Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Việt Nam giải bài toán phòng không hạm như thế nào?

(DS&PL) -

Khu vực biển Đông khiếm thiếu khả năng phòng không hạm khi không một nước Đông Nam Á nào có một tàu khu trục phòng không thực thụ.

Khu vực Biển Đông khiếm thiếu khả năng phòng không hạm khi không một nước Đông Nam Á nào có một tàu khu trục phòng không thực thụ.

Xét về tàu mặt nước, Hải quân Việt Nam hiện chỉ được xếp vào loại trung bình trong khu vực. Trước đây, chúng ta được trang bị 5 tàu hộ vệ hạng nhẹ Petya (Project 159), chỉ là loại tàu chống ngầm thuần túy. Hiện nay, Việt Nam đã đặt mua 4 tàu hộ vệ đa năng lớp Gepard 3.9 của Nga, trong đó 2 tàu đã được bàn giao, 2 tàu đang chế tạo.

Khinh hạm FREMM của Pháp-Italia có khả năng phòng không tương đối mạnh

Khả năng phòng không của chiến hạm Việt Nam

Tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 có chiều dài 102,4 mét, rộng 14,4 mét, mớn nước 5,6 mét, trọng lượng giãn nước toàn tải 2.200 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ (53 km/giờ), bán kính tác chiến 4.000 km, thời gian hoạt động liên tục trên biển 15 ngày, và thủy thủ đoàn 98 người. 

Vũ khí chủ lực của tàu là 8 quả tên lửa hạm đối hạm Kh-35 Uran E, dẫn đường bằng quán tính và radar chủ động, với tầm bắn tối đa 130 km và tốc độ bắn tối đa là 0,9 Mach (gần 1.100 km/giờ). Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống pháo hạm, phòng không, chống ngầm, … tiên tiến.

Tuy nhiên, hệ thống tên lửa phòng không của chiến hạm Gepard 3.9 Việt Nam cũng rất yếu khi nó chỉ được trang bị 8 tên lửa phòng không dẫn bằng laser M311 Sosna-R thuộc hệ thống CIWS Palma, chỉ có tầm bắn hiệu quả 10 km, tầm cao 5 km.

Tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, Project 11661E của Việt Nam

Ngoài ra, Việt Nam đã đặt đóng 2 tàu hộ vệ kiểu Sigma tại xưởng đóng tàu Gorinchem, hãng Damen. Tàu hộ vệ mà Việt Nam đặt mua thuộc loại Sigma 9814, là tàu hộ vệ hạng nhẹ có chiều dài 98m và rộng 14m, lượng giãn nước 1950 tấn, với số lượng thủy thủ gần 90 người. 

Vũ khí cơ bản của các chiến hạm SIGMA như sau: 2 cụm 4 ống phóng tên lửa chống hạm Exocet MM-40; hệ thống phóng thẳng đứng Silva-54 với 12 ống phóng tên lửa phòng không MICA; 2 giá, mỗi giá 4 ống phóng tên lửa phòng không tầm gần Mistral; 2 cụm 3 ống phóng 324mm ngư lôi chống ngầm B-515, pháo hạm Oto Melara 76mm, 2 khẩu súng máy 20mm.

Các chiến hạm Sigma Việt Nam có thể sẽ được trang bị tên lửa hạm đối hạm MM40 Block3 là phiên bản tên lửa chống hạm mới nhất của dòng tên lửa Exocet, do tập đoàn MBDA tại Pháp phát triển, được nghiên cứu, chế tạo dựa trên cơ sở tên lửa MM40 Block 2.

MM40 Block3 có tầm bắn tối đa 180km, tốc độ cận âm 0,9Mach, được thiết kế để tiêu diệt các tàu chiến mặt nước cũng như các mục tiêu ven biển. Điểm đặc biệt là nó có khả năng được dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh GPS và có khả năng tấn công cả các mục tiêu trên đất liền, ven bờ biển.

Khinh hạm kiểu Sigma 9813 của Indonesia

Tên lửa MM-40 Exocet Block3 có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng vệ của đối phương nhờ quỹ đạo bay phức tạp, độ cao bay thấp so với mực nước biển, cũng như áp dụng các biện pháp chống nhiễu mới.

