Hồi đầu tháng 1, Mỹ và châu Âu vẫn loay hoay với câu hỏi có nên gửi xe tăng tới Ukraine hay không. Trong khi đó, Đức tuyên bố sẽ gửi xe tăng do nước này sản xuất tới Kiev nếu Washington cũng đồng ý gửi xe tăng của chính họ.
Song chỉ ít ngày sau đó, Mỹ đã quyết định chuyển giao xe tăng M1 Abrams cho Ukraine, chỉ vài giờ sau khi Đức tuyên bố sẽ gửi 14 xe tăng Leopard 2 tới chiến trường. Động thái này được cho là đã dọn đường cho các đồng minh châu Âu khác gửi phương tiện quân sự cho Kiev.
Điều tương tự cũng từng diễn ra xoay quanh quyết định gửi pháo phản lực HIMARS cho Ukraine vào năm 2022, phản ánh các cuộc tranh luận kéo dài về viện trợ vũ khí ở Mỹ.
Kể từ khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Washington đã trao cho Kiev số vũ khí trị giá hơn 32 tỷ USD, trong số quỹ hơn 110 tỷ USD được phân bổ bởi chính quyền của Tổng thống Joe Biden để viện trợ quân sự và kinh tế.
Xe tăng Leopard 2E. Ảnh: Bloomberg
Sự cẩn trọng của chính quyền ông Biden
Trước đó, vào năm 2022, hầu hết các chuyên gia đều không nghĩ rằng Mỹ sẽ gửi xe tăng Abrams và hệ thống phòng thủ tên lửa HIMARS đến Ukraine. Thậm chí, khối lượng vũ khí khổng lồ được gửi đến Ukraine còn vượt quá tất cả các hỗ trợ an ninh khác từ trước tới nay của Washington.
Song chính quyền ông Joe Biden được cho là đã đi theo lộ trình khá cẩn trọng, khi muốn tránh những loại vũ khí có thể khiến căng thẳng với Nga leo thang thành xung đột hạt nhân, trong khi vẫn tạo đà để các đồng minh châu Âu duy trì hỗ trợ Ukraine.
Ukraine muốn Mỹ cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm bắn 300 km, có thể phóng từ pháo HIMARS, nhưng Mỹ từ chối và chỉ cho phép họ sử dụng quả đạn tầm bắn 80-90 km. Mỹ từ chối vì lo ngại Ukraine có thể dùng nó để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, làm leo thang chiến sự và dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Moscow và Washington.
Mỹ cũng đã cân nhắc rất lâu trước khi quyết định chuyển xe tăng cho Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi viện trợ xe tăng từ tháng đầu tiên xung đột (tháng 2/2022). Tuy nhiên, người phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, hồi tháng 1 nói rằng xe tăng Abrams quá phức tạp để cung cấp cho Ukraine.
Mãi tới khi chiến sự Ukraine đang bế tắc và giao tranh ác liệt đang diễn ra ở Donbass, chính quyền ông Biden đã thay đổi lập trường. Ngày 21/3, Lầu Năm Góc thông báo kế hoạch đẩy nhanh tiến trình chuyển giao xe tăng.
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS. Ảnh: DW
Nhiều chuyên gia ủng hộ viện trợ vũ khí thậm chí lập luận rằng việc Nga không leo thang hạt nhân là dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể gửi bất kỳ thứ gì họ muốn mà không lo xung đột lan rộng.
Tuy nhiên, ông Miranda Priebe, nhà khoa học chính trị tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation ở Mỹ, lo ngại quan điểm này là sai lầm. "Leo thang hạt nhân không phải điều duy nhất tôi lo lắng. Nga còn rất nhiều quân bài để chơi. Họ có thể không kích cơ sở hạ tầng Ukraine hoặc tấn công mạng", ông Priebe nhận định.
Ông Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, cũng cho rằng chính quyền Tổng thống Biden quyết định đúng đắn về các loại vũ khí hỗ trợ Ukraine ở mỗi giai đoạn cuộc xung đột, song rủi ro vẫn tiềm ẩn.
"Họ đang tự đẩy mình vào tình thế khó có thể tránh khỏi bị lún sâu ngày càng nhiều vào xung đột. Đó là lý do 12 tháng trước họ không muốn cung cấp vũ khí có thể leo thang xung đột và làm suy yếu khả năng thúc đẩy các ưu tiên khác như châu Á - Thái Bình Dương", ông Shapiro cho biết.
Những con số biết nói
Một câu hỏi được đặt ra là liệu chính quyền ông Biden có thể kiểm soát tình hình hay không. Mỹ đã gửi nhiều vũ khí và trang thiết bị nhất ra mặt trận, nhưng Kiev luôn mong chờ những đợt tiếp tế tiếp theo.
Một trong số những người bày tỏ nghi ngờ về sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ là Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Theo ông, Washington sẽ không cung cấp một “tấm séc trắng” cho Ukraine và từ chối lời mời của ông Zelenskyy đến Kiev và tìm hiểu về thực tế chiến tranh.
Mới đây, đảng Cộng hòa cũng yêu cầu Chính phủ Mỹ minh bạch viện trợ cho Ukraine. Theo đó, Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ hôm 22/2 yêu cầu Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) chứng minh rằng khoản viện trợ kinh tế và quân sự trị giá 113 tỷ USD được phân bổ cho Ukraine không bị thất thoát.
Kho dự trữ các mặt hàng Mỹ đang cung cấp cho Ukraine có nguy cơ bị cạn kiệt.
Báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy, sản lượng hiện tại của các nhà máy Mỹ có thể không đủ để ngăn chặn nguy cơ kho dự trữ các mặt hàng chính mà Mỹ đang cung cấp cho Ukraine bị cạn kiệt.
Ước tính chỉ trong vài tháng qua, lực lượng Ukraine đã khai hỏa trung bình 7.700 quả đạn pháo mỗi ngày, vượt xa sản lượng của Mỹ trước xung đột là 14.000 quả đạn 155mm mỗi tháng.
Trong 8 tháng đầu chiến sự, quân đội Ukraine đã khai hỏa số tên lửa phòng không Stinger đủ dùng trong 13 năm và tên lửa Javelin dùng trong 5 năm, theo Raytheon, công ty sản xuất cả hai loại vũ khí này.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl nói với các nghị sĩ rằng: "Xung đột Ukraine cho thấy rõ ràng rằng ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta đang không ở mức cần có để có thể sản xuất đủ đạn dược, tăng tốc sản xuất đạn pháo, tên lửa dẫn đường và các mặt hàng khác".
Trong khi đó, phía Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.
Mộc Miên (Theo Vox, Washington Times, New York Times)