Rạng sáng 4/1, người yêu thiên văn tại Việt Nam có cơ hội ngắm hiện tượng thiên văn kỳ thú đầu tiên của năm 2019 – trận mưa sao băng Quadrantids.
Mưa sao băng Quadrantid được tạo nên từ những hạt bụi sót lại của sao chổi 2003 EH1 khi đi qua quỹ đạo Trái đất hằng năm. Khi hiện tượng này bắt đầu được quan sát, nó được các nhà thiên văn học đặt tên là Quadrantids do xảy ra trong khu vực của chòm sao Quadrans Muralis.
Quadrantids là một trận mưa sao băng mức trung bình, với khoảng 40 sao băng mỗi giờ lúc cực điểm. Thời gian xuất hiện của nó thường từ ngày 1/1 đến 5/1 hằng năm. Năm nay, trận mưa sao băng sẽ đạt cực đại vào đêm 3/1, rạng sáng 4/1, khoảng từ lúc 2h sáng trở đi với mật độ sao băng có thể tới 50 vệt một giờ. Đây là con số không hề thua kém so với hai mưa sao băng lớn nhất của năm là Geminids và Perseids.
Cực điểm của trận mưa sao băng chỉ kéo dài từ một đến hai giờ thay vì suốt hai đêm như các trận mưa sao băng lớn khác. Trước thời gian đó người xem có thể chiêm ngưỡng nhưng số lượng sao băng sẽ hạn chế hơn.
Năm nay, việc quan sát mưa sao băng Quadrantids khá thuận lợi vì thời điểm cực đại trùng với ngày cuối tháng âm lịch nên không bị ánh trăng làm mờ. Người quan sát nên hướng về phía đông bắc bầu trời, chọn nơi có góc nhìn trống trải (nóc nhà, các bãi trống …), ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí để theo dõi mưa sao băng.
Minh Minh (T/h)