Tàu Sigma được trang bị hệ thống chỉ huy kiểm soát TACTICOS và hệ thống truyền số liệu chiến thuật LINK-Y MK2; các hệ thống tìm kiếm/đo đạc bao gồm radar đối không/hải MW08, radar mảng pha điện tử đối không SMART-SMK2, radar điều khiển hỏa lực LIROD MK2 và sonar chủ/bị động trung tần; hệ thống trinh sát chi viện điện tử cùng với các ống phóng tên lửa nhử mồi và tên lửa gây nhiễu. 

Xét về tổng thể, tàu hộ vệ SIGMA hiện đại hơn và uy lực hơn chiến hạm Gepard của Nga trong biên chế của hải quân Việt Nam. Tuy nhiên, các hệ thống vũ khí; chỉ huy, kiểm soát; điều khiển hỏa lực; tác chiến điện tử; thông tin liên lạc… của SIGMA đều là sản phẩm của hãng Thales và MBDA của Pháp. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn trong hiệp đồng, chia sẻ thông tin tác chiến đối với đại đa số các tàu chiến mua của Nga.

Về hỏa lực phòng không, Sigma 9814 được trang bị 12 tên lửa phòng không VL MICA chứa trong hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) bố trí ngay phía sau ụ pháo Oto Melara. Tuy nhiên, khả năng phòng không của nó cũng không cao, tầm bắn 20km với mục tiêu cỡ lớn như máy bay trực thăng và 10km với mục tiêu là tên lửa hành trình đối hạm bay thấp.

Khinh hạm lớp Formidable của hải quân Singapore có khả năng phòng không mạnh nhất khu vực

Phòng không hạm là điểm yếu chung của hải quân khu vực

Có thể thấy, các chiến hạm mặt nước trên biển Đông đều có khả năng chống hạm khá mạnh với các loại tên lửa Exocet MM 40 của Malaysia, Việt Nam, RGM-84 Harpoon trang bị trên tàu chiến của Indonesia, Singapore, Thái Lan hay SS-N-25 Kh-35 UranE trên khinh hạm Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam…

Tuy nhiên, khả năng phòng không của các chiến hạm mặt nước của các nước Đông Nam Á rất tồi. Cơ bản các chiến hạm này đều thuộc dạng tàu hộ vệ, thiên về chống hạm, chống ngầm chứ không có tàu khu trục chuyên đảm nhận chức năng phòng không. Đây là điểm yếu lớn nhất, làm cho các quốc gia này đau đầu, vì giá của tàu khu trục thường rất đắt, có loại lên tới hàng tỷ USD.

Trừ khinh hạm Formidable của Singapore có khả năng phòng không khu vực, tầm xa với tên lửa Aster-30 (tầm phóng tới 120km), còn lại các tàu khác chỉ được trang bị các hệ thống phòng không dạng điểm, tầm ngắn và tầm trung như Sea Wolf, Mistral, MICA, RIM-7 Sea Sparrow, RIM-162 ESSM (Evolved Seasparrow Missile).

Với năng lực phòng không yếu kém, các tàu hộ vệ của hải quân Đông Nam Á không có cơ hội tiếp cận các máy bay chiến đấu Trung Quốc để tới tầm phóng hiệu quả của tên lửa phòng không, trước sự uy hiếp của các tên lửa chống hạm phóng từ máy bay, có tầm phóng hàng trăm km của Trung Quốc.

Các hệ thống phòng không tầm gần kiểu như Sea Wolf không thể chống được các máy bay chiến đấu mang tên lửa hành trình chống hạm

Thực tế này cho thấy, nếu một cuộc chiến diễn ra trên biển, Trung Quốc có nhiều lợi thế bởi các tiêm kích hạm hoặc tiêm kích chuyên đánh biển như JH-7, Su-30MKK, Su-35…, nhất là trong tương lai, khi tàu sân bay Trung Quốc hoàn thiện khả năng tác chiến thì lại càng nguy hiểm.

Hiện nay, các nước Đông Nam Á chỉ còn cách sử dụng các tiêm kích đánh biển để bảo vệ chiến hạm trước các máy bay chiến đấu Trung Quốc trong một cuộc chiến giả định tương lai. Tuy nhiên, Trung Quốc đang hoàn thiện lực lượng tàu khu trục phòng không rất mạnh để bảo vệ hạm đội của mình trước sự uy hiếp từ trên không.

