Ngày 24/2, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Hà Nội, thông tin đã thành công ca ghép đa tạng tim - thận đầu tiên, theo Tri thức trực tuyến.
Bệnh nhân là T.T.Q. (37 tuổi, trú tại tỉnh Gia Lai) bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim và rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo liên tục trong 5-6 năm nay. Người đàn ông này thường xuyên điều trị cấp cứu ở các trung tâm tim mạch lớn ở TP.HCM và Huế do các cơn nhịp nhanh cấp tính.
Ca ghép đa tạng diễn ra thành công. Ảnh: Tri thức trực tuyến.
Do tất cả biện pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả, anh Q. được các bác sĩ hướng dẫn đi mổ ghép cả tim và thận. Tuy nhiên, trường hợp của anh Q. là kỹ thuật rất phức tạp, chưa phổ biến ở Việt Nam.
Giữa năm 2022, anh được giới thiệu đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau khi đánh giá kỹ, hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã thống nhất chỉ định thực hiện ghép đồng thời cả tim và thận cho bệnh nhân với nguồn tạng hiến từ người cho chết não.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết ghép tim và ghép thận là các kỹ thuật rất thường quy tại bệnh viện, song ghép cả hai tạng cùng lúc vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi đội ngũ thầy thuốc phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng.
Quá trình chờ đợi nguồn tạng hiến với bệnh nhân này cũng đằng đẵng. Trong suốt 6 tháng chờ đợi, không có trường hợp hiến tạng chết não nào thực sự phù hợp, và bệnh nhân vẫn liên tục đến các bệnh viện để chữa suy tim và chạy thận.
Theo GS Giang, tối 9/2, người hiến một bệnh nhân nữ ở Hà Nội tử vong não do chấn thương sọ não rất nặng, đã được gia đình đồng ý hiến đa tạng. Trước đó, em trai của người hiến tạng cũng trong tình trạng bệnh lý tim phổi rất nặng, đã trong danh sách chờ tạng để ghép nhưng không có nguồn tạng phù hợp.
"Cách đây 2 tháng, người em đã tử vong vì không chờ được nguồn tạng. Vì vậy, gia đình người bệnh hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc hiến tạng cứu người. Khi con gái không may tử vong vì tai nạn, họ thống nhất tự nguyện hiến tạng để cứu những bệnh nhân khác", GS Giang nói.
Ngày 15/2, tập thể thầy thuốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện ca ghép. Ca ghép kéo dài 10 giờ, từ 9h - 19h. Tất cả các diễn biến trong mổ hoàn toàn phù hợp với các quy trình đã chuẩn bị rất kỹ từ trước mổ.
Diễn biến sau mổ tuy khá nặng nề, cả về chức năng tim ghép cũng như thận ghép. Tới nay là ngày thứ 8 sau ghép, các chức năng của tim và thận đã phục hồi gần như bình thường, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, đây là ca ghép tim - thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, đã có 3 ca được ghép đa tạng thành công ở các trung tâm khác, nhưng là các ca ghép gan - thận; tụy - thận, vòn đây là ca ghép tim - thận đầu tiên, theo Dân trí.
Theo GS.TS Giang, tiến tới Việt Nam sẽ ghép đa tạng nhiều hơn, không chỉ 2 tạng mà có thể thực hiện 3 - 4 tạng cùng lúc.
Linh Chi (T/h)