Rất có thể những chiếc tàu cao tốc Shershen lại là chìa khóa giúp CSB Việt Nam phá vòng vây của tàu Hải cảnh, áp sát giàn khoan trái phép.
Những ngày vừa qua, diễn biến xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 (HD981) vẫn rất phức tạp. Để bảo vệ giàn khoan, phía Trung Quốc đã huy động lúc cao điểm tới hơn 130-140 tàu lớn nhỏ, lập thành hàng rào quây kín xung quanh ở cự ly từ 5-10 hải lý (hoặc hơn) khiến tàu kiểm ngư, Cảnh sát biển của ta khó tiếp cận.
|
Lợi thế nghiêng về phía Trung Quốc vì có tàu vừa to hơn lại có số lượng áp đảo. |
Lợi thế của cuộc đấu này vẫn hoàn toàn nghiêng về phía Trung Quốc khi tàu của họ vừa to hơn lại có số lượng áp đảo. Mỗi khi tàu Cảnh sát biển hay Kiểm ngư của Việt Nam tìm cách tiếp cận thì đều bị từ 3 - 4 tàu của Trung Quốc vây quanh chèn ép, đâm húc, bắn vòi rồng.
Trong tình thế này, rất có thể một loại tàu tuần tra khác của Cảnh sát biển vốn được hoán cải từ tàu phóng lôi Shershen (trang bị cho Hải quân Nhân dân Việt Nam) sẽ trở thành “vũ khí bí mật” giúp phá vòng vây của phía Trung Quốc.
Shershen là định danh của NATO cho loại tàu phóng lôi lớp T-3 do Liên Xô nghiên cứu và sản xuất vào những năm 1960. Tên thiết kế của tàu là Project 206 Shtorm, có lượng giãn nước đầy tải 172 tấn, dài 34,08m, rộng 6,72m, mớn nước 1,46m. Tàu được trang bị 3 động cơ Diesel M-503A 3 trục, công suất 12.500 mã lực cho phép chạy với tốc độ tối đa 45 hải lý/h.
Theo thống kê của SIPRI, Việt Nam đã được Liên Xô chuyển giao 16 tàu phóng lôi lớp Shershen trong gian đoạn từ năm 1973 đến 1980. Hiện tại chỉ còn 4 chiếc đang hoạt động trong biên chế Hải quân Việt Nam, 8 chiếc đã ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2006. Trong đó, 4 chiếc được hoán cải (gỡ bỏ toàn bộ ống phóng ngư lôi) để chuyển giao cho Cảnh sát biển làm nhiệm vụ tuần tra, thực thi pháp luật biển, mang số hiệu từ 5011 đến 5014.
Tàu phóng lôi hoán cải lớp Shershen được chuyển giao cho Cảnh sát biển chủ yếu dùng để tuần tra ở vùng duyên hải ven bờ. Tuy nhiên những tàu này cũng hoàn toàn đủ khả năng hoạt động tại khu vực Trung Quốc đang đặt giàn khoan Hải Dương 981.
|
Lợi thế của Shershen là tốc độ cực cao (45 hải lý/giờ), gấp đôi tốc độ tối đa của tất cả các tàu Hải cảnh Trung Quốc. Trong ảnh: tàu Project 206 Shtorm (Shershen) chưa hoán cải của Liên Xô cũ. |
Dù có lượng giãn nước nhỏ, chỉ hơn tàu tuần tra TT-120 (Việt Nam đóng) có lượng giãn nước 120 tấn, nhưng lợi thế của Shershen lại nằm ở tốc độ cực cao. Với tốc độ tối đa lên tới 45 hải lý/h, gấp đôi tốc độ tối đa của tất cả các tàu Hải cảnh Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực đó cùng khả năng xoay trở cực kỳ nhanh nhẹn sẽ giúp Shershen có thể dễ dàng tăng tốc tránh va chạm và vượt khỏi vòng vây đối phương để tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981.
Tuy nhiên, Shershen cũng có hạn chế đó là dự trữ hành trình khá ngắn, nếu chạy ở tốc độ cao 35 hải lý/h thì tàu chỉ có tầm hoạt động 500 hải lý. Hạn chế này có thể khắc phục bằng chính chiến thuật sử dụng tàu phóng lôi kinh điển đó là dùng tàu kéo kéo sát đến nơi cần hoạt động.
Hiện tại, Việt Nam có đội tàu kéo khá hùng hậu nên việc kéo đội tàu Shershen hoán cải ra vùng biển Trung Quốc đặt giàn khoan là hoàn toàn khả thi.
Trong tình thế hiện nay, để có thể tiếp cận sát giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc thì thiết nghĩ Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nên sớm tung những chiếc tàu tuần tra hoán cải từ tàu phóng lôi lớp Shershen vào cuộc để hỗ trợ các tàu tuần tra TT-120, TT-200, TT-400 và DN-2000 đang gặp rất nhiều khó khăn vì sự bao vây phong tỏa của tàu Hải cảnh Trung Quốc.