Hải quân Trung Quốc đang sở hữu 3 loại tàu khu trục có hệ thống phòng không khu vực, tầm xa là khu trục hạm Type 051C với 48 quả tên lửa phòng không S-300FM (SA-N-20) của Nga, tầm phóng 150km; khu trục hạm Type 052C với 48 quả tên lửa phòng không nội địa HHQ-9, tầm phóng 200km; khu trục hạm Type 052D với 64 ống phóng tên lửa phòng không HHQ-9.

Hệ thống phòng không hạm S-300FM của Nga

Việt Nam hiện cũng đang gặp phải khó khăn rất lớn trong việc nâng cấp khả năng phòng không của mình. Các hệ thống phòng không hạm hiện nay chỉ có phạm vi bảo vệ rất ngắn, độ cao tác chiến rất thấp nên các chiến hạm Gepard và Siagma sẽ trở nên yếu thế trước các máy bay chiến đấu mang tên lửa hành trình chống hạm tầm xa.

Hiện nay, Nga là nước có khả năng thiết kế các chiến hạm giá rẻ và cũng sở hữu hệ thống phòng không hạm S-300FM (phiên bản trên hạm của S-300). Tuy nhiên, hệ thống này của Nga lại thường được thiết kế trên các tuần dương hạm hạng nặng trên 10.000 tấn chứ không phải các khu trục hạm.

Tuy là một khách hàng quen thuộc của Nga nhưng Việt Nam cũng không có khả năng mua sắm các tuần dương hạm khủng lớp Slava hay Kirov của nước Nga, nên trong tương lai, để giải quyết bài toán phòng không Việt Nam sẽ phải cân nhắc lựa chọn một số khả năng, hoặc là mua hàng của châu Âu hoặc đặt đóng khu trục hạm của Nga, hoặc là hợp tác với Ấn Độ.

Việt Nam giải bài toán phòng không hạm như thế nào?

Hiện khinh hạm FREMM - một sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn đóng tàu DCNS của Pháp và Tập đoàn Fincantieri của Italia đang được 2 cường quốc hải quân này sử dụng có thể là một khả năng được xem xét. Việt Nam có thể bỏ qua khả năng tấn công mặt đất bằng tên lửa hành trình, chỉ mua phiên bản phòng không nhỏ hơn của loại tàu hộ vệ này.

Khinh hạm FREMM lớp Bergamini của hải quân Italia

Về tên lửa hành trình chống hạm, chiến hạm FREMM của hải quân Pháp có 2 cụm bệ phóng tên lửa hành trình chống tàu tầm xa MM-40 Exocet Block 3 đạt tầm 180km (8 quả), còn khinh hạm FREMM của hải quân Italia sử dụng 8 tên lửa hành trình chống tàu Otomat MK-2/A Block IV với tầm bắn 200km.

Về phòng không hạm, FREMM Pháp lắp đặt 16 ống phóng SYLVER A43 VLS, sử dụng tên lửa hạm đối không tầm trung Aster-15 (1,7-30km), còn  FREMM  Italia có khả năng phòng không hạm mạnh hơn, với hệ thống phóng thẳng đứng SYLVER A50 VLS để phóng cả 2 loại tên lửa đối không tầm trung/xa Aster-15 và Aster-30 (Aster-30 có tầm phóng 120km). 

Tuy nhiên, giá thành phiên bản phòng không của loại tàu này cũng không hề rẻ, thấp nhất cũng phải tầm trên 600 triệu USD/chiếc. Năm 2009, Hy Lạp từng đàm phán 1 hợp đồng mua 6 khinh hạm loại này với giá 3,45 tỷ USD nhưng không thành công. Còn Morocco đã từng mua 1 phiên bản chỉ có chức năng chống ngầm của FREMM với giá 492 triệu USD.

Một phương án khác là Việt Nam cũng có thể lợi dụng quan hệ tốt với Công ty đóng tàu Damen - Hà Lan để đặt mua phiên bản Sigma lớn hơn, được tích hợp hệ thống phòng không Aster-30. Xét về công nghệ, đây là phương án khả thi vì các hãng châu Âu thường sử dụng chung các tài nguyên vũ khí trong công nghiệp đóng tàu.

Liệu Damen có đóng được khu trục hạm hạng nặng dựa trên cơ sở khinh hạm Sigma?

