma túy từ điểm tập kết sẽ đi bộ qua đường rừng, đường tiểu ngạch hoặc những nơi hiểm trở, hạn chế tối đa việc vận chuyển bằng phương tiện cơ giới, cho người đi dò đường trước, nếu phát hiện nghi vấn sẽ dừng lại tính toán chuyển hướng vận chuyển. Khi thực hiện giao dịch, các đối tượng sử dụng tiếng lóng, hoặc tiếng dân tộc, hạn chế liên lạc qua sim điện thoại mà sử dụng zalo, mạng xã hội để trao đổi.
“Chúng cất giấu ma túy, ngụy trang trong các thùng đựng nông sản như măng khô, gạo…để vận chuyển nhằm tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng. Trong các đường dây vận chuyển, các đối tượng người Lào rất ít khi ra mặt trực tiếp mà chủ yếu thuê người vận chuyển đến các điểm tập kết tại khu vực biên giới, do đó gây khó khăn cho công tác đấu tranh chuyên án và điều tra mở rộng vụ án”, thông tin từ Hội nghị.
Tăng cường hợp tác hai nước, trấn áp tội phạm
Trước tình hình đó, ngày 09/8/2021 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào, 2 nước Việt Nam - Lào đã ký Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác toàn diện giữa lực lượng chức năng hai Bộ trong công tác phòng, chống ma túy.
Sau 01 năm triển khai thực hiện Bản ghi nhớ, lực lượng Công an hai nước đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ theo phân công và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.
Đồng chí Trung tướng Khamking Phuilamanyvong, Thứ trưởng Bộ Công an Lào phát biểu tại Hội nghị.
Lực lượng Công an hai nước đã làm tốt công tác phối hợp nắm tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy của hai nước, nhất là trên tuyến biên giới để xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma tuý, từ đó xác định được 4 tuyến vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng vào Lào và đi các địa phương của Lào và Việt Nam. Hoàn thành thiết lập “đường dây nóng” ở 4 cấp Công an kết hợp trao đổi thông tin qua Văn phòng liên lạc qua biên giới…
Nhưng do siêu lợi nhuận từ hoạt động mua bán trái phép chất ma túy mang lại, dự báo thời gian tới tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào tiếp tục diễn biến phức tạp. Để công tác đấu tranh phòng, chống ma túy của hai nước thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn nữa, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an hai nước đề nghị các đơn vị chức năng, Công an các địa phương giáp biên giới hai nước tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra trong Bản ghi nhớ, trong đó tập trung vào nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phòng, chống ma tuý với Lào trên cơ sở nội dung Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào về hợp tác phòng, chống ma tuý.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.
Tiếp đên, Bộ Công an 2 nước yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp với Công an các tỉnh đối biên và lực lượng chức năng tăng cường hợp tác, phối hợp đấu tranh, mở các đợt cao điểm chung về tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới trong những năm tới. Phát huy hiệu quả hợp tác trao đổi thông tin qua đường dây nóng, Văn phòng liên lạc qua biên giới; phối hợp tuần tra, rà soát, triệt phá các tụ điểm về ma tuý, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại khu vực biên giới hai nước. Phối hợp thu thập tài liệu, trao đổi thông tin, xác lập chuyên án chung và phối hợp truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy.
Đẩy mạnh, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy cho nhân dân ở khu vực các huyện giáp biên, xây dựng các bản, cụm bản, cộng đồng và trường học không ma túy….