Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Việt Nam có thêm 3 hoa hậu và 13 á hậu chỉ trong 2 ngày, khán giả lắc đầu ngán ngẩm

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Nhiều cư dân mạng cho rằng Việt Nam hiện có quá nhiều cuộc thi nhan sắc khiến họ khó nhớ nổi tên cuộc thi lẫn các hoa hậu, á hậu đăng quang.

Tối 3/8, chung kết cuộc Miss Grand Vietnam 2024 và Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024 đều diễn ra. Kết quả, ngôi vị cao nhất của Miss Grand Vietnam 2024 thuộc về người đẹp Võ Lê Quế Anh. Các vị trí còn lại thuộc về Lê Phan Hạnh Nguyên (Á hậu 1), Vũ Thị Thu Hiền (Á hậu 2), Lâm Thị Bích Tuyền (Á hậu 3) và Phạm Thị Ánh Vương (Á hậu 4).

Tối cùng ngày, chung kết Hoa hậu Du lịch Việt Nam diễn ra tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Kết quả, Phạm Thị Ngọc Quỳnh (SN 1998, quê Hải Dương) đăng quang ngôi vị cao nhất. Danh hiệu á hậu 1 và á hậu 2 của cuộc thi lần lượt thuộc về Huỳnh Kim Anh và Lê Thị Ánh Tuyết.

Chỉ trước đó một ngày, cũng có tới 8 người đẹp được vinh danh trong một cuộc thi Hoa hậu dành cho doanh nhân.

Như vậy, chỉ trong hai tối, Việt Nam đã xuất hiện thêm 3 hoa hậu và 13 á hậu trên bản đồ sắc đẹp.

Hoa hậu Quế Anh (giữa) và 4 á hậu của Miss Grand Vietnam 2024. Ảnh: BTC

Nhiều cư dân mạng cho rằng Việt Nam hiện có quá nhiều cuộc thi nhan sắc khiến họ khó nhớ nổi tên cuộc thi lẫn các hoa hậu, á hậu đăng quang. Tình trạng thi nhan sắc tràn lan cũng khiến danh xưng hoa hậu và giá trị vương miện bị giảm giá trị.

Một số cư dân mạng bình luận: "Một cuộc thi có tới 4 á hậu, ai cũng có danh hiệu, vui cả làng"; "Việt Nam có thêm 2 hoa hậu, 6 á hậu cùng lúc, giờ chắc nhà nào cũng có hoa hậu"; "Tổ chức nhiều cuộc thi nhan sắc nhưng chất lượng ngày càng đi xuống"; "Sau khi các cuộc thi khép lại, các hoa hậu, á hậu này sẽ làm gì, có mang lại đóng góp gì cho cộng đồng, xã hội?"...

Khán giả cho rằng hoa hậu phải là người xuất sắc về ngoại hình, tài năng và nhân cách. Song, các cuộc thi hoa hậu gần đây thường xuyên vướng ồn ào về chất lượng thí sinh.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh - "cha đẻ" cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho rằng mục đích của các cuộc thi Hoa hậu vốn là tôn vinh cái đẹp. Tuy nhiên, ngày nay không ít cuộc thi được tổ chức với nhiều mục đích khác nhau và cái đẹp không được đặt lên hàng đầu.

"Mục đích của đa số các cuộc thi Hoa hậu ngày nay đang có dấu hiệu thương mại hoá. Thời của tôi, mục đích quan trọng nhất của các cuộc thi nhan sắc chính là tôn vinh vẻ đẹp, định hướng cái đẹp cho tuổi trẻ. Tại sao lại có chuyện đem con người ra để thương mại hoá? Khi nói tìm Hoa hậu để kiếm tiền là người ta đang làm mất giá trị của phụ nữ và các cuộc thi uy tín. Thời chúng tôi không hề có suy nghĩ này, nhiều cuộc thi thậm chí bỏ tiền tỷ tổ chức nhưng không hề lãi một đồng. Tôi hoàn toàn không đồng tình và rất buồn về tình trạng các cuộc thi đang thương mại hoá như hiện nay", ông Dương Kỳ Anh chia sẻ.

Hoa hậu Phạm Thị Ngọc Quỳnh (giữa) và 2 á hậu sau chung kết Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024. Ảnh: BTC

Cùng quan điểm, ông bầu Phúc Nguyễn - người gắn bó với nhiều cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam - cho biết thực trạng tràn lan, chồng chéo các cuộc thi sắc đẹp là "nỗi nhức nhối" với người trong nghề.

"Trước đây, danh hiệu hoa hậu là điều rất cao quý, là niềm tự hào và là ước mơ của nhiều cô gái trẻ. Hiện tại, cụm từ hoa hậu đang trở nên quá dễ dãi. Các cuộc thi ào ạt tổ chức, vàng thau lẫn lộn, không cần yêu cầu chuyên môn hay điều kiện khắt khe như trước", ông Phúc Nguyễn cho hay, theo Dân Trí.

Bà Đặng Thanh Hằng - nhiều năm làm cố vấn cho các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam - cũng cho rằng các cuộc thi nên có sự chọn lọc để đảm bảo chất lượng. Khi những cuộc thi nhan sắc diễn ra ồ ạt, "bát nháo" thì mục đích tìm kiếm chủ nhân vương miện cũng sẽ dễ bị "thương mại hóa" thay vì đề cao tính nhân văn như trước.

Trong khi đó, nhà báo Ngô Bá Lục - giám khảo của nhiều cuộc thi sắc đẹp - thì cho rằng những cuộc thi có chất lượng, danh giá sẽ tồn tại, còn các cuộc thi kém chất lượng sẽ nhanh chóng bị đào thải.

Tin nổi bật