Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tình hình Biển Đông: "Không thể giải quyết song phương được nữa"

(DS&PL) -

“TQ hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam lần này thì theo tôi không thể giải quyết song phương được nữa”, PGS, TS Nguyễn Bá Diến nhận định.

“Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam lần này thì theo tôi không thể giải quyết song phương được nữa”, PGS, TS Nguyễn Bá Diến nhận định.

Hơn một tháng qua, Trung Quốc vẫn ngang ngược duy trì việc di chuyển và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Cùng với đó là việc tàu Trung Quốc nhiều lần hung hăng tấn công các tàu chấp pháp và tàu cá Việt Nam.

Nhiều biện pháp nhằm đấu tranh, bảo vệ chủ quyền đã được Việt Nam thực hiện có hiệu quả. Giải pháp dùng công cụ pháp lý, tức là khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, cũng đã được tính tới.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học biển và Hải đảo, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải Quốc tế.


- Là một người nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực luật quốc tế, luật biển và luật hàng hải, quan điểm của ông như thế nào về phương án Việt Nam khởi kiện Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền?

- Như chúng ta đã biết, trong các phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.

Mới đây, tại cuộc họp báo Văn phòng Chính phủ tháng 5/2014, Bộ trưởng – Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng cho biết, những biện pháp pháp lý đã được chúng ta chuẩn bị từ lâu, Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ cho việc kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, nhưng để thực hiện việc khởi kiện như thế nào và lúc nào thực hiện thì phải cân nhắc hết sức kỹ càng.

Như vậy là, Chính phủ đã tính tới phương án đấu tranh pháp lý và thực tế là chúng ta cũng đã nghiên cứu từ lâu, đã chuẩn bị hồ sơ cho việc kiện Trung Quốc. Đây là một điều hoàn toàn hợp lý và cần thiết, vấn đề chỉ là kiện khi nào, kiện như thế nào cho hiệu quả.

- Vậy theo ông, đã đến thời điểm thích hợp để Việt Nam tiến hành khởi kiện Trung Quốc chưa?

- Quyết định khởi kiện và thời điểm khởi kiện Trung Quốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình chính trị, kinh tế, quân sự trong nước, quan hệ ngoại giao, tình hình bối cảnh quốc tế, thái độ của Trung Quốc, việc chuẩn bị hồ sơ, nhân lực kiện…
Căn cứ vào những hành động gây hấn của Trung Quốc trong thời gian qua, căn cứ vào những dã tâm của họ trong bao nhiêu năm qua thì vào thời điểm này, Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc.

Chúng ta vẫn kiên trì chủ trương giải quyết song phương các vấn đề với Trung Quốc. Nhưng có lẽ chỉ nên song phương trong các vấn đề về kinh tế, thương mại… Riêng với vấn đề chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa, giải quyết tranh chấp Biển Đông, trường hợp cụ thể là vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam lần này thì theo tôi không thể giải quyết song phương được nữa.

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm 40 năm nay, chúng ta đã bao nhiêu lần đàm phán song phương nhưng vẫn chưa giải quyết được, thậm chí Trung Quốc còn có nhiều động thái leo thang hơn, đó là một thực tế phải thừa nhận.

Tôi cho rằng, riêng về vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc thì giải pháp song phương là bất khả thi và thực tế đã chứng minh điều đó.

PGS, TS Nguyễn Bá Diến: "Không thể chần chừ được nữa, đã đến lúc chín muồi để khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan luật pháp quốc tế!".

Dã tâm xâm chiếm của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines trong nhiều năm qua vẫn không hề thay đổi và ngày càng leo thang. Vì vậy, có lẽ không thể dùng con đường ngoại giao để giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc được nữa. Tất nhiên, ngoại giao là một con đường quan trọng nhưng thực tế thời gian qua đã cho thấy, nó không có hiệu quả khi giải quyết các vấn đề với Trung Quốc. Kênh có hiệu quả cao nhất hiện nay chính là kênh pháp lý, tức là chính thức khởi kiện Trung Quốc.

Chúng ta thấy rõ là vì các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đều hết sức phi lý nên họ rất sợ bị các nước khác kiện ra quốc tế. Trong khi đó, với những cơ sở và bằng chứng chủ quyền vững chắc của mình, công cụ pháp lý là một lợi thế của Việt Nam chúng ta khi đấu tranh với Trung Quốc. Do vậy, nếu chúng ta càng chậm khởi kiện ngày nào thì càng có lợi cho Trung Quốc ngày đó.

Không thể chần chừ được nữa, đã đến lúc chín muồi để khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan luật pháp quốc tế!

- Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, chúng ta sẽ kiện để buộc Trung Quốc rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam hiện nay hay đòi lại quần đảo Hoàng Sa?

- Thực ra, như chúng ta đều nhận thấy, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981nằm trong âm mưu rất sâu và rất xa của Trung Quốc. Không chỉ xâm phạm vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc còn đang thực hiện âm mưu “hợp pháp hóa” việc họ chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bởi vậy, lần này, nếu chúng ta buộc họ rút giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì chúng ta làm được 2 việc: một là ngăn chặn họ thò bàn chân vào rất sâu thềm lục địa của chúng ta và xa hơn nữa là chúng ta từng bước ngăn chặn tham vọng mà lâu nay họ đang thực hiện, phá tan việc Trung Quốc đang cố hiện thực hóa “đường lưỡi bò” nuốt toàn bộ Biển Đông.

- Theo ông, để việc khởi kiện, nếu Việt Nam tiến hành, đạt hiệu quả thì cần chuẩn bị những gì?

- Để khởi kiện Trung Quốc có hiệu quả thì cần cân nhắc kĩ xem kiện ở đâu, kiện ở cơ quan nào, chuẩn bị kĩ càng về chứng cứ, hồ sơ, tài liệu liên quan, lập luận phải chuẩn, có bài bản.

Một điều quan trọng là cần có chuyên gia pháp lý chuyên sâu, chuyên môn giỏi tham gia. Cần đội ngũ luật sư, luật gia giỏi để tiến hành khởi kiện, tranh tụng… Ngoài đội ngũ luật sư trong nước, có thể mời cả luật sư nước ngoài.

Tuy nhiên, cần lưu ý là mọi việc vẫn phải do luật sư trong nước dẫn đầu, giám sát, không thể giao phó mọi việc cho luật sư nước ngoài được. Muốn vậy, luật sư trong nước ngoài sự trung thành tuyệt đối với đất nước thì cần phải rất giỏi về luật quốc tế, như vậy mới làm “nhạc trưởng” được.

Theo quan điểm và cảm nhận của tôi thì việc chuẩn bị mọi thứ để khởi kiện Trung Quốc của chúng ta trong thời gian qua vẫn cần chu đáo, bài bản, khoa học hơn nữa để có thể cầm chắc chiến thắng khi kiện.

Tin nổi bật