Ukraine hạ mục tiêu Nga bằng dùng bom JDAM của Mỹ
Không quân Ukraine mới đây tuyên bố đã tập kích thành công các mục tiêu quan trọng của Nga nhờ vào bom dẫn đường JDAM do Mỹ cung cấp.
PravdaUkraine ngày 31/3 đưa tin, phát ngôn viên của Không quân Ukraine Yuriy Ignat khẳng định quân đội nước này đã sử dụng bom JDAM dẫn đường do Mỹ viện trợ tiêu diệt thành công các mục tiêu quan trọng của Nga trên chiến trường nhưng không nêu chi tiết về các cuộc tập kích.
"Những quả bom này có phần kém uy lực hơn nhưng cực kỳ chính xác. Chúng tôi muốn có nhiều loại bom như vậy để đạt được thành công ở chiến tuyến", ông Ignat so sánh sức công phá của JDAM với bom FAB-500 mà Nga sở hữu.
Bom JDAM của phương Tây. Ảnh: GettyImages
JDAM là tên gọi chung của những loại bom thông thường được hoán cải thành bom thông minh, bằng cách gắn thêm thiết bị dẫn đường, gồm hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) và hệ thống điều khiển.
Cách đây vài tuần, tướng James Hecker, tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE) và Bộ chỉ huy không quân Đồng minh của NATO, xác nhận Washington đã chuyển phiên bản bom JDAM-ER được trang bị cánh lái cho Kiev.
Chưa rõ số lượng JDAM-ER được Mỹ chuyển giao cho Ukraine nhưng có vẻ là tương đối ít trong khi quân đội Kiev cũng lại khá ít tiêm kích có thể mang theo bom.
Ngoài ra, phát ngôn viên Ignat cũng ngỏ lời mong Mỹ sẽ cung cấp thêm hệ thống phòng không tầm xa và máy bay đa năng hiện đại để có thể chiếm ưu thế trên mặt trận.
Mỹ viện trợ thêm 2,6 tỷ USD cho Ukraine
Ngày 31/3, Reuters đưa tin, chính phủ Mỹ đang chuẩn bị cung cấp cho Ukraine gói viện trợ vũ khí mới trị giá 2,6 tỷ USD bao gồm cả tên lửa chống tăng.
Gói viện trợ quân sự mới của Mỹ sẽ được công bố vào tuần tới và sẽ bao gồm radar giám sát trên không, tên lửa chống tăng và xe chở nhiên liệu phục vụ cho quân đội Ukraine.
Ngoài ra, trong danh sách gói viện trợ này của Mỹ còn có đạn xe tăng, trang thiết bị tân trang xe tăng và các loại đạn bổ sung cho hệ thống phòng không NASAMS mà Mỹ và đồng minh đã từng cung cấp cho Ukraine.
Được biết, khoản viện trợ này có 2,1 tỷ USD đến từ Quỹ sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI) cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp thay vì lấy từ các kho vũ khí của quân đội.
500 triệu USD còn lại dự kiến sẽ được thực hiện theo quyền rút vốn của Tổng thống Mỹ (PDA), cho phép Tổng thống trích xuất vũ khí từ kho dự trữ hiện tại của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, tổng số tiền và các thiết bị cụ thể trong gói viện trợ cũng có thể thay đổi dựa vào tình hình thực tế.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ đã cung cấp gần 30 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho nước này. Trong đó có hơn 1.600 hệ thống tên lửa phòng không Stinger, 8.500 hệ thống tên lửa chống tăng Javelin và 1 triệu viên đạn pháo 155mm.
Nga nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine đồng thời nhấn mạnh điều này không làm thay đổi cục diện mà chỉ khiến xung đột kéo dài và gây thương vong không đáng có.
Phương Uyên (T/h)