Doanh nghiệp Việt Nam sẽ luôn bị động và phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng xe ô tô nước ngoài, họ mặc nhiên có quyền sinh quyền sát đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là một trong số nội dung được các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nhỏ và vừa tại Việt Nam dẫn ra trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đến đề xuất bãi bỏ Thông tư 20 ngày 12/5/2011 của Bộ Công Thương quy định quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Cái cớ để ép doanh nghiệp Việt?
Tại bản kiến nghị, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nhỏ vừa cho biết, việc duy trì điều kiện của Thông tư 20 hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và không chính đáng, vì kinh doanh ôtô nhập khẩu là ngành nghề không thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
Bên cạnh đó, các điều kiện tại Thông tư 20 được các doanh nghiệp này đánh giá không khuyến khích cạnh tranh bình đẳng và vi phạm Luật cạnh tranh 2004, và không hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trái với Nghị quyết 35 của Chính phủ và nhiều chính sách khác đang hỗ trợ khu vực kinh tế này.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nhỏ và vừa cũng nhấn mạnh tác động của Thông tư 20 đối với xe con Trung Quốc tràn vào Việt Nam.
Cụ thể, Thông tư 20 ra đời tạo điều kiện cho các xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam, vì chỉ cần 1 giấy ủy quyền chính hãng là đã nhập được xe, trong khi các hãng xe Trung Quốc sẵn sàng cấp giấy ủy quyền cho các doanh nghiệp Việt Nam rất đơn giản, miễn sao bán được hàng cho họ mà không có bất kỳ một ràng buộc khắt khe nào.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhập được xe chất lượng cao từ các nước phát triển, thì sẽ sẵn sàng làm đại lý bán xe Trung Quốc, nên việc giữ lại thông tư 20 thì chỉ làm cho Việt Nam thành bãi ôtô con của Trung Quốc”, bản kiến nghị phân tích.
Tuy nhiên, cũng theo các doanh nghiệp này, xe Trung Quốc chất lượng thấp nên người tiêu dùng đã không lựa chọn, chính vì vậy thị trường Việt Nam mới vắng bóng các đại lý xe Trung Quốc.
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam ảnh hưởng khi muốn có một tờ giấy uỷ quyền, đây là cái cớ để các hãng xe ép các doanh nghiệp Việt Nam.
“Đã có những doanh nghiệp làm ủy quyền cho một số hãng, nhưng họ ép chúng tôi về doanh số, về giá, về chất lượng sản phẩm. Nếu doanh nghiệp làm tốt họ đòi góp vốn, các doanh nghiệp không cho thì họ lại chỉ cần ủy quyền cho người khác là doanh nghiệp không nhập khẩu được.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ luôn bị động và phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng xe ô tô nước ngoài, họ mặc nhiên có quyền sinh quyền sát đối với các doanh nghiệp Việt Nam”, nhóm doanh nghiệp này bày tỏ sự lo ngại.
"Loại Thông tư 20 sẽ làm môi trường kinh doanh lành mạnh"
Phản hồi về những ý kiến được phía ủng hộ duy trì, nâng cấp Thông tư 20 chủ yếu là các hãng xe sang, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nhỏ và vừa khẳng định, Thông tư 20 thực chất là việc thừa và gây lãng phí cho doanh nghiệp, vì chất lượng ôtô nhập đã được quản lý bởi cơ quan nhà nước.
Các thiết bị chuyên dùng hàng tỷ đồng chỉ được dùng trong những trạm kiểm tra xe trước khi xuất xưởng của cơ sở lắp ráp ôtô, gây khó khăn và tổn thất lớn cho doanh nghiệp, không phát huy được tính linh hoạt của thị trường.
Về nghĩa vụ thuế, theo các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nhỏ và vừa, ý kiến cho rằng việc mở cửa thị trường nhập khẩu ôtô cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo điều kiện cho sự tiêu cực, thông đồng giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp để giảm thuế là thiếu căn cứ, thiếu tôn trọng và thiếu tin tưởng vào các cơ quan quản lý của Nhà nước Việt Nam.
Cuối cùng, theo các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nhỏ và vừa tại Việt Nam, việc loại bỏ Thông tư 20 sẽ làm môi trường kinh doanh lành mạnh, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng cạnh tranh dưới sự quản lý của Nhà nước.
Theo Nguyễn Thảo/BizLive