Tuy nhiên, phương án này cũng có những khó khăn vì Damen chưa hề có kinh nghiệm đóng tàu hộ vệ hoặc khu trục hạm hạng nặng lên tới 6-7000 tấn, hơn nữa, thiết kế kiểu châu Âu cũng rất đắt, trong khi tầm phóng của Aster-30 cũng không phải là quá xa. Chúng ta có thể thấy điều này trong hợp đồng mua 2 tàu hộ vệ Sigma 9814 của Việt Nam, có lượng giãn nước 2150 tấn (chưa bằng 1/3 lượng giãn nước của các khu trục hạm) nhưng giá lên tới 600 triệu USD.

Phương án thứ 3 là Việt Nam cũng có thể đặt riêng thiết kế khu trục hạm của Nga, tích hợp hệ thống phòng không hạm S-300FM (phiên bản xuất khẩu là Rif-M), Trung Quốc cũng đã đặt mua 2 tổ hợp này để trang bị trên các khu trục hạm Type 051C của mình. Tuy nhiên, giá thành phát triển thiết kế ban đầu một loại khu trục hạm giành riêng cho Việt Nam chắc chắn là không hề rẻ, chưa nói tới khả năng Trung Quốc có thể chọc ngoáy vào vấn đề này.

Phương án thứ 4 có tính khả thi cao nhất là hợp tác với Ấn Độ để phát triển tàu khu trục trên cơ sở khu trục hạm lớp Kolkata của hải quân nước này. Nó được trang bị hệ thống vũ khí toàn diện về khả năng tấn công và phòng thủ, đặc biệt là khả năng phòng không cực mạnh. Nếu hợp tác với Ấn Độ, các nước Đông Nam Á sẽ được lợi rất nhiều vì Ấn Độ cũng đang muốn kiềm chế Trung Quốc.

Về khả năng chống hạm, tàu được trang bị 4 hệ thống phóng thẳng đứng với 16 tên lửa hạm đối hạm BrahMos. Đây là loại tên lửa chống hạm có tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay (trên Mach 3), với tầm bắn lên đến 300km. Với khả năng tấn công cực kỳ linh hoạt, BrahMos thực sự là cơn ác mộng cho bất kỳ tàu chiến nào.

Mô hình thiết kế khu trục hạm lớp Kolkata

Về khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa, tàu khu trục lớp Kolkata sử dụng 3 loại tên lửa siêu âm khác nhau cho nhiệm vụ chống máy bay, đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa chống hạm với đủ tầm cao, tầm trung và tầm thấp. Bất kỳ tên lửa chống hạm, hay máy bay chiến đấu nào trước khi uy hiếp tàu khu trục lớp Kolkata phải vượt qua 3 hệ thống đánh chặn này.

Về đánh chặn tầm xa, tàu sử dụng 8 hệ thống phóng thẳng đứng VLS cho tên lửa đánh chặn tầm xa AAD, một biến thể của hệ thống phòng thủ tên lửa ADD trên đất liền (vận tốc 4,5Mach), do Ấn Độ tự lực phát triển. Loại tên lửa này có tầm bắn lên đến 200km và có khả năng đánh chặn cả tên lửa đạn đạo.

Về đánh chặn tầm trung, tàu sử dụng 48 tên lửa đánh chặn Barak-8 với tầm bắn 70km, tên lửa có khả năng hoạt động độc lập rất cao và gần như không phải phụ thuộc vào hệ thống nhắm mục tiêu hay dẫn đường của bệ phóng. Ở tầm ngắn, tàu sở hữu 32 tên lửa đánh chặn Barak-1 với tầm bắn 12 km.

Cả 4 phương án trên đều có tính khả thi và Việt Nam có thể đàm phán với các đối tác để mua được, nhưng vấn đề mấu chốt là giá cả của các loại chiến hạm này vượt quá tầm với của nước ta. Để có được một cặp khu trục hạm cùng với các loại tên lửa, đạn dược, Việt Nam có thể phải chi thấp nhất là 1,2-1,3 tỷ USD, đây là gánh nặng quá lớn đối với ngân sách quốc phòng eo hẹp của ta.

Hiện nay, phương án khả thi nhất là Việt Nam phải liên kết với 1 vài nước trong khu vực có cùng điểm yếu như Indonesia, Malaysia…, xây dựng một kế hoạch phát triển lực lượng tàu khu trục đồng bộ với một đối tác duy nhất, thực sự mong muốn kiềm chế Trung Quốc là Ấn Độ. Như vậy, mới có thể làm giảm chi phí ban đầu hoặc giá thành mua sắm, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia

Tin nổi bật